Ba trận ở TP.HCM mang tới hình ảnh một Công Phượng rất khác. Anh không mang áo số 10, cũng không sắm vai “số 10”. Anh không còn là cầu thủ quan trọng nhất nhưng lại đang là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất, thậm chí đạt được phong độ cao bậc nhất sự nghiệp ở đội bóng mới.
HLV Chung Hae-seong dường như đã tìm ra được một công thức đặc biệt cho Công Phượng, một liều doping mạnh mẽ mang tên Trần Phi Sơn.
Công Phượng đang cho thấy một hình ảnh đầy sức sống và khác biệt ở TP.HCM. Trong một tập thể có rất nhiều cầu thủ Nghệ An, được chơi bóng với một HLV quen thuộc, Phượng đã thể hiện phong độ ấn tượng. Ảnh: Duy Anh. |
Lối mòn của một “số 10”
Sự nghiệp của Công Phượng đã luôn gắn liền với chiếc áo số 10 và vai trò tương ứng số áo ấy.
Ngay từ khi mới xuất sơn ở U19 Việt Nam và sau này là HAGL hay U23 Việt Nam, Phượng luôn được “đo ni đóng giày” cho vị trí này. Bộ kỹ năng đặc biệt, khả năng đột phá hiếm có cùng những ưu ái trong buổi đầu sự nghiệp nơi các HLV giúp Phượng có được vị trí “số 10” ở hầu hết đội bóng anh thi đấu.
Điều đó giúp Phượng có rất nhiều khoảnh khắc bùng nổ, để lại nhiều dấu ấn nhưng đồng thời tạo ra lối mòn trong tư duy của anh. Tại U19, HAGL và phần nào đó là U23 Việt Nam, Phượng luôn giữ nguyên một lối chơi. Lên V.League từ năm 2015, trải qua 3 mùa bóng ở Việt Nam, khoác áo thêm 3 CLB nước ngoài, Phượng gần như không có sự thay đổi về phong cách.
Anh thích cầm bóng hơn là phối hợp, ít quan sát và đã hình thành tư duy đột phá là giải pháp tốt nhất, thậm chí duy nhất trong nhiều tình huống bóng. Lối đá ấy giúp Phượng có những pha solo qua người ấn tượng, giúp anh ghi được nhiều bàn thắng đẹp. Nhưng chính nó trở thành rào cản cho anh ở các cấp độ bóng đá cao hơn.
Công Phượng đã có 3 bàn ở TP.HCM chỉ sau 3 trận. Đó là hiệu suất ghi bàn ấn tượng nhất của anh cho một CLB kể từ buổi đầu sự nghiệp. Thành tích ấy càng ấn tượng hơn khi đó đều là các trận đấu quan trọng trước những đội mạnh. Ảnh: Duy Anh. |
Lên tuyển từ năm 2015, Phượng hiếm khi là lựa chọn số một của các HLV. Thứ bóng đá giúp anh thành danh ở các đội trẻ trở thành rào cản cho anh tại môi trường bóng đá đẳng cấp cao, nơi các hậu vệ luôn sẵn sàng phạm lỗi khi anh vượt qua người đầu tiên.
Lối đá ấy cũng khiến Phượng không có cơ hội phát triển các kỹ năng cần thiết khác của một tiền đạo. Ngoài đột phá, khả năng tận dụng cơ hội, chơi đầu, dứt điểm một chạm của anh đều không được cải thiện trong nhiều năm. Phượng giống như một cậu bé học lệch, rất giỏi môn chuyên nhưng thiếu đồng đều. Bởi thế, anh thiếu toàn diện, thích nghi kém, gặp khó khăn khi thay đổi môi trường với biểu hiện là thất bại trong các chuyến xuất ngoại.
Phượng cũng không may khi chưa gặp được các HLV có thể giúp anh chỉ ra vấn đề. Ông Toshiya Miura chủ yếu làm việc với Phượng khi anh ở đội U23, các HLV ở HAGL dung dưỡng cách chơi chưa chuẩn mực của Phượng trong khi những ông thầy ngoại ở các CLB nước ngoài có lẽ không đủ thời gian và sự quan tâm dành cho một cầu thủ dự bị.
