Nhằm góp phần kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp 5G tại Việt Nam, Qualcomm triển khai cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2020 (QVIC 2020). TS. Trần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cấp cao Tập đoàn Qualcomm, cho biết: “Công nghệ 5G tại Việt Nam được tiếp sức mạnh mẽ bởi chính công ty khởi nghiệp. Thực tế này tạo động lực thúc đẩy Việt Nam chuyển sang nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo thông qua cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Kiến tạo hệ sinh thái 5G
Bà An chia sẻ thêm, Qualcomm đặt mục tiêu tìm kiếm và nuôi dưỡng tài năng, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam thông qua sự hỗ trợ chuyên môn, kinh nghiệm từ cuộc thi. Các công ty tham gia có thể tiếp cận công nghệ, kỹ thuật của Qualcomm để phát triển ứng dụng 5G và thử nghiệm sản phẩm.
Bên cạnh đó, tập đoàn đào tạo quản lý sản phẩm - tài chính, chiến lược gọi vốn giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm khác biệt; đào tạo sở hữu trí tuệ, hỗ trợ nhà khởi nghiệp tăng hiểu biết về loại hình này. “Qualcomm tài trợ tối đa 5.000 USD cho mỗi công ty khởi nghiệp đăng ký bằng sáng chế, xây dựng hệ sinh thái. Thành công của họ là thành công của chúng tôi”, TS. An nói.
Tiến sĩ Trần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cấp cao của Qualcomm, nhận định mạng 5G tạo nền tảng vững chắc cho startup. |
Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT - việc Qualcomm xây dựng trung tâm R&D đầu tiên của Đông Nam Á tại Hà Nội giúp doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị và ứng dụng công nghệ 5G, tạo cơ hội cho công ty khởi nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin. Chương trình QVIC 2020 là bước tiếp theo khẳng định sự đồng hành của Qualcomm với quá trình chuyển đổi số quốc gia.
“Khả năng xây dựng ứng dụng trên nền tảng 5G rất quan trọng. Sự hỗ trợ của Qualcomm cho phép doanh nghiệp và cộng đồng startup tiếp cận chipset, bản quyền để sản xuất thiết bị mạng lưới, thiết bị đầu cuối, IoT… Nhờ vậy, họ sớm hiện thực hóa mục tiêu tạo ra sản phẩm ‘make in Vietnam’, góp phần đưa chương trình chuyển đổi số đến thành công”, ông Nhã nói.
Cú hích cho bước tiến 5G tại Việt Nam
Năm 2018, Việt Nam cấp phép thử nghiệm 5G. Ba công ty viễn thông đầu tiên bắt đầu thử nghiệm trên các băng tần 2.6 GHz, 3.5 GHz, 26 GHz tại nhiều thành phố và nhận kết quả về vùng phủ, tần số khác nhau. Dựa trên kết quả này, Việt Nam xây dựng, thiết kế mạng 5G theo đặc tính thị trường, xác định mô hình kinh doanh, hệ sinh thái phù hợp. Đặc biệt, các nhà sản xuất có cơ hội thử nghiệm thiết bị trên mạng lưới Việt Nam.
Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, nền tảng 5G mang lại cơ hội lớn cho ngành công nghiệp viễn thông và công ty công nghệ, tạo mô hình kinh doanh, nguồn thu mới. Theo dữ liệu của Qualcomm, công nghệ 5G sẽ tạo giá trị kinh tế 1.000 tỷ USD trong năm 2022, dự báo tăng cấp số nhân lên 13.200 tỷ USD vào năm 2035 nhờ cung cấp nền tảng mạnh mẽ cho ứng dụng phát triển.
Ông Thiều Phương Nam nhận định mạng 5G mở ra nhiều cơ hội cho công ty viễn thông và công nghệ. |
“Các nhà mạng cấp quốc gia không còn lo lắng về thiết bị đầu cuối khi triển khai 5G. Hiện tại, Qualcomm cung cấp nhiều công nghệ bản quyền, chipset cho các đối tác phát triển thiết bị này”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, 5G có băng thông rộng gấp hàng chục lần so với 4G, hỗ trợ triển khai IoT ở quy mô lớn hơn. Nền tảng 5G cho phép hàng chục tỷ thiết bị IoT kết nối, độ trễ thấp, tạo ra dịch vụ mới mà trước đây không thể thực hiện. Đặc biệt, vai trò của điện toán đám mây nâng cao và mở rộng, những ứng dụng mới dễ dàng triển khai như video streaming, y tế từ xa, ôtô tự lái…
“Công nghệ 5G giúp thiết lập nền tảng để tất cả thành phần kinh tế, doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp cung cấp dịch vụ đặc biệt với tính năng nổi trội, tìm ra hướng đi và cách thức kinh doanh mới”, ông Nam nói.
Chi tiết cuộc thi Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2020 - QVIC 2020:
Tất cả công ty đăng ký kinh doanh tại Việt Nam có thể tham gia và sử dụng sản phẩm công nghệ của Qualcomm. Tập đoàn khuyến khích ứng dụng trong các lĩnh vực, gồm: 5G và IoT; máy học, trí tuệ nhân tạo; thành phố thông minh; truyền thông đa phương tiện; thiết bị đeo; XR (thực tế ảo, thực tế tăng cường).
Tổng giá trị giải thưởng của QVIC 2020 lên đến 375.000 USD. Mỗi công ty vào top 10 vòng sơ khảo nhận tài trợ ươm tạo 10.000 USD. Kết thúc thời gian ươm tạo, ban giám khảo chọn 3 đội nổi bật để trao giải, hỗ trợ lần lượt 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD. Qualcomm cho biết không yêu cầu quyền sở hữu hay sở hữu trí tuệ đối với hỗ trợ tài chính này.
Thời gian đăng ký dự thi đến 30/9/2020. Top 10 công ty vào vòng sơ tuyển sẽ được công bố vào đầu tháng 11/2020, giai đoạn ươm tạo từ tháng 11/2020 đến tháng 8/2021. Vòng chung kết sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.
Bình luận