Ngày 15/10, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NLS-TS) Phú Yên cho biết, 7 mẫu chả cá được lấy từ chợ trung tâm TP Tuy Hòa đưa đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Chất lượng NLS-TS (Cục Quản lý chất lượng NLS-TS) đều có dư lượng urê vượt ngưỡng cho phép, 5/7 mẫu nhiễm chất chloramphenicol - một loại kháng sinh bị cấm sử dụng.
“Công nghệ” làm chả kinh dị
Theo ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLS-TS Phú Yên, qua kiểm tra 26 cơ sở chế biến chả cá ở chợ trung tâm TP Tuy Hòa, không cơ sở nào bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở chợ trung tâm TP Tuy Hòa, dường như thông tin chả cá nhiễm chất cấm chưa đến tai người tiêu dùng nên các quầy sạp vẫn nhộn nhịp mua bán. Tuy nhiên, nếu một người không quen sẽ khó tránh khỏi nôn oẹ bởi mùi tanh nồng bốc lên từ những mớ cá ươn thối bỏ lăn lóc trên nền đất, ruồi nhặng bu đầy để chuẩn bị làm chả. Một người làm thuê ở chợ cho biết đây là số cá chưa bán hết hôm qua, giờ gom lại để làm chả.
Chế biến chả cá ngay trên nền chợ trung tâm TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. |
Hầu hết các cơ sở chế biến chả cá ở đây được đặt ngay dưới nền đất. Tại một điểm làm chả cá đặt sát rãnh nước đen ngòm, những con cá ươn mềm nhũn được cắt bỏ phần bị hư, rửa sơ qua trong một thau nước đục ngầu như nước cống, sau đó vớt ra, lóc lấy thịt đưa vào cối xay. Nhìn ruồi nhặng bu đầy mớ cá mới rửa và số vừa xay xong, chúng tôi không khỏi lợm giọng.
Tại một điểm làm chả cá được đặt ngay cạnh đường, nước rửa cá tràn xuống đất thành vũng. Xe cộ đi lại làm nước văng tung tóe vào cả mớ thịt cá vừa được lóc xong. Thỉnh thoảng, người làm dừng máy xay, dùng tay tát nước từ thau vào mớ thịt cá bị phủ một lớp váng đen do nước bẩn từ đường văng vào.
Công đoạn ướp tẩm phụ gia còn đáng ngại hơn. Thịt cá sau khi xay nhuyễn được trộn với một loại hóa chất màu trắng cùng với muối, ớt, bột ngọt và ép thành bánh. Đến chiều, số chả cá này nếu không được bán hết sẽ được chiên vàng để bỏ mối cho những người bán bún, bánh canh chả cá...
Khi chúng tôi hỏi về loại bột trắng tẩm ướp trong chả cá, bà N.T.L, chủ một trong các cơ sở được lấy mẫu kiểm nghiệm, cho rằng đó chỉ là gia vị!?
Ảnh hưởng ráng chịu!
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên, chloramphenicol và urê là các hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm vì tác hại nghiệm trọng, lâu dài đến sức khỏe người sử dụng.
Đặc biệt, chất chloramphenicol gây ức chế tủy xương, suy giảm bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, làm thiếu máu, kháng thuốc kháng sinh... “Hai chất này được đưa vào từ khâu bảo quản cá hay chả cá thì các cơ quan chức năng chưa xác định và cần phải làm rõ” - ông Tâm khẳng định.
Ông Tâm cho rằng với việc có chất cấm trong chả cá cũng như không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở cả 26 cơ sở chế biến chả cá ở chợ trung tâm TP Tuy Hòa, ông đã kiến nghị đình chỉ hoạt động tất cả cơ sở này, đồng thời xử phạt các cơ sở vi phạm.
“Đã quy định rồi, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì không được đưa ra thị trường. Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì việc ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - ông Tâm lo ngại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duyên lại đưa ra quan điểm hoàn toàn khác: “Đúng là với những sai phạm này thì đã đủ điều kiện để đình chỉ hoạt động nhưng hầu hết họ là người nghèo, đóng cửa cơ sở thì làm gì để sống? Dẹp các cơ sở này là không được, có ảnh hưởng cũng phải gắng chịu, cần thay đổi dần nhận thức của họ”.