Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nhân sắm đồ công nghệ

Trong chưa đầy hai tháng, trên con đường Nguyễn Thị Thập và Huỳnh Tấn Phát (đoạn gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM) mọc lên 5 cửa hiệu bán điện thoại di động, máy tính.

Cũng trên hai đoạn đường nói trên, cứ 200 mét là có một cửa hiệu bán điện thoại di động và các mặt hàng công nghệ mới mọc lên, chưa tính đến siêu thị điện máy, cửa hàng trao đổi mua bán điện thoại cũ. Điều đáng nói, lúc nào các cửa hiệu trên cũng đông đúc kẻ vào người ra.

Nhiều dịch vụ ưu đãi như bán hàng trả góp, cài game, tải nhạc miễn phí ở các cửa hiệu trên hướng tới đối tượng tiêu dùng có thu nhập thấp, cụ thể là công nhân.

Sau giờ tan tầm

Không khí mua bán tấp nập trên hai con đường này là vào giờ tan ca của công nhân và những tối cuối tuần. Chúng tôi ghé lại một cửa hàng thegioididong.com tại sát cổng khu chế xuất Tân Thuận, nhận thấy các quầy hàng bán trả góp, dịch vụ cài game, nhạc miễn phí có rất đông công nhân đang ngồi chờ.

Một công nhân đang chờ trang trí chiếc điện thoại của mình.
Một công nhân đang chờ trang trí chiếc điện thoại của mình.

Anh công nhân nhỏ thấp, da hơi ngăm đen, trên người vẫn mặc nguyên chiếc áo đồng phục, quần bò đã cũ và rách nhiều chỗ, ống thấp ống cao đang mân mê chiếc điện thoại với vẻ mặt thích thú. Anh tên Duy, đang làm công nhân may trong khu chế xuất Tân Thuận. Tranh thủ giờ tan tầm, anh ăn uống qua loa rồi ra cửa hàng cắt sim cho chiếc điện thoại mà mình vừa mới mua cách đây một tháng.

Duy vừa mua chiếc điện thoại Nokia Lumia 630 với giá 3,5 triệu đồng theo hình thức trả góp. “Mỗi tháng tôi phải đóng 398.000 đồng. Lương tháng của tôi cũng bèo bọt, nếu tăng ca một tháng có thu nhập từ 4-5 triệu đồng, còn không thì cũng chỉ được 3-4 triệu. Nhưng vì muốn sử dụng điện thoại để nghe nhạc, để liên lạc bạn bè nên tôi đã quyết định mua một chiếc”, Duy chia sẻ.

Tại đây, chúng tôi cũng bắt gặp một thanh niên trẻ đang làm thủ tục mua trả góp chiếc máy tính bảng Acer a1-811 với giá 4.990.000 đồng. Luân - tên chàng thanh niên nói trên - quê tại Hậu Giang, cũng là công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận.

Tại quầy mua trả góp, anh được các nhân viên tại đây tư vấn rất nhiệt tình từ hình thức mua đến cách thức đóng tiền mỗi tháng.

“Em làm công nhân, lương tháng tầm hơn 3 triệu. Em đã có chiếc điện thoại nhưng vì không vào mạng được nên em quyết định mua trả góp chiếc này để có thể lên mạng nắm bắt thông tin và giải trí khi tan ca”. Nâng niu chiếc máy tính bảng trong tay, khuôn mặt Luân rạng ngời hạnh phúc.

