Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nhân khốn khổ vì máy ATM

Các máy ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ được sử dụng để rút tiền nên tính trạng bình thường thì đắp chiếu, cuối tháng lại quá tải diễn ra thường xuyên. 

Công nhân khốn khổ vì máy ATM

Các máy ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ được sử dụng để rút tiền nên tính trạng bình thường thì đắp chiếu, cuối tháng lại quá tải diễn ra thường xuyên. 

Trạm ATM trong Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM tối 20/8 vẫn đông công nhân xếp hàng rút tiền.

Trong khi các ngân hàng chen nhau lắp máy ATM ở khu mặt tiền các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... thì tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, mỗi máy ATM gánh đến vài ngàn chủ thẻ, khiến nhiều công nhân “sống dở chết dở” khi cần tiền mặt.

Liên tiếp những ngày qua trên địa bàn quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) xảy ra tình trạng nhiều công nhân của các công ty đóng trong Khu công nghiệp Hòa Khánh phải xếp hàng rồng rắn chờ rút tiền qua thẻ ATM.

Chen chúc rút tiền

"Ngân hàng nói thẻ còn nhiều tiện ích khác ngoài việc rút tiền mặt nhưng chúng tôi đâu có điều kiện vào những nơi sang trọng, có cà thẻ. Chi tiêu hằng ngày chỉ cân gạo, mớ rau, tất cả phải dùng đến tiền mặt. Công ty “ép” chúng tôi nhận lương qua thẻ nhưng ngân hàng phát lương thì chỉ lắp vài máy lấy lệ, rất khổ..."

 

Anh Long (một công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TP.HCM)

Giải thích lý do phải vật vã đứng chờ đến lượt rút tiền ở máy ATM trước trụ sở phòng giao dịch Vietcombank Hòa Khánh, một công nhân tên Huyền cho hay: “Tôi có ghé vào máy ATM bên đường số 2 Khu công nghiệp Hòa Khánh nhưng máy đang tạm dừng phục vụ, phải đến đây để rút tiền”.

Theo nhiều công nhân, khu vực này có hàng ngàn công nhân nhưng chỉ có bốn máy ATM của Vietcombank được lắp đặt gồm: một máy ở đường số 6 Khu công nghiệp Liên Chiểu, một máy ở đường số 2 Khu công nghiệp Hòa Khánh và hai máy trước trụ sở phòng giao dịch Vietcombank Hòa Khánh (173 Nguyễn Lương Bằng).

Không chỉ trên địa bàn Đà Nẵng, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Anh Trần Trọng Quảng, công nhân Công ty Hansoll Vina (Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương), cho biết khoảng 6.000 công nhân Công ty Hansoll Vina nhận lương qua ba máy ATM của ngân hàng T nên cứ đến kỳ phát lương, thường vào ngày 30 hoặc 31 mỗi tháng, là phải chầu chực, xếp hàng rất khổ. “Vào ngày phát lương vài ngàn công nhân đổ ra xếp hàng rồng rắn quanh ba máy ATM. Hôm nào ngày trả lương rơi vào thứ bảy thì cả ngày chủ nhật công nhân xếp hàng đến 12g đêm nhưng cũng hên xui, có khi chờ cả tiếng mới đến lượt thì máy hết tiền”, anh bức xúc.

Chị Thanh, công nhân một công ty giày tại KCN Sóng Thần, cho biết đồng lương công nhân ít ỏi, chưa đến tháng chủ nhà trọ đã réo trả tiền phòng, rồi tiền gạo, tiền sữa, tiền trường cho con... Nhu cầu nào cũng cần dùng đến tiền mặt nhưng có khi xếp hàng ròng rã từ ngày 30 đến ngày 5 chưa nhận được tiền. “Tôi tranh thủ cả ngày chủ nhật để chen lấn. Nhiều trường hợp mải chen lấn bị kẻ gian móc mất điện thoại, thậm chí mất xe”, chị Thanh nói.

