Công Phượng là nạn nhân của chủ nghĩa hoài nghi tồn tại trong lòng bóng đá Việt Nam. |
Không có lửa sao có khói! Đấy là một cách tư duy quen thuộc của tất cả những ai làm công việc liên quan đến bóng đá Việt Nam. Sẽ khó có chuyện tuổi tác của Công Phượng bị thổi bùng lên thành nghi án nếu nó không bị đối chiếu và đặt vào hệ thống của những câu chuyện về thực trạng gian lận tuổi đã tồn tại nhiều năm qua.
Có dạo, chuyện đổi tên, tuổi của cầu thủ là căn bệnh kinh niên ở các giải thiếu niên, nhi đồng. Cầu thủ triển vọng một thời Trần Thế Vọng của đội nhi đồng Gia Lai từng tham dự giải nhi đồng toàn quốc năm 1998 rồi đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thực chất là Nguyễn Minh Thành. Hay ở đội nhi đồng Khánh Hòa có trường hợp Phan Thiều Quang được đổi tên thành Lê Minh Hoàng nổi tiếng một thời.
Năm 2003, VFF từng ra một loạt án kỷ luật nhằm xử lý các đội bóng tham dự giải nhi đồng có hành vi gian lận tuổi. Ngoài chuyện bị thu hồi lại danh hiệu, tiền thưởng, các đội bóng Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Hà Tây (cũ) còn bị cấm tham dự tại các giải U11 trong 2 năm liên tiếp sau đó. Riêng Nghệ An, quê hương của Công Phượng, còn bị cấm tham gia cả các giải U13 và U15.
Nhưng bất chấp những biện pháp mạnh tay như vậy, gian lận tuổi vẫn tồn tại như một thực trạng nhức nhối. Năm 2010, HLV Nguyễn Minh Dũng dẫn đội U11 Viettel đi đá giải thiếu niên nhi đồng toàn quốc từng bức xúc thốt lên: “Tôi nghĩ giải phải đổi tên thành thanh niên nhi đồng”, khi ông Dũng 3 năm liên tiếp tham dự giải và chứng kiến nhiều cầu thủ quen mặt, đã vượt quá độ tuổi nhưng vẫn được đăng ký thi đấu.
Tài năng vượt trội của Công Phượng cũng là một lý do khiến anh bị nghi ngờ. |
Không chỉ tồn tại ở các giải thiếu niên nhi đồng, Vòng chung kết U21 quốc gia năm 2000 cũng chứng kiến trường hợp đội U21 Thanh Hóa bị loại khỏi giải vì có 3 cầu thủ gian lận tuổi.
Thậm chí, việc gian lận không chỉ dừng lại ở mức độ địa phương mà còn len lỏi cả vào cấp độ đội tuyển. Năm 2003, đội U14 Việt Nam đoạt huy chương đồng ĐNA nhưng sau đó bị phát hiện có 2 cầu thủ gian lận tuổi khiến VFF phải xin lỗi AFF (Liên đoàn bóng đá ĐNA) và AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á).
Những câu chuyện kể trên đã trôi qua từ khá lâu nhưng cũng không ai dám đảm bảo rằng nó không còn xuất hiện ở thời điểm hiện tại. Cho đến giờ, chuyện một tiền đạo đồng hương của Công Phượng từng được mệnh danh là “cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam sinh năm 1984 hay 1982 thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại như là một ví dụ khá tiêu biểu của việc khai man tuổi nhằm chạy theo thành tích của người lớn.
Hoặc một trường hợp khác cũng bị nghi ngờ là chuyện một tiền đạo chỉ đá hay ở U23 nhưng chìm nghỉm cả trong màu áo CLB lẫn đội tuyển dù năm nay anh mới chỉ 28 tuổi, tức ở trong giai đoạn chín nhất của sự nghiệp.
Thế nên không ngạc nhiên khi một thủ môn từng đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam có lần khảng khái phát biểu: “Với bóng đá Việt Nam, tuổi thật của cầu thủ chỉ có thể được biết khi người đó ngồi lên nóc tủ”. Và chủ nghĩa hoài nghi nếu có nảy sinh cũng chỉ là lẽ thường tình.
Chừng nào còn thi đấu tại Việt Nam, Công Phượng sẽ còn phải đối diện với những chuyện tương tự. |
Kể từ khi xuất hiện và sau những gì người ta biết về lứa U19 của Học viện HAGL Arsenal JMG, Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội có lẽ cũng chưa kịp hiểu về điều gì khác ngoài bóng đá. Nhưng họ đã sớm bị biến thành nạn nhân của chủ nghĩa hoài nghi chỉ bởi một tờ giấy hộ tịch chỉnh sửa không rõ ràng hay khuôn mặt khắc khổ già trước tuổi của cậu bé trải qua thời ấu thơ gian khó.
Chừng nào còn chơi bóng ở Việt Nam, đấy là một trong những điều Công Phượng sẽ phải đối diện, cũng tương tự như chuyện năm tới, anh cùng đồng đội sẽ đối đầu với thứ bóng đá “không giống như sách giao khoa” tại V.League 2015.