Khu chế xuất Tân Thuận nằm tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM với diện tích 300 ha. Nơi đây có khoảng 100 nhà máy hoạt động với hàng chục nghìn công nhân. |
Vào giờ tan tầm, hàng nghìn công nhân chen chúc nhau ra về. Hầu hết đều trang bị khẩu trang phòng dịch. Để hạn chế tắc đường, các doanh nghiệp không cho lao động ra về cùng lúc. Họ tan ca theo nhiều khung giờ khác nhau như 16h, 16h30, 17h và 17h30. |
Tuy nhiên, với lượng người đổ ra quá đông, các con đường xung quanh khu chế xuất Tân Thuận vẫn quá tải. |
Đường Huỳnh Tấn Phát ùn ứ kéo dài vài km, phương tiện di chuyển chậm. Sở Y tế TP.HCM lo ngại với quy mô lên đến hàng chục nghìn người lao động, hậu quả của việc không tuân thủ tuyệt đối quy định phòng, chống dịch bệnh sẽ rất nặng nề. |
TP.HCM đến nay đã phân cấp quản lý, giám sát với từng doanh nghiệp. Thanh tra liên ngành gồm Sở Y tế, Sở LĐTB&XH, Sở Xây dựng sẽ giám sát doanh nghiệp trên 3.000 lao động. Còn UBND quận, huyện, phường xã sẽ giám sát đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. |
Tại buổi họp phòng chống Covid-19 tại TP.HCM chiều 8/4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất nếu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Nếu không đảm bảo an toàn tuyệt đối, chính quyền cần nghiên cứu tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp này. |
Theo ghi nhận của Zing, hầu hết người tham gia giao thông đeo khẩu trang khi ra vào khu chế xuất Tân Thuận. |
Tuy nhiên, vẫn còn một số người lưu thông ở khu vực khu chế xuất không tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Theo thống kê từ ngày 28/3 đến nay, TP.HCM đã xử phạt 2.482 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, với tổng số tiền 496 triệu đồng. |
Đến 18h, người và các phương tiện ra vào khu chế xuất mới giảm bớt. |