Hình ảnh tại buổi họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông chiều 23/5. Ảnh: Anh Tuấn. |
"Mặc dù có nhiều cuộc giao thiệp, song Trung Quốc vẫn vi phạm các thỏa thuận, tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC). Gần đây Trung Quốc đưa nhiều thông tin sai lệch về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Trước hết tôi bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc", ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia, khẳng định.
Ngay sau đó, ông Hải trình bày một đoạn phim thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo ở góc độ pháp lý - các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý cũng như các chứng lý từ thời nhà Nguyễn, ít nhất từ thế kỷ 17, xác lập chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kỳ Pháp thuộc, đế quốc Pháp nhân danh nhà nước Việt Nam quản lý 2 quần đảo này.
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ông Trần Duy Hải nhắc đến nội dung trong Bị vong lục 1988, một văn kiện ngoại giao của Trung Quốc: "Xâm lược không thể sinh ra chủ quyền với lãnh thổ". Ông khẳng định, cho đến nay, không nước nào công nhận chủ quyền Trung Quốc với Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền là không có cơ sở.
Việc Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa là của nước này và không có tranh chấp là đi ngược lại với tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc, ý kiến của Đặng Tiểu Bình, ghi lại trong Bị vong lục năm 1988, đăng trên Nhân dân Nhật báo.
“Trung Quốc không nên nói và làm ngược lại với tuyên bố của lãnh đạo cấp cao của họ”. Trung Quốc cho rằng "trong 57 lô dầu khí, có 7 lô có tranh chấp" nhưng hoàn toàn không hề có cơ sở nào để chứng minh.
Quan điểm của Trung Quốc thực chất là để ngang ngược biến khu vực không có tranh chấp trong thềm lục địa của Việt Nam thành vùng có tranh chấp, hiện thực hóa đường lưỡi bò. Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh CSB Việt Nam cho biết đồng thời với việc đưa giàn khoan 981, Trung Quốc đã đưa tàu chiến đấu, chấp pháp đến bảo vệ giàn khoan. Trung Quốc có 5 loại tàu chiến, gồm 9 lượt chiếc là tàu vận tải đổ bộ giãn nước 17.000 tấn, 8 ống phóng tên lửa phòng không, chở được nhiều quân và khí cụ, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu khu trục… "Chúng tôi đã ghi được thông tin và hình ảnh. Việt Nam hoàn toàn không có tàu chiến trên khu vực này. Phóng viên Việt Nam và nước ngoài có mặt đã khẳng định đúng, sai".
Ông Ngô Ngọc Thu. |
'Khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép không có triển vọng về trữ lượng dầu khí'
Mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thực tế này được cộng đồng quốc tế công nhận, có nhiều công ty nước ngoài hoạt động dầu khí ở Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam đã triển khai hoạt động dầu khí từ cuối những năm 1960 ở bể Cửu Long, Nam Côn Sơn. Giai đoạn 1973-1974, chính quyền miền Nam Việt Nam ký với một số công ty nước ngoài khảo sát toàn bộ khu vực ngoài khơi Bắc Trung Bộ, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa…
Năm 1996, sau khi Quốc hội phê chuẩn UNCLOS 1982, các hoạt động dầu khí của Tập đoàn DK chỉ tiến hành trong giới hạn 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam hợp tác với nhiều tập đoàn, có 99 hợp đồng, hơn 60 hợp đồng còn hiệu lực. Việt Nam đã phát hiện ra nhiều mỏ và hiện có hơn 30 mỏ trên thềm lục địa Việt Nam đang được tiến hành khai thác.
Việt Nam không hề có lô dầu khí nào nằm ngoài vùng phân định, ngoài vùng 200 hải lý, đều được quốc tế công nhận. Các hoạt động dầu khí nằm trên thềm lục địa, từ phía bắc cho đến phía nam giáp Campuchia, Thái Lan…. Toàn bộ khu vực mà Trung Quốc cho rằng "đang tranh chấp" (bể Hoàng Sa, miền Trung) đều được khảo sát địa chấn từ thời Việt Nam Cộng hòa.
Vị trí đặt Hải Dương 981, lô 144, 143, vừa được Việt Nam khảo sát địa chấn xong, hơp tác với Exxon Mobil, Gazprom, Mỹ. Toàn bộ hoạt động ở khu vực đông bắc, Tây Bắc Hoàng Sa đang được tiến hành, được triển khai bình thường, trong khuôn khổ. Tất cả hoạt động này từ xưa tới nay đều công khai, đều được giới thiệu ở các hội thảo quốc tế và không có bất cứ sự cản trở nào.