Trong khi đó dù phải chờ đợi, chen lấn nhưng nhiều công nhân không dám rút tiền tại máy ATM của ngân hàng khác vì phí cao và khi xảy ra sự cố không ai chịu. Anh Trần Trọng Quảng kể cách nay hai tháng do cần tiền gấp, anh phải rút tại máy của một ngân hàng liên doanh khác đặt trong khuôn viên công ty. Rút 2 triệu đồng anh bị thu phí gần 6.000 đồng mà máy chỉ “nhả” 1,9 triệu đồng. “Tôi gọi điện lên tổng đài thì ngân hàng nói phải chờ để họ kiểm quỹ. Tôi lên cả phòng nhân sự của công ty khiếu nại nhưng sau đó ngân hàng trả lời kiểm quỹ không thấy số dư”, anh Quảng nói.

Nhiều công nhân phải chen chúc, chờ đợi rút tiền ở máy ATM tại trụ sở phòng giao dịch Vietcombank Hòa Khánh, Đà Nẵng.

4 máy “gánh” 7.000 khách hàng

Một đại diện của phòng giao dịch Vietcombank Hòa Khánh thừa nhận tình trạng quá tải tại các máy ATM rút tiền ở khu vực này có từ lâu nay nhưng chỉ mang tính thời điểm. Hiện nay, Vietcombank Hòa Khánh đang thực hiện hợp đồng trả lương cho 12 công ty trong Khu công nghiệp Hòa Khánh với gần 7.000 khách hàng và được Vietcombank chi trả qua bốn máy ATM đặt tại đây. Trong số các đơn vị trả lương qua thẻ thì Công ty điện tử Việt Hoa chiếm lớn nhất với gần 4.000 công nhân, mỗi tháng trả trên 10 tỉ đồng tiền lương vào hai thời điểm là ngày 10 và 15. Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng quá tải tại các máy ATM của Vietcombank.

“Do đời sống còn nhiều khó khăn nên khi vừa có lương là công nhân cùng nhau đi rút tiền ngay để trang trải cuộc sống. Trong khi đó mỗi máy ATM chỉ được tiếp quỹ từ 500-700 triệu đồng mỗi lần, nếu bốn máy hợp lại cũng chỉ được tối đa gần 3 tỉ đồng. Để đáp ứng nhu cầu rút tiền của công nhân, Vietcombank đã đề xuất lắp thêm một trạm ATM ngay bên trong khuôn viên Công ty điện tử Việt Hoa nhưng đơn vị này không đồng ý vì lo sợ vấn đề an toàn” - vị đại diện phòng giao dịch này cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Huỳnh Hà, trưởng phòng ATM ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP.HCM, cho biết có thực tế là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp nhu cầu rút tiền chỉ dồn vào thời điểm doanh nghiệp trả lương cho lao động, thường rơi vào các ngày 30, mồng 5 hoặc 15... Những thời điểm khác ATM “nằm chỏng chơ”, giao dịch rất thấp. Do vậy rất khó để ngân hàng tăng số lượng máy.

Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết đầu tư máy ATM tại các khu công nghiệp ngân hàng không có lời. “Doanh nghiệp chi lương ngày 30 thì chiều 29 mới chuyển tiền cho ngân hàng. ngân hàng chỉ “lời” được phần lãi suất qua đêm của số tiền này. Qua ngày hôm sau tiền về tài khoản là công nhân ồ ạt rút ra. Có công ty chi lương cho doanh nghiệp một tháng đến 50-60 tỉ đồng nhưng chỉ 3-4 ngày sau là công nhân đã rút sạch, trong thẻ chỉ còn lại số dư tối thiểu theo quy định của ngân hàng là 50.000 đồng”, vị giám đốc này cho biết.

Nhiều ngân hàng thừa nhận thực tế một máy ATM tại các khu công nghiệp gánh đến 5.000-7.000 chủ thẻ, như vậy mới hòa vốn và đủ chi phí vận hành cho ngân hàng. Đó là chưa kể số lượng thẻ sử dụng thực tế còn tăng lên do khách hàng vãng lai từ các ngân hàng nhỏ khác đến rút.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm