Công nghệ biến thịt lợn thành thịt bò ở Việt Nam
Sau khi mua 2 kg thịt bò về để chuẩn bị chế biến, đãi khách, chị Huế Nguyễn tá hỏa khi phát hiện đó là thịt lợn được tẩm hóa chất.
Sángngày 30/12/2012, chị Huế Nguyễn mua gần 2 kg bắp bò tại khu vực chợ cổng ĐH Nông nghiệp I (Gia Lâm, Hà Nội) về làm lẩu với giá 220.000 đồng/kg.
Sau khi mua xong, chị Huế Nguyễn nghe một số tư thương bán rau củ quả cảnh báo rằng, ở khu chợ này không có thịt bò thật chỉ là thịt lợn được “mông má” lại.
Chỉ tới khi mang thịt về nhà rửa để chuẩn bị chế biến, chị mới phát hiện, 2kg thịt bò mà mình mua không phải là thịt bò thật. Trước sự việc nói trên, chị Huế Nguyễn đã trả lại gần 2 kg thịt bò “dởm” và yêu cầu người bán hoàn lại đúng số tiền đã bỏ ra.
Theo các tiểu thương bán thịt bò lâu năm ở chợ, nếu là thịt bò, nhất là bắp bò, thớ phải dài và không ngắn như thịt lợn. Vì khan hàng, giá cao nên người bán thường gian lận bằng cách chọn mua thịt lợn sề, lợn già, bì dầy để “hô biến” thành thịt bò, bán giá cao.
Dùng một lượng nhỏ bột maltol có thể hô biến thịt lợn thành thịt bò dễ dàng. Ảnh minh họa |
Công nghệ hô biến thịt lợn thành thịt bò rất đơn giản, chỉ cần dùng phẩm mầu “hoa hiên” là có thể không phân biệt được về mầu sắc đâu là thịt lợn, đâu là thịt trâu, bò.
Phẩm mầu hoa hiên còn được người bán thịt bò gọi là “bảo bối” khi thích là có thể dùng và rất dễ mua. Nếu dùng bột hoa hiên có nguồn gốc tự nhiên, có thể sẽ rất an toàn, tuy nhiên, dùng bột dạng công nghiệp, chắc chắn hậu quả không thể lường trước được.
Nhiều tiểu thương tại các chợ còn dùng thịt lợn chết, ôi thiu giả làm thịt bò, lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, thịt lợn sề nuôi nhiều năm, thịt dai, da dày thường bán rẻ như bèo nhưng khi qua tay các tiểu thương thì thịt lợn sẽ thành thịt bò.
Người mua thịt bò nên lựa chọn những điểm mua tin cậy để không mua phải thịt bò "dởm". |
Ngoài việc dùng bột hoa hiên, người bán thịt bò còn thường dùng chất phụ gia có tên gọi maltol – một chất tạo mầu có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với một số loại thực phẩm.
Theo quyết định của Bộ Y tế về quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, maltol là một chất phụ gia thuộc quy định của danh mục Hệ thống đánh số quốc tế (INS) được Ủy ban Codex quốc tế về thực phẩm xác định.
Trong khi đó, người bán cho biết chỉ cần 0.05% - 0.1% so với lượng sản phẩm, hóa chất này đã có thể triệt tiêu được những mùi khó chịu đặc trưng của thịt lợn. Nếu kết hợp với chất tạo mùi như bột hương vị bò, nước tinh chất bò thì sẽ giúp duy trì hương lâu dài của sản phẩm.
Theo các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng thực phẩm chứa phẩm màu tổng hợp lâu dài có những nguy hại cho sức khỏe, như gây mầm bệnh u não, ung thư bàng quang, dị ứng, hen suyễn... Người tiêu dùng nên sử dụng màu tự nhiên hoặc chỉ chọn những thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm nhuộm màu phải có địa chỉ và đăng ký chất lượng với cơ quan y tế.
Theo BS. Nguyễn Xuân Mai - cựu phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM cho biết, loại hóa chất mua ở chợ trời, không phải phụ gia thực phẩm hỗ trợ cho quá trình chế biến đều rất độc hại, mức độ nặng -nhẹ tùy thuộc vào thời gian ngâm tẩm ngắn hay dài. “Đó là những hóa chất nhiễm tạp chất rất nhiều, khi ăn vào, những tạp chất đó đều rất độc cho cơ thể”- bác sĩ Mai nhấn mạnh.
Theo Chất lượng Việt Nam