Những điều đó đang phần nào thay đổi ở TP.HCM, trong mùa giải đầu tiên Công Phượng chơi cạnh Phi Sơn.
Nhờ có Phi Sơn, Công Phượng “được” giải thoát khỏi vai trò số 10. Anh chơi tự do hơn, gần khung thành đối thủ hơn và đang ghi những bàn thắng theo một phong cách trái ngược với thói quen của mình. Ảnh: Huy Thịnh. |
Hay nhất vì không còn là quan trọng nhất
Ở đây, Phượng không còn là cầu thủ quan trọng nhất.
Tại TP.HCM, Phi Sơn mới là người mang áo số 10 và thực sự đang đảm nhận vai trò của một nhà tổ chức ở hàng công của đội bóng. Lấy trận gặp CLB Hà Nội làm ví dụ, Phi Sơn chơi lùi, đá hộ công phía sau cặp tiền đạo cắm Công Phượng, Amido Balde.
Lựa chọn của ông Chung Hae-seong hoàn toàn hợp lý. So với Công Phượng, Phi Sơn nhiều tuổi hơn. Anh giàu kinh nghiệm hơn, gắn bó với TP.HCM lâu hơn, khả năng hòa nhập đã được kiểm chứng và sở hữu trình độ chuyên môn cao. Trước khi chấn thương, Phi Sơn là cầu thủ quan trọng nhất ở đội bóng miền Nam. Mùa trước, dù chỉ chơi 3 trận, Phi Sơn đã kịp ghi 2 bàn cho đội bóng.
Mỗi đội bóng chỉ cần một “số 10”. Có Phi Sơn, ông Chung đưa Công Phượng trở về hàng công, giải thoát cho anh khỏi gánh nặng dẫn dắt lối chơi.
Chính từ đây, một Công Phượng hoàn toàn mới đã xuất hiện.
Ba bàn của Phượng ghi cho TP.HCM đều là những pha lập công đi ngược lại với cách chơi quen thuộc của anh. Hai bàn đầu tiên tới sau những tình huống một chạm trước khung thành đúng với phong cách “số 9” điển hình. Bàn cuối cùng là cú sút xa quyết đoán từ cự ly khoảng 25 m.
Trận đấu hay nhất của Công Phượng ở tuyển Việt Nam là trận gặp Nhật Bản tại Asian Cup 2019, nơi anh bộc lộ trọn vẹn khả năng đột phá cá nhân ấn tượng của mình. Ảnh: Minh Chiến. |
Trong cả ba bàn thắng, Phượng đều không cầm bóng, không đột phá, không qua người. Cả ba lần, anh đều khiến đối phương bất ngờ vì tốc độ xử lý nhanh và quyết đoán. Hai trong ba bàn đó, những người thay Công Phượng đột phá, kiến tạo đều là đồng đội của anh. Một trong số đó được Phi Sơn trực tiếp chuyền bóng.
Tức là không cần tới những kỹ năng quen thuộc, Công Phượng vẫn tỏa sáng. Ba bàn ấy là bằng chứng cho thấy Phượng vẫn còn những năng lực khác đáng chờ được khai phá bên cạnh khả năng đột phá. Thay đổi của Phượng chắc chắn có đóng góp từ HLV Chung Hae-seong, người đã gắn bó và hiểu Phượng khi đôi bên còn ở HAGL và tiếp tục dẫn dắt Phượng tại mùa giải này.
Đây cũng là phát hiện độc đáo của ông Chung bởi ngay cả ở tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo vẫn đang dùng Phượng theo cách mà các HLV khác vẫn sử dụng anh. Trận đấu hay nhất của Phượng ở tuyển Việt Nam đến lúc này vẫn là cuộc đối đầu với Nhật Bản, nơi Phượng đã bộc lộ trọn vẹn khả năng cầm bóng ấn tượng trước những hậu vệ đẳng cấp châu Âu của tuyển Nhật.
Mùa giải mới đi qua 3 trận đầu tiên. Thật thú vị khi nghĩ tới những bất ngờ mà Công Phượng có thể tiếp tục mang tới dưới bàn tay HLV Chung Hae-seong ở TP.HCM.