Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công Phượng đang 'giẫm chân' các đồng đội

HAGL thoát thua ở những phút cuối cùng trước Quảng Nam chiều 3/5, nhưng cầu thủ được trông đợi nhất là Công Phượng tiếp tục khiến những người yêu mến anh thất vọng.

HLV HAGL hy vọng học trò không đánh mất mình ở U23 Việt Nam

HLV trưởng đội bóng phố núi Guillaume Graechen thừa nhận sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi 7 cầu thủ trụ cột của HAGL được gọi lên U23 Việt Nam.

Công Phượng được bố trí chơi hộ công, ngay phía sau trung phong Sanogo, phía trước cặp tiền vệ Tuấn Anh – Phan Thanh Hậu. Vị trí này được nhiều người cho rằng, nó sẽ giúp Phượng phát huy khả năng tốt hơn là để anh đá trung phong cắm.

Tuy nhiên, trong trận đấu với QNK Quảng Nam, Công Phượng không để lại nhiều dấu ấn. Lối chơi cá nhân, sử dụng nhiều lần chạm bóng của Phượng khiến cả hệ thống bị chậm lại.


Không dưới 5 lần, các cú đột phá từ giữa sân của Phượng bị chặn một cách dễ dàng. Những người tinh ý sẽ thấy rõ một điều: nếu số 44 cứ tiếp tục chơi theo kiểu phá sức và bất hợp lý như thế, anh tạo ra rất ít hiệu quả!

Phượng có đủ lỳ lợm, có đủ tố chất để đột phá qua vài ba cầu thủ. Nhưng vấn đề là anh sẽ làm điều đó ở khu vực nào? Một cú đột phá bên phần sân nhà, hoặc qua người ở khoảng sân vô thưởng vô phạt thì… ai xem?

Nhưng lối đột phá ngoắt ngoéo ấy sẽ cực kỳ hợp lý nếu Phượng đem bóng vào vòng cấm và dồn sức “dũi”. Vì trong khu vực nhạy cảm này, Phượng đủ sức tạo ra khác biệt hoặc ít nhất cũng khiến đối phương phải chùn chân.

Nét tích cực của Phượng là di chuyển nhiều, dũng cảm nhận bóng, tranh cướp và cả phạm lỗi. Trong phạm vi hẹp của khu trung tuyến, Phượng hay xuất hiện ở điểm nóng. Những trận trước, khi chưa có ngoại binh tốt, Phượng phải làm như vậy.

Nhưng tình hình ở trận gặp QNK Quảng Nam khác hẳn. Sanogo và Franklin có mặt, chia nhau 2 vị trí chốt chặn trong đội hình của HAGL. Bởi thế, Phượng tiếp tục giữ lối chơi ấy là thừa. Vô tình, anh “giẫm lên chân” Tuấn Anh và Phan Thanh Hậu.



Hai tiền vệ trung tâm này là người điều tiết lối chơi, dẫn dắt các đợt lên bóng của HAGL. Nhưng họ đã bị vô hiệu hóa về vai trò khi Phượng xuất hiện.

Rất nhiều thời điểm, người ta nhìn thấy rõ Tuấn Anh lúng túng, Phan Thanh Hậu ngó nghiêng chẳng biết di chuyển thế nào, Công Phượng thì lầm lũi, thậm chí bực dọc khi không có đất để diễn.

Sự trùng nhau về cách chơi, cách kiểm soát của ba cầu thủ này tạo ra tình trạng mất cân đối của HAGL. Vì một đội bóng khó lòng tạo ra sức ép khi có đến 3 cầu thủ làm cầu nối nhưng lại chỉ một người (Sanogo) xâm nhập vòng cấm.

Tình huống tân binh mang áo số 99 ghi bàn mở điểm cho HAGL là pha bóng bất ngờ ít ai hình dung nổi. Đó là khi Franklin phóng đường chuyền dài khoảng 50m lên phía trên, Sanogo bắt tốc độ và tung cú sút chéo góc hoàn hảo. Tình huống ấy, không có mặt của Công Phượng.

Bàn gỡ phút cuối cùng của Đông Triều cũng đến từ tình huống cố định sát vòng cấm. Trong pha bóng ấy, hậu vệ trái Lê Đức Lương đột phá thành công và người ta cũng không thấy sự có mặt của số 44.

Trong cách chơi của Phượng trận này, người ta “chưa vui” vì anh, nhưng cơ bản, đấy là lỗi sử dụng người và giao nhiệm vụ của thầy Giôm. Ông giáo người Pháp cần có sự điều chỉnh phù hợp để giúp Phượng phát huy hết tố chất đang chực chờ bùng nổ của cầu thủ này. Vì ở HAGL thời điểm này, ngoài Phượng, chưa có nội binh nào đủ sức khiến các đối thủ phải e dè.

Bảo Thắng

Ảnh: Hoàng Tâm

Bạn có thể quan tâm