Rời xa hàng quán
Chị Trà My, nhân viên văn phòng tại một công ty trên đường Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, khoảng 6 tháng nay, mỗi khi tan giờ làm việc buổi chiều, thay vì nán lại công sở ngồi tám chuyện hay la cà vào các shop quần áo, chị đi chợ mua đồ cho các bữa ăn ngày hôm sau.
Giờ công việc bếp núc khiến chị bận như nuôi con mọn. Sáng phải đặt đồng hồ báo thức từ 6h kém, thay vì ngủ nướng đến gần 7h rồi ra ngoài quán ăn. Chị dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà và nấu đồ ăn để hai vợ chồng mang đến cơ quan ăn trưa.
Mở bếp ăn tại cơ quan vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm. |
Để chữa cháy trong lúc lương không tăng, giá cả đắt lên 15-20%, chị Nguyễn Quỳnh Như ở Nguyễn Công Hoan (Đống Đa) tìm đủ mọi tiết kiệm triệt để, lâu dài như “sống chung với lũ”. Chị Như chia sẻ, trước đây sáng sáng vợ chồng chị và hai đứa con đều ăn bún, phở, trưa trưa ăn cơm tiệm nay hoàn toàn ăn cơm nhà.
Ngoài ra, những ngày lễ tết, giỗ chạp, sinh nhật... trong gia đình, bạn bè tụ tập ăn uống chị cũng chọn cách tự đi chợ về nhà nấu nướng, không gọi đồ làm sẵn về nhà hoặc kéo cả gia đình đi ăn hàng. “Mặc dù bận rộn, vất vả hơn trước rất nhiều nhưng ăn uống ở nhà vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh”, chị Như nói.
Anh Nguyễn Văn Toản, làm cho một công ty trên đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội) còn tâm sự, để thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu, vợ anh đặt ra chính sách “hạn chế ăn hàng, cơm trưa của nhà mang đi”.
Theo anh Toản, giờ chỉ những dịp thật đặc biệt như sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới cả nhà mới ra ngoài ăn. Đi ăn thì ưu tiên những quán bình dân, giá rẻ. Thậm chí, ngay cả thói quen la cà quán cà phê đầu giờ sáng hay tối tối cùng bạn bè của anh cũng biến mất, chỉ còn cà phê hòa tan vợ mua. “Cô ấy bảo cứ ra ngoài là tốn tiền. Tôi còn phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc không ăn cơm nhà phải báo trước 4 giờ chiều để cô ấy biết đường đi chợ”, anh cho hay.
Lập bếp ăn trên cơ quan
Chị Thùy Dung - nhân viên văn phòng cho một công ty trên đường Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) khoe rằng: “3 tháng nay, mỗi tháng tôi tiết kiệm được hơn 300.000 đồng tiền ăn trưa”.
Dung kể, khó khăn nên cả phòng góp gạo thổi cơm chung. Chị em góp tiền, lên kế hoạch thực đơn cho từng bữa rồi phân công nhau đi chợ, mỗi người làm một món. Tất cả đồ ăn đều được chế biến sẵn ở nhà, đem lên cơ quan để tủ lạnh đến trưa cho vào lò vi sóng hâm nóng lên là được. Riêng cơm nấu đơn giản nên chị em góp tiền mua một nồi cơm điện để ở cơ quan. Nhờ đó, nay chị em chỉ phải đóng 15.000 đồng/bữa/người, thay vì mất 30.000-35.000 đồng/suất cơm hay phở như trước.
Hàng quán ế ẩm vì dân làm công ăn lương thắt chặt chi tiêu, hạn chế ăn hàng, tích cực nấu cơm nhà đem đến cơ quan ăn. |
Chị Lê Thị Giang, nhân viên một công ty quảng cáo trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) còn cho hay: Sau khi biết hầu hết anh chị em mang đồ ăn trưa đến văn phòng, lãnh đạo công ty quyết định “lập bếp ăn” cho mọi người. Công ty trích quỹ công đoàn sắm cho mỗi phòng một chiếc tủ lạnh, một lò vi sóng, đồng thời cũng dọn dẹp bớt phòng làm việc cho ngăn nắp để dành diện tích làm bàn ăn cho mọi người vào buổi trưa. “Rồi mọi người quyết định góp tiền vào để cùng nấu ăn trưa”.
Thực tế, theo ghi nhận tại các hàng quán ăn, hầu hết chủ hàng đều thừa nhận lượng khách đến ăn ngày càng giảm. Ông Dũng, chủ quán bún đậu trên đường Phùng Hưng, than: “Hồi trước, cứ đến buổi trưa quán bún của tôi đông nghịt khách, không còn một bàn trống, bán hết cả tạ bún một ngày. Nay khách chỉ còn một nửa, ngày nhập 40 cân bún về bán không hết. Nhiều hôm cả nhà tôi phải ăn bún trừ bữa vì ế”.
Chị Huế, chủ quán cơm bình dân trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy cũng buồn bã cho hay khách tới quán cơm của chị giảm hơn 1/3. Theo chị Huế, quán ăn ở khu vực này chủ yếu phục vụ dân văn phòng. Kinh tế khó khăn, nhà nào cũng thắt chặt chi tiêu, hạn chế ra ngoài ăn nên hàng quán càng ngày càng ế ẩm.