Giấc mơ về sự bình đẳng

Thịnh, 39 tuổi, là công nhân Công ty CXTech trong khu chế xuất Tân Thuận. Công việc chính của anh trong dây chuyền sản xuất của CXTech là dán keo loa. Thịnh có vợ và hai con đang sống ở quê nhà (Lộc Nam, Bảo Lộc, Lâm Đồng). Hiện nay Thịnh và hai người bạn công nhân khác đang thuê một căn phòng 16 mét vuông trên đường Lâm Văn Bền để ở. Nếu tăng ca nhiều, thu nhập mỗi tháng của Thịnh là 6,5 triệu đồng, chi tiền thuê nhà và ăn xài hết khoảng 2 triệu, gửi 3,5-4 triệu về quê cho vợ. Cuộc sống với Thịnh như vậy cũng là tạm ổn. Nhưng điều anh băn khoăn nhất là: “Ngoài giờ làm tụi tôi không biết đi đâu, làm gì. Giải trí thì phải đến mấy tháng ở trước khu chế xuất mới có một đêm diễn văn nghệ ngoài trời, hay hội chợ, chủ yếu là để các công ty quảng cáo sản phẩm mới. Dành dụm tiền, tôi mua đứt con này” - Thịnh vừa nói vừa khoe với tôi chiếc điện thoại thông minh Nokia 820 mà anh vừa mua với giá 3.790.000 đồng, cộng thẻ nhớ và dán màn hình hết khoảng 400.000 đồng nữa, là “vọc vô tư”.

“Có nó chắc sẽ đỡ. Nhiều khi tăng ca, đến 9 giờ đêm mới về tới phòng trọ, tắm giặt, rồi mở máy lên mạng đọc tin, nghe nhạc một lúc, chứ túi bụi trong công xưởng cả ngày, nhiều khi không biết chuyện gì đang diễn ra bên ngoài anh ạ” - Thịnh thật thà chia sẻ.

Đa phần công nhân tới các cửa hàng điện thoại di động lớn đều xem và mua điện thoại theo hình thức trả góp. Tuy nhiên, cũng có những người có điều kiện, “giải bài toán nhu cầu” đơn giản hơn. Theo cách họ lý giải, dù hình thức mua trả góp sẽ giúp họ dễ dàng sở hữu chiếc điện thoại và máy tính bảng mà mình yêu thích trong khi chưa dành dụm được, nhưng nếu tính số tiền tổng cộng phải trả cho cửa hàng cho đến khi trả hết thì cao hơn số tiền bỏ ra mua đứt.

Tại FPT Shop, lượng khách tới mua và xem điện thoại khá đông, trong đó đa phần là người lao động. Chúng tôi chú ý tới một chị công nhân đang vừa do dự chọn lựa những sản phẩm điện thoại thông minh vừa nhẩm hát theo bản nhạc xập xình phát ra từ giàn loa thùng ở bốn góc tường.

Ái, quê tại Long An, đang làm công nhân công ty chuyên về mắt kính tại khu chế xuất Tân Thuận. Buổi tối, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, chị ra cửa hàng tải nhạc, trò chơi cho chiếc điện thoại HTC 8x giá 4,5 triệu đồng mà chị vừa mới mua hôm qua. 4,5 triệu đồng là khoản tiền cao hơn thu nhập một tháng của chị. “Tôi mua đứt vì tính ra lợi hơn là trả góp. Chủ yếu tôi vào mạng đọc báo, nghe nhạc lúc rảnh rỗi. Xa nhà, xa gia đình, xa bạn bè có chiếc điện thoại này khiến mình đỡ buồn”, chị Ái nói.

Với công nhân, giá chênh lệch 10.000-20.000 đồng đôi khi cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa của họ. Vì tuy giá điện thoại thông minh và máy tính bảng đang ngày càng trở nên mềm hơn với những người thu nhập trên mức trung bình, nhưng với người công nhân, thì mọi tính toán không thừa. Và có một điều chung khi họ bỏ đồng tiền ra mua một thiết bị công nghệ đa phương tiện, đó là khát khao thụ hưởng các giá trị tinh thần trong đời sống hiện đại ở đô thị. Và những nhà bán lẻ hàng công nghệ các khu vực này đang nắm bắt tâm lý khát khao đó để cạnh tranh quyết liệt chiếm lĩnh thị phần.

Loạt smartphone trong tầm giá 4 triệu đồng đáng mua nhất

Giá cả phải chăng, hiệu năng tốt, thiết kế bắt mắt chính là những điểm mạnh của smartphone trong tầm giá 4 triệu đồng hiện nay.



http://www.thesaigontimes.vn/117623/

Theo Nguyễn Quyên - Nguyễn Vinh/ The Saigon Times

Bạn có thể quan tâm