Hệ thống máy lọc công nghệ Nhật Bản vừa được đặt xuống lòng sông Tô Lịch và một góc hồ Tây ngày 16/5. Sau nhiều phương pháp cải thiện ô nhiễm sông Tô Lịch mà chưa thành công, người dân Hà Nội đang chờ đợi kết quả của công nghệ được hứa hẹn sẽ giảm thiểu mùi hôi sau 3 ngày.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), công ty đứng ra thầu dự án, đã có những chia sẻ về hệ thống này với niềm tin công nghệ Nhật Bản sẽ phát huy tác dụng.
“Hệ thống được thiết kế như máy lọc nước với công suất lớn sẽ giải quyết được các vấn đề của sông Tô Lịch cũng như hồ Tây. Công nghệ này từng được áp dụng thành công ở nhiều nơi trên thế giới và tôi tin rằng sẽ có tác dụng đối với Hà Nội”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
"Không phải cứ bịt hết các cống xả thải vào là hết ô nhiễm"
Nói về nguyên nhân gây ra ô nhiễm sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng nhiều người đang hiểu nhầm về căn cốt của vấn đề. Theo đó, hệ thống sông Tô Lịch có 240 cửa xả thải, chiều dài gần 15 km chạy qua nhiều quận nội thành Hà Nội.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của dòng sông này thêm trầm trọng. Trong khi đó, mùi hôi thối của sông bốc lên là do lớp bùn tích tụ tạo ra các loại khí Metan (CH4), Amoniac (NH3)….
"Vừa qua có ý kiến cho rằng, căn cốt vẫn là xử lý tại nguồn xả thải vào lòng sông, còn các giải pháp khác chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, trên thực tế, kể cả Hà Nội tách được nước thải không cho chảy thẳng vào sông thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề”, ông Nguyễn Tuấn Anh nêu quan điểm.
Ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt trao đổi về công nghệ làm sạch sông Tô Lịch của Nhật. Ảnh: Mỹ Hà. |
Theo ông, nếu bịt hết các cửa xả thải vào sông, mùi hôi thối sông Tô Lịch cũng không thể tự nhiên mất đi. Lớp bùn tầng đáy không tự nhiên được phân hủy mà vẫn phải nạo vét cơ học. Chất lượng nước trong lòng sông hiện vẫn có chỉ số ô nhiễm rất cao, đặc biệt là vi khuẩn đại tràng E.Coli, Coliform… vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.
Do đó, ngay cả khi tách được hoàn toàn nước thải không cho chảy xả vào sông Tô Lịch thì nước thải, bùn tầng đáy vẫn sẽ tồn tại và gây ra mùi hôi, ô nhiễm. Điều này cũng dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt do nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Phân tích thêm về tình trạng cá chết ở hồ Tây, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết các công nhân đã đo đạc và cho kết quả nồng độ oxy dưới nước bằng 0. Khi cá chết, thành phố thường khắc phục bằng cách đưa vào một số máy sục khí để tăng nguồn oxy trong nước.
Tuy nhiên, công nghệ đang áp dụng có bọt khí rất to, tồn tại trong thời gian ngắn và lượng hòa tan trong nước thấp. Do vậy, phương pháp này không hiệu quả.
Thiết bị công nghệ Nano của Nhật Bản được đặt thử nghiệm ở một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây với kỳ vọng khắc phục tình trạng cá chết hàng loạt. Ảnh: Mỹ Hà. |
Trong khi đó, so với các quốc gia đang phát triển, Việt Nam không có hệ thống thu gom đồng bộ, quy hoạch hạ tầng chịu ảnh hưởng theo thời gian. Việc triển khai đồng bộ hóa hạ tầng hệ thống thu gom nước thải để xử lý gặp nhiều khó khăn trong công tác thi công, giải tỏa mặt bằng, nguồn vốn huy động.
“Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản áp dụng theo ý tưởng phát minh mới sẽ xử lý triệt để được tận gốc mọi vấn đề”, Chủ tịch HĐQT JVE đưa ra kỳ vọng.
Nhà máy xử lý nước thải đặt dưới lòng sông, hồ hoạt động như thế nào?
Theo mô tả của nhà phân phối, công nghệ Nano Bioreactor là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano công nghệ Nhật. Hệ thống này sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, khiến các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.
Công nghệ này được hứa hẹn có 4 ưu điểm vượt trội so với các phương pháp xử lý khác đang áp dụng trên thế giới và ở Việt Nam.
