Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nghệ chip Trung Quốc phải 10 năm nữa mới đuổi kịp Mỹ?

Chiến tranh thương mại với Mỹ có thể khiến Trung Quốc hụt hơi trong nỗ lực bắt kịp trình độ phát triển công nghệ của phương Tây khi làn sóng tháo chạy nổ ra.

Theo South China Morning Post, Jay Huang Jie - cựu Giám đốc điều hành Intel tại Trung Quốc và là người đồng sáng lập Jadestone Capital - cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn nước này cần hơn một thập kỷ mới bắt kịp các đối thủ Mỹ do nền tảng còn yếu và áp lực từ chiến tranh thương mại.

“Đây là một ngành công nghiệp đầy thách thức và vô cùng tàn khốc, nó phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tích lũy lâu dài”, ông Jay Huang Jie phát biểu tại một sự kiện do Our Hong Kong Foundation tổ chức.

“Trung Quốc nên chuẩn bị cho một cuộc chạy đua marathon trong ít nhất một thập kỷ với nhiều chông gai phía trước”, ông nhấn mạnh.

Chip Trung Quoc thua My 10 nam anh 1
Dù đã chuẩn bị, Trung Quốc vẫn lao đao trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: SCMP.

Ông Jay rời Intel năm 2015 để thành lập công ty đầu tư Jadestone Capital, tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn. Ông nhận định Trung Quốc sẽ hụt hơi nếu như áp lực từ chiến thương mại khiến các nhà sản xuất lũ lượt rời bỏ nước này.

“Thật đáng quan ngại nếu các chuỗi cung ứng cao cấp chuyển khỏi Trung Quốc khi thuế tăng lên. Quá trình đó hoàn toàn có khả năng, dù không diễn ra đột ngột”, ông đưa ra cảnh báo.

Theo cựu giám đốc Intel, Trung Quốc cần khoảng 10 năm nữa mới đuổi kịp mặt bằng chung thế giới về mảng vi mạch tích hợp. Nhưng so với các tên tuổi lớn như Applied Materials của Mỹ và ASML của Hà Lan thì khoảng cách đó còn xa hơn nữa.

Trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi các công ty trong nước tự phát triển những công nghệ chiến lược, tránh phụ thuộc vào phương Tây. Tuy nhiên, những hậu quả Huawei đang hứng chịu từ lệnh cấm vận của Mỹ cho thấy Trung Quốc còn cần rất nhiều thời gian để theo kịp Mỹ về công nghệ. 

Chip Trung Quoc thua My 10 nam anh 2
Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ chip của phương Tây. Ảnh: SCMP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng về khả năng tự lực và đổi mới để đối phó với những thách thức về lâu dài từ phía Mỹ. “Chỉ khi sở hữu tài sản trí tuệ và công nghệ cốt lõi của riêng mình, chúng ta mới có thể tạo ra những sản phẩm chủ lực mang tính vượt trội và không thể bị đánh bại giữa thị trường đầy cạnh tranh”, ông Tập phát biểu vào tuần trước.

Bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào "danh sách đen", Huawei không được phép tiếp cận công nghệ Mỹ, gồm cả chip và phần mềm quan trọng.

Trong vài năm gần đây, công ty con HiSilicon của Huawei đã phát triển chip riêng phục vụ cho smartphone và các sản phẩm mạng. Đó là phương án “dự phòng” để tránh phụ thuộc vào Intel và Qualcomm. Tuy nhiên, chất lượng chip của HiSilicon không thể so được với sản phẩm của các công ty phương Tây. 

Theo ông Jay, kế hoạch dự phòng của Huawei hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất chip thay thế cần thiết. “Họ không thể tạo ra khác biệt trong thời gian ngắn”, ông nhấn mạnh.

Người phụ nữ nắm trong tay vận mệnh của Huawei

Theo South China Morning Post, lệnh cấm vận từ Mỹ đã biến người phụ nữ này trở thành nhân vật có thể ảnh hưởng đến thành bại của Huawei trong tương lai.

Lê Min Kốp

Bạn có thể quan tâm