Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nhân gồng mình khi giá cả tăng cao ở TP.HCM

Giá xăng tăng kéo theo giá thành của nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, cuộc sống của nhiều công nhân ở TP.HCM cũng vì vậy mà chật vật hơn.

“Bí đỏ bao nhiêu một kg vậy chị?”, nữ công nhân tên Phượng hỏi người bán hàng ở chợ Lý Phục Man (quận 7, TP.HCM). Chủ sạp rau củ trả lời: “40.000 đồng/kg. Trái này 1,5 kg, em lấy nguyên trái về ăn nhiều bữa”.

Suy nghĩ giây lát, chị Phượng nói: “Chị cắt cho em nửa trái thôi”.

Nữ công nhân cho biết trước đây chị có thói quen mua dư thức ăn để dự trữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, vật giá leo thang, chị phải đắn đo khi mua sắm. “Bây giờ tôi chỉ mua vừa đủ ăn trong ngày, chứ không dám mua dư”, chị Phượng nói.

Phải tăng ca mới đủ sống

Chiều 15/3, sau khi tan ca, anh Nguyễn Văn Linh (31 tuổi) trở về căn phòng trọ trên đường Lý Phục Man (quận 7). Mở điện thoại xem tin tức, anh Linh cho rằng xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng cao thời gian qua, đồng thời đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng nhanh.

“Cuộc sống của tôi cũng vì vậy mà chật vật hơn, vì giá cả tăng nhưng tiền lương không thay đổi”, anh Linh nói. Theo người đàn ông 31 tuổi, trước đây mỗi tuần anh chi 50.000-60.000 đồng cho việc đổ xăng. Tuy nhiên, từ khi giá xăng tăng, mỗi tuần anh phải chi trả gấp đôi số tiền đó.

Đồng thời, anh Linh cũng dùng bếp gas thay cho bếp điện, chuyển nhà trọ chi phí thấp hơn, hạn chế mở đèn, mua thức ăn tại các khu chợ tự phát... để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

xang tang gia anh 1

Anh Linh vừa chuyển sang phòng trọ mới với giá vừa túi tiền hơn. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Mỗi tháng, anh Linh tiêu khoảng 4 triệu đồng cho những sinh hoạt cơ bản ở thành phố. Cộng thêm các chi phí phát sinh, mỗi tháng anh chỉ dư 1-2 triệu đồng. Người đàn ông cho biết đa số công nhân phải làm tăng ca thì mới có dư để gửi về gia đình.

“Nghĩa là phải làm cả chủ nhật, từ 7h đến 20h30, thì mới có dư chút đỉnh. Nếu sống một mình thì đơn giản, nhưng bố mẹ tôi đều đã lớn tuổi, tôi có trách nhiệm phải lo cho họ”, anh Linh chia sẻ.

Ở cùng phòng trọ với anh Linh là 3 người họ hàng ở Long An, họ đến TP.HCM với mong muốn làm việc để trang trải cuộc sống và dành dụm được một số tiền để gửi về gia đình.

xang tang gia anh 2

Chị Huyền giữ thói quen đi làm bằng xe đạp để tiết kiệm tiền di chuyển. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Chị Lê Thị Huyền - cháu gái của anh Linh làm công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), vẫn giữ thói quen đạp xe đi làm để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá xăng tăng cao.

“Bây giờ, tiết kiệm được đồng nào thì mừng đồng đó”, nói rồi chị Huyền đạp xe rời khu nhà trọ, chuẩn bị vào làm việc ca đêm.

Dự định về quê làm việc

Cách dãy trọ của anh Linh không xa là căn phòng trọ của 5 mẹ con chị Thanh Tuyền (38 tuổi). Người mẹ đơn thân cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của gia đình chị.

Trước đây chị Tuyền kinh doanh thời trang ở chợ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh thua lỗ, chị chuyển sang làm tiếp thị sản phẩm cho công ty.

xang tang gia anh 3

Là mẹ đơn thân, chị Tuyền gánh nhiều áp lực về kinh tế trong bối cảnh vật giá leo thang. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Người phụ nữ cho biết mỗi ngày chị phải di chuyển đến nhiều tiệm tạp hóa để giới thiệu sản phẩm, giá xăng cao khiến chi phí làm việc cũng tăng theo.

“Trước đây, tôi đổ xăng khoảng 90.000 đồng có thể đi làm được 1 tuần, nay chỉ chạy 3 ngày là phải đổ tiếp. Đó là chưa kể các con còn nhỏ phải mua sữa, chi tiêu cơ bản cũng tăng cao. Làm mẹ đơn thân như tôi rất áp lực”, chị Thanh Tuyền nói.

Vợ chồng chị Tuyền ly hôn đã 6 năm, chị một mình nuôi con và không nhận được bất kỳ trợ cấp nào từ chồng cũ. Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, chị phải làm rất nhiều việc, từ buôn bán, tiếp thị, phụ quán…

Theo chị Tuyền, ở thành phố, trung bình mỗi tháng chị phải thu nhập hơn 13 triệu đồng mới đủ để chi tiêu các khoản sinh hoạt cơ bản cho 5 thành viên trong gia đình. “Ngày trước làm một, giờ phải làm gấp mấy lần mới đủ tiền chi tiêu”, người mẹ đơn thân nói.

xang tang gia anh 4

Không ít công nhân, người lao động có suy nghĩ về quê trong bối cảnh mức sống ở thành thị ngày một cao. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Cũng như chị Tuyền, chị Phượng (28 tuổi) cho biết những ngày gần đây mỗi lần đi chợ chị đều cân đo đong đếm sao cho vừa túi tiền. Ngoài những bữa cơm công ty hỗ trợ, nữ công nhân chỉ nấu ăn đơn sơ để tiết kiệm chi phí.

“Nhiều khi chỉ mong được đi làm tăng ca để có thêm thu nhập, nhưng mùa dịch không phải lúc nào cũng có việc để làm”, chị Phượng nói.

Người phụ nữ 28 tuổi cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine khiến một số công ty mất đơn hàng, sản xuất đình trệ dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân công.

Đứng trước nhiều thách thức về công việc và cuộc sống ở thành phố, không ít công nhân đã suy nghĩ đến việc trở về quê.

Ngồi nướng cá khô trước cửa phòng trọ, chị Phượng nói: “Ở quê tôi cũng có mấy công ty về mở nhà máy, nếu cứ chật vật ở thành phố mà không có dư, chắc tôi sẽ về quê”.

F0 ho, sốt 39 độ vẫn 'gánh' việc công ty

Trong phòng, ai cũng nhiễm bệnh, Thu là trưởng bộ phận nên buộc phải cố gắng để giải quyết. Công việc gia đình hầu như đều do chồng chị đảm đương.

Nhân viên văn phòng vừa làm vừa lo khi F0 tăng

Anh Tuấn Tú cho biết tuần nào trong công ty cũng có F0, mọi người chuẩn bị tâm lý cho việc nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm