Sáng 15/11, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn (Bình Định), cho hay sau khi kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng xác định mưa lớn kéo dài khiến nước chảy xiết gây xói lở, làm sập một đoạn cống thoát nước công cộng trong khuôn viên khách sạn Hoàng Gia.
"Cống thoát nước ra biển bị sập khiến mưa lũ dồn ứ gây sụt lún, xói lở phá hỏng nhiều hạng mục công trình resort Hoàng Gia. Ngoài ra, tuyến đường Hàn Mặc Tử dài 200 m bị ngập sâu, có nơi hơn 0,5 m. Nhiều khu dân cư nơi đây bị ngập, chia cắt giao thông", ông Nam nói.
Sân vườn của resort Hoàng Gia, TP Quy Nhơn bị sụt lún biến thành dòng sông chảy xiết. Ảnh: Minh Hoàng. |
Sau khi xảy ra sự cố ngập lụt và sạt lở núi, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các ngành, địa phương huy động phương tiện, nhân lực kiểm tra, nạo vét khơi thông các dòng chảy; kiểm tra các vị trí cầu, cống tiêu thoát lũ.
Ông Thanh đề nghị cơ quan chức năng rà soát các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng vào các điểm xung yếu có nguy cơ triều cường, các điểm có nguy cơ sạt lở để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương chuẩn bị phương tiện máy móc gia cố các tuyến đường bị sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt.
Riêng điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ 1D, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định giao Sở Giao thông Vận tải cùng với Chi cục quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ) và công an tỉnh khẩn trương khắc phục; dựng rào chắn, túc trực đảm bảo an toàn cho người dân.
Núi lở gây ách tắc giao thông trên quốc lộ 1 D, đoạn qua TP Quy Nhơn. Ảnh: N.O. |
Từ 19h ngày 13/11 đến 15h ngày 14/11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình cả tỉnh trên 100 mm, một số nơi 200-260 mm. Mưa lớn kéo dài, lũ dâng cao tràn về trên các sông gây ngập lụt ở vùng hạ lưu các con sông Hà Thanh, sông Kôn. Địa phương này có 116 hồ chứa nước đã qua tràn, trong đó có 55 hồ đầy nước.
Để ứng phó với mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, huyện Phù Cát đã di dời 36 hộ với 128 nhân khẩu ở khu vực nguy cơ sạt lở núi Gành ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát đến nơi an toàn. TP Quy Nhơn đã di dời 63 hộ dân với hơn 250 nhân khẩu ở những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt đến vùng cao tránh lũ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tại thị xã An Nhơn, có hơn 700.000 cây mai ở các xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh và phường Nhơn Thành bị ngập trong nước lũ. Hiện các hộ dân di dời được hơn 550.000 cây lên vị trí cao tránh bị hư hỏng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ ngày 15 đến ngày 18/11, ở Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa dự báo từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Phú Yên phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 400 mm; nguy cơ ngập lụt diện rộng ở vùng trũng, thấp, xảy ra lũ quét, sạt lở núi ở vùng cao.