Dự kiến, ngày 30/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có buổi gặp gỡ với 1.500 công nhân, người lao động vùng trọng điểm kinh tế phía Nam tại Đồng Nai. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ sẽ thăm hỏi, động viên tinh thần và tặng quà cho công nhân, lao động. 30 người tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công việc cũng được khen thưởng dịp này.
Đây được xem là dịp để Thủ tướng lắng nghe và trả lời những câu hỏi, giải đáp những thắc mắc mà người lao động đặt ra.
Biết sự kiện này, Võ Quang Văn (26 tuổi, quê Nghệ An) vui mừng bảo công việc của anh phải làm ca và đến 6h ngày 30/4 mới kết thúc. Dù khá mệt mỏi nhưng anh sẽ cố gắng đến để có cơ hội gặp được Thủ tướng.
Công nhân Võ Quang Văn. Ảnh: Ngọc An. |
Cũng theo Văn, anh muốn đề xuất lên Thủ tướng các vấn đề cuộc sống công nhân. Trong đó, người cha trẻ sẽ kiến nghị cần có biện pháp khuyến khích các công ty xây dựng trường lớp để tạo điều kiện học hành cho con em công nhân.
Khi Văn chuẩn bị bước vào ca đêm lúc 18h thì người đồng nghiệp của anh là Nguyễn Thị Kim Chi (quê Tây Ninh) được tan ca. Người phụ nữ 26 tuổi lê những bước chân mệt mỏi để về nhà.
Khi được hỏi về việc gặp gỡ Thủ tướng, gương mặt phờ phạc của nữ công nhân bỗng tươi tỉnh và tràn đầy hy vọng. Theo Chi, cuộc sống công nhân luôn chật vật với sự thiếu thốn về kinh tế và luôn khát khao được tăng lương.
"Trong buổi gặp ngày mai, tôi sẽ đề xuất ông quan tâm đến vấn đề tiền lương. Tôi cũng mong Thủ tướng có hướng giải quyết thấu đáo để người lao động có nguồn thu nhập ổn định, nuôi sống gia đình", Chi nói.
Nữ công nhân này cho biết, mức lương cơ bản hiện tại của chị chỉ 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu không tăng ca, người này không đủ tiền để nuôi con ăn học và trang trải với cuộc sống đắt đỏ.
"Tiền thuê trọ, tiền học phí cho con, tiền ăn uống... luôn 'nặng gánh'. Cuộc sống luôn bị xoáy vào thiếu thốn", Kim Chi tâm sự.
Công nhân Nguyễn Anh Tuấn mong được gặp Thủ tướng để đề đạt nguyện vọng cải thiện bữa ăn cho người lao động. Ảnh: Ngọc An. |
Để tham dự buổi gặp Thủ tướng, công nhân Nguyễn Anh Tuấn (làm việc tại Công ty Phân bón Đất Xanh, tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương) về Đồng Nai từ trưa 29/4. Theo Tuấn, việc gặp mặt người đứng đầu Chính phủ để được đặt câu hỏi, đề đạt là sự kiện hiếm.
Anh chia sẻ sự lo lắng khi thời gian gần đây, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM... xảy ra nhiều vụ công nhân ngộ độc thực phẩm tập thể. Trong khi đó, các khu chợ bán thịt, cá cho công nhân không có kiểm dịch, hàng không nguồn gốc nên rất nguy hiểm.
"Tôi muốn đề nghị Thủ tướng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, cải thiện bữa ăn cho công nhân", anh Tuấn nói.
Một trong những vấn đề người lao động luôn canh cánh là tai nạn lao động. Bà Phạm Thị Thanh, ngụ khu phố 4, phường Tân Mai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, con trai Vũ Ngọc Dũng (23 tuổi) của bà hiện sống đời thực vật sau tai nạn điện giật tại công ty.
Bà Phạm Thị Thanh cho con trai bị tai nạn lao động, hiện phải ăn cháo bằng đường ống. Ảnh: Ngọc An. |
Trong gian phòng chật, người mẹ 50 tuổi xắn tay tắm cho con trai. Khi đứa con đầu lòng chỉn chu trong bộ quần áo sạch, người mẹ cầm cao ống nhựa rồi bơm cháo loãng vào miệng.
Người phụ nữ buồn rầu kể với Zing.vn, con bà vận hành máy ốc vít tại công ty thì bị điện giật. Sau tai ương, tòa án buộc công ty bồi thường số tiền 424 triệu đồng nhưng họ không chịu thanh toán. Nhiều tháng nay, bà gửi đơn cầu cứu nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Con trai không còn khả năng phục hồi, chi phí chữa trị cao khiến kinh tế gia đình bà Thanh rơi vào kiệt quệ.
"Tôi mong Thủ tướng hiểu và quan tâm đến cuộc sống những công nhân bị tai nạn. Mong ông thực hiện nhiều biện pháp để giúp nạn nhân, người thân nạn nhân có được sự công bằng", bà thổ lộ.