"Trong khi đó, khi Trung Quốc gọi thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có công ty nước ngoài nào ký hợp đồng. Các luận điệu của Trung Quốc cho rằng Việt Nam phân lô nằm trong vùng tranh chấp là hoàn toàn sai trái. Lô 143, hợp tác với Exxon Mobil, Việt Nam đã khoan từ rất lâu. Chúng tôi cực lực phản đối sự vi phạm của Trung Quốc", ông Hậu nhấn mạnh.
Về trữ lượng dầu khí ở khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép, ông Hậu nói: "Đánh giá của Mỹ và Trung Quốc về nguồn Hydro Carbon rất khác nhau. Các nước đều có đánh giá. Việt Nam cũng thế, dự báo khoảng 46 tỷ tấn trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ngoài vùng này, chúng tôi không tin con số của Trung Quốc và Mỹ. Toàn bộ khu vực giữa Biển Đông, nhiều người đánh giá có nguồn dầu khí rất lớn song thực chất chúng tôi không lạc quan như vậy. Tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, đã có khảo sát của Petro Việt Nam, chúng tôi chưa khoan nhưng đánh giá triển vọng ở đây là không lớn".
Ông Lê Hải Bình. |
'Công thư 1958 không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa'
Trước câu hỏi của phóng viên về nội dung Công thư năm 1958 do Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trao đổi với phía Trung Quốc, ông Trần Duy Hải khẳng định, trước hết, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một văn bản ngoại giao, có giá trị pháp lý về vấn đề nêu trong công thư, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố, công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, công thư đương nhiên không có giá trị pháp lý đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Thứ hai, giá trị công thư phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử: Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo hiệp định Geneva, “không thể cho người khác cái mà bạn không có”. Công thư không có giá trị gì với việc công nhận chủ quyền với cái gọi là Tây Sa, Nam Sa theo cách đặt của Trung Quốc.
Trung Quốc mới đây lại viện dẫn Công thư 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tới người đồng cấp Chu Ân Lai có nội dung "tôn trọng hải phận 12 hải lý trên mặt biển" như một "bằng chứng" về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Song đây là một "vở diễn lại" quá lố của Trung Quốc bởi công luận đã từng phân tích sáng tỏ nội dung Công thư 1958, khẳng định rằng văn bản này được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Giàn khoan Hải Dương 981 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đảo Tri Tôn là bãi đá nên vùng đặc quyền kinh tế không thể vượt quá 12 hải lý. Trong khi giàn khoan cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Trong khi đó, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nên bất luận thế nào, Trung Quốc cũng vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam sẽ sử dụng pháp lý để xử lý căng thẳng, Nhà Trắng lên tiếng ủng hộ. Về khả năng Việt Nam tận dụng sự ủng hộ quốc tế, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại Giao nói, Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên LHQ và UNCLOS 1982, có quyền sử dụng các cơ chế xử lý tranh chấp được quy định trong công ước.Việt Nam sử dụng các biện pháp hòa bình, qua các cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương LHQ và UNCLOS đã quy định. Biện pháp này phù hợp với Luật pháp quốc tế. "Chúng tôi cho rằng sử dụng biện pháp pháp lý thì tốt hơn là xung đột. Lãnh đạo nhà nước đã khẳng định, Việt Nam không loại trừ bất cứ biện pháp hòa bình nào để giải quyết. Chúng tôi là cơ quan tư vấn của chính phủ nên cũng chuẩn bị phương án này để sẵn sàng", bà Hà khẳng định.
'2 người Trung Quốc tử vong ở Hà Tĩnh và 1 người chết ở Bình Dương'
Trước câu hỏi của hãng thông tấn Đức về thông tin 4 người Trung Quốc tử vong trong đụng độ ở miền Trung, ông Hải Bình khẳng định rằng 2 người Trung Quốc bị chết trong xung đột ở Hà Tĩnh và một người Trung Quốc bị tử vong ở Bình Dương.
