Trong kỳ họp HĐND vừa qua, cử tri lo ngại tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tràn lan cùng các điểm đen về tiêm chích, mua bán ma túy nửa công khai, nửa lén lút gây bất an.
Hàng loạt biện pháp, giải pháp đã áp dụng để dẹp bỏ tình trạng này nhưng không hết. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như các gầm cầu vượt, bến xe trong địa bàn TP.HCM đều có người làm nơi để “phê” và cảnh mua bán, hút chích ở khu vực gần Bến xe An Sương, gầm cầu vượt Hàng Xanh, cầu bộ hành số 6, 7 (quận 8)… diễn ra nhộn nhạo.
“Tụi nó chích cả ngày lẫn đêm, không sợ ai. Có thanh niên đứng chích giữa đường, có người chích xong sốc thuốc ôm gốc cây…” - một người dân khu vực Bến xe An Sương ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM ngao ngán nói.
Ngay dòng chữ kêu gọi “chích văn minh này” là nơi giấu ma túy. Trong ảnh: Sau khi ngã giá, nam thanh niên chỉ chỗ lấy “hàng”.
|
“Chợ” tiêm chích ma túy
Lang thang vào con hẻm nhỏ phía sau Bến xe An Sương (ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), chúng tôi hoảng kinh vì đầy rẫy kim tiêm, ống nước cất và những đoạn ống hút đủ màu bên vệ đường mà người nghiện sau khi sử dụng đã vứt lại.
Trên tường, ai đó kẻ dòng chữ to, sơn trắng đập vào mắt mọi người “chích 1 cách văn minh” như lời nhắc nhở và cảnh báo cho những người “ngoại đạo”.
Nhiều ngày có mặt nơi đây, chúng tôi ghi nhận trong khoảng thời gian gần trưa đến tầm 3h chiều luôn tấp nập người nghiện đến phê ma túy. Lý giải chuyện người nghiện lấy khu vực này làm điểm tiêm chích, một chị nói: “Bến xe luôn đông người, khu vực này lại có nhiều con hẻm ngoằn ngoèo kết nối với quốc lộ 1A, quốc lộ 22, rất tiện cho người nghiện đến rồi đi…”.
Một người dân cho hay: “Chợ” tiêm chích này từng bị dẹp, trước đây lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, đẩy đuổi. Nơi này từng được gắn camera an ninh nên chỉ cần có người nào dừng lại, lấy kim tiêm ra sử dụng là công an xuất hiện ngay. “Từ ngày camera an ninh không còn, chuyện tiêm chích khu vực này tái diễn” - người này nói.
Cũng ở xã Bà Điểm, trong con hẻm thuộc địa phận ấp Hậu Lân, người nghiện cũng chọn nó làm “bãi” tiêm chích. Ở điểm này, việc “họp chợ” ít hơn, khoảng 10 phút mới có người vào pha chế, “độp” ngay giữa đường đi.
Còn cạnh chùa Thiều Quang, ấp Nam Lân, kim tiêm, ống nước cất vứt khắp nơi và người dân phải thường xuyên đi dọn dẹp chúng!
Cảnh tiêm chích ma túy. |
Kẹp tay, “độp” ngay giữa đường
Trưa cuối tháng 10, ngồi “chờ khách đi xe ôm” ở con hẻm phía sau Bến xe An Sương (ấp Đông Lân), chúng tôi thấy một thanh niên chạy xe biển số Đồng Nai tấp vào lề. Liên tục phun nước bọt ra chung quanh, người này lấy trong túi một ống nhựa trắng, nghiêng đổ vào kim tiêm và xóc, lắc liên tục. Sau đó nam thanh niên này ngồi xuống, kẹp tay phải vào giữa hai khoeo chân, “độp!”. Xong việc, anh ta tiện tay vứt ống kim tiêm vào bờ tường.
Cùng địa điểm này, vừa dứt cơn mưa, một thanh niên khác dừng xe máy ngay giữa đường đi, lấy trong túi ra ống kim tiêm và đoạn ống nhựa đựng “thuốc” liên tục búng, lắc. Cũng rất nhanh, người này đưa mũi kim vào lưng bàn tay “đẩy” thuốc. Có đỡ hơn là anh này không vứt ra đường mà nhét ống tiêm vào túi rồi bỏ đi, mặc cho mọi người qua lại!
Còn ở ấp Hậu Lân, trong một con hẻm cụt ít nhà dân, trong ngày 5/11, chúng tôi ghi nhận cứ khoảng 15 phút lại có một người nghiện tới thỏa cơn ghiền. Trong số những “khách” ghé vào, chúng tôi thấy có một thanh niên ghé đến ba lần trong vòng một giờ! Họ đến và đi, khi gặp mặt chỉ gật đầu chào như đã quen thân từ trước.
Dọc con đường, ở các cột điện, khe tường nhà dân, nhiều ống kim tiêm, lọ nước cất, ống hút đã qua sử dụng vương vãi khắp nơi.
“Chúng tôi nghi ngờ gần đây ai đó bán ma túy nên người nghiện tập trung đông. Cứ phải đi dọn kim tiêm hằng tuần vì sợ các cháu đi học giẫm phải. Ở đây có lúc 4-5 người, cả nữ và nhiều người ăn mặc đàng hoàng ra dáng sinh viên, học sinh vậy mà cũng chích, rất hãi. Một cửa hàng bán thuốc Tây phải treo bảng “không bán bơm kim tiêm”... Biết thế này tôi đã không mua nhà ở khu vực này” - một người dân ấp Đông Lân nói.
“Có tiệm tạp hóa hằng tháng bị một người nghiện cầm kim tiêm đến xin tiền hai lần, riết thành quen. Cuối cùng người này bỏ hẳn kinh doanh tạp hóa vì ngán ngẩm!” - người dân sống ở con hẻm ở ấp Hậu Lân cho biết.
26.000 người ở TP.HCM tiềm ẩn có nguy cơ nghiện ma túy. Qua xét nghiệm, có gần 22.400 người dương tính, 11.200 người được đưa đi cai nghiện bắt buộc và còn khoảng 10.000 người nghiện ma túy lang thang trong cộng đồng.