Ngân hàng 'đá' nhau vì thu phí ATM
Dù Ngân hàng (NH) Nhà nước “bật đèn xanh” cho thu phí ATM nội mạng và tăng phí ngoại mạng từ năm 2013, nhưng chỉ nhà băng lớn muốn tăng phí ngoại mạng.
Cuối tuần qua, các NH thương mại đã phải gửi báo cáo về chi phí đầu tư cho hệ thống ATM cũng như mức giá đề xuất cho từng loại giao dịch về Vụ Thanh toán NH Nhà nước.
Tránh “dựa hơi”
Giám đốc trung tâm thẻ một NH nhỏ có trụ sở tại Q.5 (TP.HCM) cho biết đã đề xuất mức phí rút tiền nội mạng là 2.200 đồng/giao dịch; in sao kê, kiểm tra số dư với chủ thẻ của NH là 1.100 đồng/giao dịch. Phí ngoại mạng NH đề xuất giữ nguyên mức 3.300 đồng với giao dịch rút tiền và 1.650 đồng với giao dịch in sao kê, vấn tin như trước đây. Vị giám đốc này giải thích: hiện NH đang trả chi phí giao dịch ngoại mạng cho khách hàng, do vậy tăng phí rút tiền ngoại mạng sẽ rất kẹt.
Ngân hàng lớn muốn tăng phí ngoại mạng lên 5.500 đồng/lần |
Trong khi đó, trưởng phòng dịch vụ thẻ một NH lớn tại TP.HCM cho biết đã đề xuất mức phí ngoại mạng khoảng 5.500 đồng/giao dịch, còn phí rút tiền nội mạng NH chưa muốn thu. Theo vị này, việc thu phí rút tiền nội mạng không bắt buộc, do vậy NH nào muốn “đi trước” thì thu. Còn việc tăng phí ngoại mạng là cần thiết vì chi phí đầu tư cho hệ thống ATM rất lớn.
Vị này cho biết chi phí đầu tư cho hệ thống ATM lên tới vài trăm triệu đồng mỗi máy, giá thuê địa điểm đặt máy ở những vị trí đắc địa lên đến cả nghìn USD/chỗ, chưa kể phí thuê đường truyền, phí thuê đội ngũ kiểm đếm, tiếp tiền, lượng tiền “chết” trong máy. Riêng chi phí sửa chữa, bảo trì mỗi máy lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đây cũng là lý do nhiều NH nhỏ không đầu tư máy, thay vào đó là trả phí cho các chủ thẻ rút tiền ngoại mạng.
“Nhiều NH nhỏ chỉ lắp đặt vài máy lấy lệ, sau đó ào ạt phát hành thẻ. Những chủ thẻ này dùng hệ thống ATM của các NH lớn và được NH phát hành thẻ trả tiền. Còn NH lớn tăng thêm vô số công việc do phải phục vụ lượng khách hàng vãng lai này. Mà mức phí 3.300 đồng không đủ bù đắp” - vị trưởng phòng này nói.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH Đông Á, cho biết đến năm 2013 NH vẫn sẽ không thu phí nội mạng để khuyến khích người dân sử dụng thẻ ATM. Còn thu phí ngoại mạng là bắt buộc. Bởi qua hằng năm chi phí khấu hao đầu tư ATM của NH đã giảm đi, nhưng còn phải bảo hành, bảo dưỡng, chưa kể NH cũng phải gia tăng đầu tư thêm số lượng máy ATM.
Khổ cho chủ thẻ
Phụ trách chiến lược phát triển thẻ một NH tại Hà Nội cho biết do có ít máy ATM nên NH áp dụng chính sách miễn phí rút tiền ATM ngoài hệ thống trong sáu tháng đầu tiên, kể từ ngày khách hàng mở thẻ. Do đó, nếu phí ngoại mạng bị đẩy lên cao trong thời gian tới sẽ gây nhiều khó khăn cho các NH nhỏ, do không thể kham nổi chi phí cho khách hàng như hiện nay. Từ đó khách hàng buộc phải chọn giao dịch với NH có hệ thống máy ATM lớn để tránh bị thu phí cao.
Tổng giám đốc một NH có thế mạnh về thẻ thừa nhận mâu thuẫn có thật giữa NH lớn và NH nhỏ. Nhiều NH nhỏ chạy theo số lượng, phát triển chủ thẻ tràn lan mà không chú trọng đầu tư hệ thống để làm cơ sở phục vụ khách hàng, dựa dẫm hoàn toàn vào hệ thống của các NH lớn.
“Nếu không thay đổi thì không ai muốn đầu tư nữa. Vì NH nhỏ cứ phát hành thẻ, còn NH lớn nặng gánh với vai trò là kho tiền phục vụ 24/24 giờ nhu cầu rút tiền của khách hàng”, ông này nói.
Phó tổng giám đốc một NH lớn nói ông chia sẻ quan điểm cho rằng hệ thống 13.600 máy ATM hiện nay là đủ, không cần đầu tư thêm. Tuy nhiên, NH lớn không thể gánh cho NH nhỏ mãi. Mức phí ngoại mạng 3.300 đồng/giao dịch qua 2-3 năm, nếu cứ giữ như vậy NH nhỏ sẽ thấy có lợi nên không cần đầu tư máy ATM. Do vậy ông kiến nghị nên nâng lên mức 5.500 đồng, khi ấy NH nhỏ có thể gánh cho khách hàng mức 3.300 đồng như cũ, phần 2.200 đồng còn lại khách hàng chia sẻ với NH.
“Mức phí 3.300 đồng/giao dịch được đánh giá là quá thấp, không đủ bù đắp, vận hành hoạt động, dẫn đến khách hàng càng rút tiền thì NH càng lỗ”, ông này nói.
Thẻ nhiều máy ít Nhiều NH phát hành vài chục ngàn thẻ nhưng chỉ đầu tư số lượng máy ATM khiêm tốn. Có NH phát hành 80.642 thẻ nhưng chỉ lắp 20 máy, một NH khác phát hành 64.277 thẻ nhưng chỉ lắp 10 máy. Hiện nay sáu NH là Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Đông Á, BIDV, Techcombank có tổng cộng 8.200 máy, chiếm 70% lượng máy ATM toàn thị trường. |
Theo Tuổi trẻ