Công Phượng bước tới châu Âu chơi bóng. Song để tạo ra điểm nhấn lớn nơi lục địa già, một cá nhân đôi khi là không đủ.
Những biểu tượng và hiệu ứng mang tính toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong hành trình vươn tới lục địa già của những cầu thủ châu Á.
Vượt qua được ngưỡng cửa mang tính chất bản lề này, cơ hội để có được sự ghi nhận ở khu vực số một về bóng đá mới mở ra. Câu chuyện của Công Phượng cũng không phải ngoại lệ.
Công Phượng ký hợp đồng thi đấu chính thức tại một giải VĐQG ở châu Âu. Ảnh: Quang Thịnh. |
Những biểu tượng thay đổi cuộc chơi
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nền bóng đá phát triển và giàu truyền thống nhất châu Á. Dẫu vậy, trong quá khứ, 2 người khổng lồ này chỉ sắm phận lót đường tại 2 đấu trường lớn là World Cup cũng như Olympic.
Với Hàn Quốc, mọi chuyện chỉ thay đổi với cái tên Cha Bum-kun. Sinh ra trong gia đình nghèo tại Hàn Quốc, Cha đã thu hút được sự chú ý của HLV Friedel Rausch nhờ tài năng bóng đá thiên bẩm. Nhà cầm quân trẻ tuổi này đưa Cha Bum-kun tới Đức thi đấu tại Bundesliga vào năm 1978.
Cha Bum-kun là người mở ra con đường tới châu Âu cho những cầu thủ Hàn Quốc sau này. |
Tháng 7/1979, sau những rắc rối ở khâu nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc được giải quyết, Cha Bum-kun gia nhập Frankfurt và bắt đầu hành trình chinh phục châu Âu.
Ông cùng Frankfurt vô địch cúp UEFA ngay mùa giải đầu tiên khoác áo CLB và trở thành cầu thủ được trả lương cao thứ 3 nước Đức. Frankfurt của Cha Bum-kun đã đả bại Aberdeen của HLV Alex Ferguson, bản thân huyền thoại người Hàn Quốc được Sir Alex nhận xét là “không thể ngăn cản”.
Lothar Matthaus gọi Cha Bum-kun là “cầu thủ tấn công hay nhất thế giới” sau khi Gladbach của “Tiểu hoàng đế” thất bại trước Frankfurt trong trận chung kết cúp UEFA năm 80 đó.
Sau khi rời Frankfurt, Cha Bum-kun còn khoác áo Bayer Leverkusen, đưa CLB này vô địch thêm cúp UEFA năm 1988 ở tuổi 35.
Sức ảnh hưởng của Cha Bum-kun khiến người Đức và Bundesliga nhìn về Hàn Quốc với nhiều thiện cảm. Họ tin tưởng nếu may mắn như Frankfurt trong quá khứ, Cha Bum-kun mới sẽ xuất hiện. Tới giờ, có 15 cầu thủ Hàn Quốc tới Đức chơi bóng sau Cha Bum-kun.
Kazu Miura là cầu thủ Nhật Bản đầu tiên tới Italy chơi bóng và mở ra thời kỳ vàng son cho những cái tên ở xứ sở mặt trời mọc. Ảnh: Getty. |
Nhật Bản với những thiệt hại nặng nề sau thế chiến thứ 2 đã không thể vươn mình ra World Cup từ sớm như Hàn Quốc (phải tới năm 1998 Nhật Bản mới tham dự, trong khi Hàn Quốc có lần đầu tiên vào năm 1954).
Bóng đá xứ sở mặt trời mọc cần một người như Cha Bum-kun để thay đổi bộ nhận diện. Và Kazuyoshi Miura hay “King Kazu” xuất hiện.
Ở Nhật Bản, bóng chày mới là môn thể thao được yêu thích nhất chứ không phải bóng đá, song ai cũng biết đến Kazu Miura.“King Kazu” cũng là nhân vật hiếm hoi được Nhật Hoàng mời tới cung điện để chúc mừng nhân ngày sinh nhật.
Hành trình vươn mình ra thế giới của Kazu Miura trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho bộ truyện tranh bóng đá nổi tiếng ở Nhật Bản.
Năm 1982, cậu bé Kazu Miura mới 15 tuổi đã rời trường Shizouka, đi một mình tới Brazil để theo đuổi ước mơ bóng đá. Miura ký hợp đồng với Club Atletico và gia nhập đội trẻ. Ở tuổi 19, Miura ký hợp đồng chuyên nghiệp với Santos và sau đó chuyển tới thi đấu cho những tên tuổi lẫy lừng của bóng đá xứ sở Samba như Palmeiras hay Coritiba.
Kazu Miura vẫn tiếp tục chơi bóng ở tuổi 52 và là biểu tượng vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Những thành công của Miura ở môi trường Brazil đã đưa ông trở lại Nhật Bản. Sau những năm tháng thi đấu tại Brazil, Kazu Miura lập tức tỏa sáng khi trở về quê nhà. Năm 1993, Kazu Miura trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên trong lịch sử giành danh hiệu “Cầu thủ hay nhất châu Á”.
Năm 1995, Miura trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên tới Italy thi đấu. “King Kazu” chơi cho Genoa trong một mùa và ghi duy nhất một bàn, nhưng lại là vào lưới Sampdoria trong trận “Derby đèn biển” trứ danh. Hình ảnh cầu thủ Nhật Bản ghi bàn tại giải đấu số một thế giới khi ấy trở thành niềm cảm hứng lớn lao của những thanh niên Nhật Bản.
Sau Kazu Miura, tượng đài tiếp theo của bóng đá xứ sở mặt trời mọc là Hidetoshi Nakata cũng tới Italy chơi bóng. Sau Nakata là Shunsuke Nakamura. 24 năm sau ngày Kazu Miura khai phá Italy, có 31 cầu thủ Nhật Bản đến chơi bóng tại Italy.
Hiệu ứng toàn cầu
Sau thành công của những người đi tiên phong như Cha Bum-kun hay Kazu Miura, các CLB tại châu Âu đã để ý nhiều tới những nhân tố châu Á hơn. Song World Cup 2002 mới là thời điểm khiến tất cả bùng nổ.
2 quốc gia tổ chức đăng cai là Hàn Quốc và Nhật Bản đều giành được những thành tích chưa từng có trong lịch sử. Hiệu ứng này đẩy giá trị những cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc lên cao chưa từng thấy. Park Ji-sung, Lee Young-pyo trở thành các ngôi sao được trọng vọng và trao cơ hội ở PSV Eindhoven.
Park Ji-sung vươn tầm ngôi sao châu Á toàn cầu sau thành công cùng ĐT Hàn Quốc tại World Cup 2002. Ảnh: Getty. |
Junichi Inamoto, Shinji Ono cũng có được điều tương tự tại Fulham hay Feyenoord. Phần còn lại có lẽ tất cả đều đã biết, Park Ji-sung chuyển tới MU và thành huyền thoại. Nakamura tới Celtic và cũng trở thành tên tuổi lớn.
Sau thế hệ của Park Ji-sung, Nakata, Nakamura, bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục sản sinh thêm những ngôi sao mang tầm cỡ toàn cầu.
Tờ New York Times nhấn mạnh một mình Shinji Kagawa đã biến Bundesliga trở thành miền đất hứa của những người Nhật Bản. Trước World Cup 2002, chỉ có 2 cầu thủ Nhật Bản thi đấu tại Bundesliga, đến năm 2012 con số này là 14 và giờ là 31.
Kagawa đến Dortmund với giá 350.000 euro vào năm 2011 từ Cerezo Osaka cùng không nhiều kỳ vọng. Song chàng trai Nhật Bản làm cả nước Đức phải chú ý đến mình ghi tới 12 bàn và giúp Dortmund của Juergen Klopp vô địch Bundesliga. Trong mùa thứ 2, hiệu ứng của Kagawa lan ra toàn thế giới.
Anh tiếp tục giúp Dortmund vô địch Bundesliga, buộc Manchester United phải chi tiền để có mình và trở thành người Nhật Bản đầu tiên thi đấu cho CLB sở hữu thương hiệu số một thế giới.
Shinji Kagawa biến Bundesliga thành miền đất hứa của những cầu thủ Nhật Bản. |
“Sau thành công của Kagawa, các CLB Bundesliga muốn có những cầu thủ Nhật Bản hơn. Đó cũng là lý do khiến nhiều cầu thủ Nhật Bản tới Đức chơi bóng”, Usami Takashi, cựu cầu thủ Hoffenheim, khẳng định.
Với Hàn Quốc, quốc gia này có quyền tự hào vì Son Heung-min, người tỏa sáng tại Tottenham, lọt vào tới trận chung kết Champions League và cũng là cầu thủ châu Á đắt giá nhất lịch sử.
Son Heung-min cũng là nhân vật công phá những định kiến mà những cầu thủ châu Á phải nhận nơi trời Âu. Son được báo chí Anh gọi là Super Sonic - nhanh tựa sóng âm - sau khi có pha tăng tốc đạt tới vận tốc 34,3 km/h, nhanh hơn bất kỳ đồng đội nào tại Tottenham.
Son Heung-min giờ thành biểu tượng của cả châu Á. Ảnh: Getty. |
Tờ Marca từng gọi ngôi sao này “quái vật Hàn Quốc”. Trong trận chung kết Champions League 2018/19, Son Heung-min chứ không phải Harry Kane hay Christian Eriksen mới là người tạo ra khác biệt cho Tottenham.
Son Heung-min giờ không chỉ là thần tượng ở Hàn Quốc, mà còn là cả tại Anh hay bất kỳ quốc gia nào có hình bóng của Premier League qua các phương tiện truyền thông.
Công Phượng và vai trò tiên phong
Năm 2019, việc cầu thủ châu Á tới châu Âu chơi bóng không còn khó khăn như thời của Cha Bum-kun hay Kazu Miura nữa. Song không phải ai cũng là Kagawa để CLB mạnh như Dortmund chiêu mộ.
Cách biệt về đẳng cấp ngày càng lớn ở những giải đấu hàng đầu châu Âu khiến những đòi hỏi về các cầu thủ châu Á cũng ngày một gia tăng.
Các tuyển trạch viên ở những CLB lớn có tiêu chuẩn cao trong việc tìm ra những viên ngọc thô. Giữa cầu thủ Brazil với Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, có rất ít tuyển trạch viên châu Âu sẽ chọn đại diện châu Á. Những cầu thủ châu Á sẽ cho thấy mình có sức hút hơn nếu họ đã có những kinh nghiệm tại châu Âu thông qua biểu hiện của việc biết cách hòa nhập, thích nghi với môi trường.
Takehiro Tomiyasu, đồng đội của Công Phượng tại Sint-Truidense, vừa chuyển đi khỏi CLB Bỉ để đến Serie A thi đấu. Con đường dài hơn đấy đang là lựa chọn của nhiều cầu thủ châu Á khác. Ảnh: Getty. |
Những cầu thủ châu Á vì vậy đang chấp nhận đến những nền bóng đá thấp hơn, nhưng có môi trường phát triển tốt như Hà Lan (Keisuke Honda) hay Bỉ (Takehiro Tomiyasu) trước khi tìm đường sang những giải đấu lớn thông qua việc khẳng định mình tại đó.
Không khó để thấy những gì mà các cầu thủ châu Á (hoặc bên sở hữu họ) gặp khó trong việc tới châu Âu chỉ là tìm ra cơ hội.
Công Phượng đã có cơ hội và đang là cầu thủ Việt Nam bước ra châu Âu. Dù khập khiễng, song vai trò của Công Phượng sẽ không khác so với Cha Bum-kun hay Kazu Miura trong quá khứ nếu tiền đạo sinh năm 1995 thật sự muốn đưa hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới.
Việt Nam trên bản đồ bóng đá châu Âu vẫn chỉ là tờ giấy trắng, và Công Phượng đang là người được chọn để viết lên những nét chữ đầu tiên. Công Phượng đã thất bại trong hành trình vươn mình ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Tới giờ chưa có gì đảm bảo tiền đạo quê Đô Lương sẽ lật ngược thế cờ khi đến Bỉ.
Công Phượng sẽ là người tiên phong của bóng đá Việt Nam. |
Dẫu vậy, bất kỳ hành trình nào cũng cần có sự khởi đầu. Và Công Phượng sẽ sắm vai người tiên phong của bóng đá Việt Nam tới châu Âu. Hành trình mới sẽ mở ra với Phượng. Dài hay ngắn, bổ ích hay nghiệt ngã cũng là lựa chọn đã được đưa ra.
"Tôi muốn trở thành hình mẫu tốt để các cầu thủ Việt Nam hướng đến môi trường châu Âu và trải nghiệm bầu không khí bóng đá tại đây", Công Phượng nói như thế về chuyến hành trình tới Sint-Truidense.
Tiếng vọng châu Á từ những người tiên phong vĩ đại như Cha Bum-kun, Kazu Miura có được Công Phượng tiếp nối trên đất Bỉ hay không? Thời gian sẽ cho câu trả lời.