"Thủ tướng nói không đổi hòa bình lấy sự lệ thuộc viển vông? Đây là giới hạn của sự chịu đựng?". Trả lời câu hỏi này, ông Trần Duy Hải nói: "Chủ quyền thiêng liêng, không gì có thể đánh đổi. Vàng rất quý nhưng độc lập, tự do, chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng".
Về tình hình biên giới, ông Trần Duy Hải cho biết giao thương vẫn diễn ra bình thường. "Chúng tôi chưa nghe thông tin đổ quân, duyệt quân. Trong cuộc gặp với 2 thứ trưởng ngoại giao vừa rồi, 2 bên bày tỏ quan điểm không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng".
Phó đại sứ Australia đặt câu hỏi: "Đến nay giàn khoan 981 đã hoạt động được 3 tuần. Việt Nam có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có hoạt động thăm dò ở đó chưa?", ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết theo quy trình của việc định vị thì thời gian đã đủ để có thể khoan. "Do không tiếp cận được nên không thể khẳng định được Trung Quốc đã khoan chưa".
Buổi họp báo thu hút sự quan tâm rất lớn của báo giới trong nước và quốc tế. Ảnh: Anh Tuấn. |
'Chưa có hoạt động giao lưu nào giữa Trung Quốc và Việt Nam bị đình lại'
Ông Trần Duy Hải khẳng định tại cuộc họp báo, cho đến nay mọi hoạt động giao lưu của Trung Quốc với Việt Nam chưa có gì dừng lại. Có nhiều lao động của Trung Quốc đã về nước, nhưng đó đều là các lao động phổ thông nên doanh nghiệp đều đã có phương án thay thế và không ảnh hưởng tới hoạt động.
Trước ý kiến cho rằng Trung Quốc đưa công nhân về nước để bóp méo sự thật, bịa đặt tình hình Việt Nam đang rất bất ổn, ông Lê Hải Bình nói: "Những vụ việc gây rối vừa qua hết sức đáng tiếc. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, tình hình trật tự xã hội, sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp nước ngoài, không để xảy ra vụ việc như vừa qua. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam. Ngoại trừ Trung Quốc, không doanh nghiệp nước ngoài nào rút công nhân về nước".
Trước thông tin một số công dân Việt Nam bị yêu cầu ký bản đồ công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc mới được nhập cảnh được đăng tải trên Zing.vn, ông Bình cho biết đang đề nghị các cơ quan chức năng xác minh và đề nghị xử lý vấn đề.
'Bác bỏ cáo buộc sai lệch của Trung Quốc về việc tàu CSB Việt Nam khiêu khích'
Ông Ngô Ngọc Thu bác bỏ cáo buộc vô lý của Trung Quốc cho rằng Việt Nam khiêu khích và sử dụng các tàu trên biển đâm va tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. "Đó là thông tin sai lệch, chúng tôi bác bỏ. Trung Quốc cao điểm ngày 20/5 sử dụng 137 tàu, trong đó có 4 tàu chiến và một số máy bay. Trung Quốc đã sử dụng súng phun nước công suất lớn và máy phát sóng âm thanh có âm tần gây ảnh hưởng tới thính giác và đèn pha công suất lớn gây tác động lên các tàu Việt Nam".
Đặc biệt, Trung Quốc sử dụng tàu đâm va tàu Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Việt Nam không đâm va, không sử dụng vòi rồng mà chỉ dùng loa để tuyên truyền, biểu ngữ yêu cầu tàu và giàn khoan rút khỏi vùng biển Việt Nam. Thực tế, có tới 20 tàu Việt Nam bị đâm va, thậm chí có tàu bị đâm va 3-4 lần. Thực tế những hình ảnh chúng tôi cung cấp vừa qua đã thể hiện điều đó".
Ông Trần Duy Hải khẳng định thêm: "Việt Nam vẫn đang kiên trì các biện pháp hòa bình, nếu có biện pháp nào khác khi Trung Quốc tiếp tục lấn tới, thì Thủ tướng đã nhắc đến khi trả lời phỏng vấn ở Philippines. Nếu chúng ta là nạn nhân thì chúng ta phải tự vệ. Thực ra chúng ta đã sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng".
Diễn biến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông:
5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.
Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ bắc - 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay... đến vùng biển này.
Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên nhưng phía Trung Quốc vẫn không hợp tác, rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Nhiều ngày qua, các tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, phun vòi rồng, đâm va nhằm cản trở tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam thực hiện quyền chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến khi hạ giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam.