Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại người Mỹ, từng có nhiều câu nói nổi tiếng về nghiên cứu phát triển công nghệ nói riêng và sáng tạo nói chung. Tổng công ty (TCT) Công nghiệp Công nghệ cao Viettel - VHT (thành viên Tập đoàn Viettel) hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sở hữu số lượng bằng sáng chế. Soi chiếu “công thức” của Edison vào thực tế VHT cho thấy nhiều sự trùng hợp thú vị.
“Để có một ý tưởng lớn, hãy có nhiều ý tưởng hay”
Với người Viettel, ý tưởng sáng tạo không còn là những con số đếm mà trở thành đam mê và trách nhiệm. Thiếu tá Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Rađa, nói: “Chúng tôi làm đến khi hoàn thành nhiệm vụ”. Theo đó, mỗi kỹ sư của VHT đều muốn trở thành những người tiên phong khai phá công nghệ “make in Vietnam”.
Theo đuổi giá trị cốt lõi sáng tạo của Viettel, tinh thần nghiên cứu của kỹ sư VHT được nuôi dưỡng qua nhiều hoạt động như “Ngày sáng tạo 1/6”, “Giải sáng kiến ý tưởng”… |
Từ hàng nghìn ý tưởng của cán bộ kỹ sư được đưa vào nghiên cứu, thử nghiệm triển khai, đến nay, VHT có hơn 217 đơn đăng ký sáng chế trong nước, 27 đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ. Trong đó, 28 bằng sáng chế trong nước, 4 bằng sáng chế được công nhận ở Mỹ bao trùm 3 lĩnh vực hoạt động chính là quân sự, hạ tầng viễn thông và dân dụng.
“Bất mãn là sự cần thiết đầu tiên cho tiến bộ”
Câu nói này của Edison mang thông điệp động lực của tiến bộ nằm ở tinh thần không chấp nhận hiện tại. Soi chiếu những câu chuyện của VHT, các ý tưởng đều xuất phát từ việc không thỏa mãn thành quả đã có, luôn muốn có sản phẩm tốt hơn hoặc không chấp nhận những rào cản mặc định.
Suy nghĩ đó thôi thúc anh Nguyễn Trung Tiến và các cộng sự nghiên cứu, tìm tòi “Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn” được cấp bằng bảo hộ tại Mỹ. “Viettel cho tôi niềm tin rất lớn, không chỉ bởi cơ sở vật chất, môi trường thử nghiệm được đầu tư, mà còn bởi những đồng chí luôn kiên trì với mục tiêu”, anh Nguyễn Trung Tiến nói.
“Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn” giải quyết vấn đề về khởi tạo công suất mà các nhà cung cấp lớn từng gặp hạn chế. |
Phương pháp này của VHT giải quyết vấn đề về khởi tạo công suất mà các nhà cung cấp lớn như Nokia, Ericsson, Huawei… từng gặp hạn chế. Sử dụng chỉ tiêu của các “ông lớn” để đánh giá sản phẩm, không phụ thuộc vào các giải pháp có sẵn, sáng chế của VHT khắc phục những bất cập trên, giúp nâng cao chất lượng mạng, giải quyết bài toán xuyên suốt trong toàn trình tối ưu, góp phần đưa VHT vào hàng ngũ “big vendors” có khả năng tự tối ưu mạng lưới triển khai do thiết bị mình sản xuất.
“Thành công đến từ việc không cần đồng hồ trong phòng làm việc”
Năm 2020, theo báo cáo Tổng quan lực lượng quân sự 2020 (Military Balance 2020) của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, Vương quốc Anh), VHT là một trong những doanh nghiệp trang thiết bị quốc phòng mới tiêu biểu của châu Á. Những kỹ sư VHT xem đây là thành quả ngọt ngào sau 11 năm nghiên cứu và sáng chế“Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu” được bảo hộ tại Mỹ.
Thời gian làm việc của Trung tâm Rađa kéo dài 3-4 tháng liên tiếp, 12-14 tiếng/ngày tại trận địa thử nghiệm không làm các thành viên nản lòng. |
Anh Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Rađa, kể lại: “Trận địa thực hiện thử nghiệm diễn ra tại Kiến Xương (Thái Bình) trên cồn đất heo hút, bao quanh là nghĩa trang. Hình ảnh phổ biến nhất là các kỹ sư khi thức làm việc gõ bàn phím, khi ngủ cũng ôm bàn phím. Để tiết kiệm thời gian, các bộ phận nghỉ ngơi tại chỗ và thay nhau ngủ, đến bộ phận nào vận hành hệ thống, bộ phận đó dậy thực hiện nhiệm vụ”.
“Giá trị của ý tưởng nằm ở cách sử dụng”
Những phát minh, sáng chế trên giấy chứng nhận chỉ là những công thức. Điều quan trọng hơn là có thể giải quyết từng bài toán cụ thể của thực tiễn và mang lại giá trị kinh tế. Tư duy này được các kỹ sư VHT thể hiện trong nhiều sản phẩm. Không chỉ là hệ thống tính cước viễn thông thuần túy, hệ thống vOCS 3.0 được các kỹ sư VHT phát triển thành công nghệ lõi để thiết kế các sản phẩm chuyển đổi số ở các lĩnh vực giao thông (ePass), thanh toán điện tử (Mobile Money)…
Hệ thống vOCS cho thấy việc sở hữu công nghệ lõi có thể phát triển và ứng dụng linh hoạt trong mọi lĩnh vực đời sống. |
Một sáng chế khác có thể kể đến là “Cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số”. Theo đó, VHT không chỉ làm mô hình mô phỏng huấn luyện buồng lái máy bay Su-30, mà còn lần lượt áp dụng cho nhiều bài toán khác như mô phỏng kỹ thuật bắn súng, mô hình mô phỏng xe tăng T54, T55 hay phát triển hệ thống mô phỏng đào tạo lái xe ôtô VOTO cho lĩnh vực dân sự đầu tiên tại Việt Nam.
“Làm mọi điều có thể là cách khiến bản thân kinh ngạc”
10 năm trước, nếu nói doanh nghiệp trong nước có bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ, nhiều người cho rằng đó là ước mơ viển vông. Thời điểm đó, cũng không doanh nghiệp Việt nào dám mơ có thể đấu thầu sòng phẳng với nhiều hãng lớn từ Mỹ, Ấn Độ… để xuất khẩu sản phẩm quốc phòng. Đến nay, điều đó thành hiện thực.
Bình luận