Hệ thống công nghệ làm sạch của Nhật Bản được thiết kế như những chiếc máy lọc đặt chìm dưới nước. Ảnh: Mỹ Hà. |
Theo đó, tính năng tạo ra oxy của công nghệ Nano Bio giúp môi trường nước luôn giữ được nồng độ oxy cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt. Điều này tạo ra kỳ vọng khắc phục được tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây nếu được áp dụng lâu dài.
Ngoài ra, hệ thống có kết hợp việc đặt các máy sục khí kết hợp với bơm nước thải chìm tạo dòng tuần hoàn trong nước, tăng sự tiếp xúc của nước thải với tấm Bioreactor, tăng hiệu quả và tốc độ xử lý, giảm lượng bùn dưới đáy.
Mỗi ngày, sông Tô Lịch có 150.000 m3 ngày đêm xả thải vào, trong khi đó "nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông" có công suất xử lý lên đến 1.350.000 m3/ngày đêm.
Như vậy, lượng xả vào chỉ bằng 1/10 lượng nước có thể xử lý, tốc độ xử lý của hệ thống cũng được mô tả bằng 6 lần tốc độ âm thanh. Do đó, nhiều hy vọng rằng thiết bị này sẽ giúp toàn bộ nước thải được làm sạch trong ngày.
"Ngoài ra, ngoài nhiều tính năng, công nghệ của Nhật còn giúp tiết kiệm ngân sách, hiệu quả xử lý bền vững với thời gian và không bị tái ô nhiễm", ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Kinh phí thực hiện bằng 1/10 phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải
Theo đó, trong thông cáo được đưa ra từ phía JVE, các tấm Bioreactor được làm chủ yếu từ đá núi lửa Nhật Bản với bí quyết công nghệ đặc biệt. Vì thế, chất liệu của hệ thống làm bằng bột đá và không tan trong nước, tồn tại gần như vĩnh viễn với thời gian.
"Kết hợp với máy sục khí công nghệ nano có chu kỳ sử dụng trên 25 năm mà không phải mất thêm chi phí định kỳ để xử lý, rất tiết kiệm cho ngân sách", thông cáo của JVE nêu rõ.
Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết kinh phí thực hiện dự án chưa được công bố chính thức, nhưng dự kiến chỉ bằng 1/10 so với kinh phí xây dựng nhà máy nước thải của thành phố.
Theo lộ trình thực hiện, sau 2 tháng thử nghiệm hệ thống tại một đoạn sông Tô Lịch (đoạn ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi) và một góc hồ Tây, kết quả thử nghiệm sẽ được báo cáo với UBND Thành phố Hà Nội.
Sau đó, Thành phố xem xét tính khả thi và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công ty hoàn tất các thủ tục đầu tư, quyết định chủ đầu tư và hệ thống sẽ được lắp đặt tại toàn bộ khu vực sông Tô Lịch.
Các kỹ sư của công ty JVE đang hoàn thành nốt công đoạn lắp đặp thiết bị Bioreactor trên sông Tô Lịch. Ảnh: Việt Hùng. |
Hiện nay, các thiết bị đang được lắp đặt tại khu vực đầu nguồn với phạm vi 100 m đặt một máy. Nhưng sau này khi xử lý toàn bộ, công nghệ sẽ lợi dụng dòng chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu và không phải lắp đặt quá nhiều máy móc cho một con sông có chiều dài 15 km.
Các chuyên gia Nhật nhấn mạnh, sử dụng công nghệ này để xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch mà không cần nạo vét cơ học. Công nghệ được hứa hẹn là chỉ sau 3 ngày, mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể và sau 2 tháng, chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.
Với những tính năng và ưu điểm được hứa hẹn này, người dân Hà Nội đang chờ đợi hiệu quả thực sự của "nhà máy xử lý nước thải đặt dưới lòng sông, hồ". Kết quả thử nghiệm hệ thống làm sạch này sẽ được công bố sau 1 tuần khởi công dự án.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/4, TS. Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Môi trường Nhật Bản, cho biết tổ chức đã thực hiện thành công nhiều dự án về xử lý ô nhiễm cho các con sông của nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia… với các con sông có nước thải công nghiệp chảy vào.
“Cùng với quá trình nghiên cứu 2 năm tại sông Tô Lịch, tôi cho rằng đây là bài toán đơn giản và hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor”, ông Tadashi Yamamura nhấn mạnh.