Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nhân mong được về quê đón Tết

Thiếu việc làm, thu nhập giảm... khiến mong muốn về quê đón Tết của nhiều công nhân lao động ở thủ phủ công nghiệp tỉnh Bình Dương càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. 

Chia sẻ với phóng viên, nhiều công nhân bày tỏ, càng khó khăn, họ càng muốn về quê ăn Tết như một sự an ủi để “xốc” lại tinh thần.

thuong Tet nam 2024 anh 1

Công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng Bình Dương vào nhà máy. Ảnh: H.C.

Quê ở Thanh Hóa, anh Nguyễn Văn Tạo vào Bình Dương làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ ở phường Tân Phước Khánh (thành phố Tân Uyên) suốt 8 năm nay. Cũng như bao công nhân xa quê khác, cứ vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán cận kề, anh Tạo lại nôn nao. Anh chia sẻ: “Tính sơ sơ, tiền vé xe cho hai vợ chồng và đứa con đã mất hơn 5 triệu đồng cho một chiều về. Đã về quê thì phải mua sắm quà Tết cho cha mẹ, nội ngoại hai bên. Rồi còn tiền lì xì, mừng tuổi... tiết kiệm lắm cũng tiêu tốn hơn 10 triệu đồng. Qua Tết quay trở vào tốn thêm 5 triệu đồng tiền xe và khoảng 5 triệu đồng trang trải chi phí sinh hoạt chờ lương tháng đầu tiên”.

Năm nay, công ty ít việc, thu nhập của vợ chồng anh Tạo chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Dù khó khăn vợ chồng anh vẫn quyết năm nay bằng mọi cách phải về quê ăn Tết cùng gia đình. Để thực hiện mong muốn ấy, mỗi buổi chiều, khi vừa tan giờ làm, vợ anh lại tranh thủ đến đại lý lấy ít vé số bán tới 21 giờ để kiếm thêm vài chục nghìn đồng. Còn anh Tạo được công ty cho nghỉ ngày chủ nhật thì ai thuê gì làm đó.

Chị Nguyễn Thị Xuân (quê Thái Bình) làm công nhân tại một công ty giày da ở thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đến nay gần 10 năm. Chị Xuân chia sẻ: “Kể cả những năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, chưa bao giờ thu nhập của tôi giảm như bây giờ. Lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, ngoài chi phí tiền nhà trọ, ăn uống,... tôi còn phải gửi về quê nuôi hai đứa con ăn học. Có con ở quê với ông, bà nên Tết năm nào tôi cũng phải về. Hơn một tháng nay, tôi bữa đói, bữa no để tiết kiệm, có ít tiền về quê. Cũng may năm nào công ty cũng lo vé xe cho cả hai chiều”.

Công ty thiếu đơn hàng, chị Trương Thị Hân (quê An Giang) thất nghiệp từ vài tháng nay. Cả gia đình chị Hân có bốn người giờ phụ thuộc vào tiền lương 8 triệu đồng/tháng của chồng chị. “Cả nhà cố gắng ăn uống đạm bạc, hạn chế chi tiêu chờ đến Tết về quê rồi tính tiếp”- chị Hân bộc bạch.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm cho biết, chưa lúc nào ngành gỗ gặp khó khăn như hiện nay. Doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giờ làm vì thiếu hụt đơn hàng, nguyên liệu. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn, năm nay nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất bằng cách giảm giờ làm để giữ chân người lao động, chờ phục hồi.

Không để ai bị bỏ lại

Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Compass II (Bình Dương), cho biết: “công ty có hơn 700 lao động, dù khó khăn nhưng vẫn thưởng Tết để động viên người lao động. Ngoài ra, công nhân có hoàn cảnh khó khăn còn được tặng vé tàu, xe để về quê ăn Tết với gia đình”.

“Dù trải qua một năm đầy khó khăn, song chúng tôi hiểu rằng, dù ít hay nhiều, công nhân vẫn trông mong được thưởng. Đây là lý do công ty đã tính toán tiết giảm mọi chi phí để dành tiền thưởng Tết. Có những năm, chúng tôi đi vay tiền để thưởng cho công nhân”- Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc công ty TNHH May mặc Hà Anh Dũng (Bình Dương) chia sẻ.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm qua, do doanh nghiệp thiếu đơn hàng dẫn tới người lao động thiếu việc làm. Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương tập trung ổn định đời sống và công ăn việc làm cho công nhân, lao động; điều tiết lao động từ các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định: Trên tinh thần xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, các ngành chức năng của Bình Dương đang tích cực gỡ vướng, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Vào dịp Tết, ngoài trích từ ngân sách, địa phương vận động từ các nguồn xã hội hóa để chăm lo đời sống cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan, để giúp công nhân có hoàn cảnh khó khăn được về quê ăn Tết với gia đình, không để ai bị bỏ lại phía sau, năm nay Bình Dương sẽ trích từ nguồn kinh phí công đoàn tỉnh để tặng 1.000 vé tàu cho công nhân quê ở các tỉnh miền Bắc. Công nhân quê từ các tỉnh miền Trung trở vào sẽ được tặng vé xe miễn phí.

Thưởng Tết năm 2024 sẽ khó khăn?

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, vấn đề lương, thưởng Tết năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn.

https://tienphong.vn/cong-nhan-mong-duoc-ve-que-don-tet-post1593003.tpo

Theo Hương Chi/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm