Đây là quán cơm chay bán không lấy tiền của ông Trần Văn Thái - một chủ cửa hàng kinh doanh rau sạch ở phố Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội).
Ăn bao nhiêu tùy thích
11 giờ trưa, quán cơm chay của ông Trần Văn Thái đã tấp nập khách. Hết lượt này đến lượt khác, quán lúc nào cũng kín chỗ.
Quán cơm chay bán không lấy tiền thu hút hàng trăm lượt khách đến ăn. |
Tuy là miễn phí nhưng các món ăn hết sức ngon mắt và đa dạng, được chế biến từ 50 loại rau củ quả, như đậu phụ rán, luộc; các loại rau củ quả xào, luộc; cơm; hoa quả tráng miệng,... Khách có thể tùy gọi theo đĩa, theo suất. Nếu ăn hết mà thấy ngon hoặc chưa no, có thể gọi đồ ăn tiếp.
Mỗi một suất cơm chay miễn phí gồm rất nhiều món ăn nấu từ rau củ quả sạch. |
Theo chị Ngần, quản lý quán cơm, tuy mới mở được ít ngày nhưng quán rất đông khách. Mỗi ngày, quán phục vụ từ 200-300 khách, vào ngày rằm hay mùng 1 đầu tháng còn đông hơn. Khách đến ăn, từ người giàu đến người nghèo, từ lao động tự do tới giới công chức văn phòng,... ai thích cơm chay đều có thể đến ăn mà không mất tiền.
Cũng theo chị Ngần, tất cả các loại rau củ chế biến ở quán cơm là rau sạch, được cung cấp từ trang trại rau sạch rộng 60ha trên Ba Vì của chính ông chủ Trần Văn Thái.
Ông Nguyễn Văn Đăng, bảo vệ một công ty trên đường Khuất Duy Tiến, nhận xét, cơm ở đây rất ngon. Ông đã đến đây ăn hai lần. “Mặc dù là cơm miễn phí, ăn bao nhiêu tùy thích nhưng thái độ phục vụ của nhân viên rất lịch sự, thân thiện. Ăn xong mình có thể qua mua rau sạch cho ông chủ quán hay công đức tùy tâm, không ai bắt buộc”, ông Đăng chia sẻ.
Bất cứ đối tượng nào đến quán ăn cũng được miễn phí không kể người giàu, hay người nghèo,... ai thích đều có thể đến. |
“Nhiều khách vào hỏi, sao thùng quyên góp tiền lại để bên trong mà không để bên ngoài. Tôi chỉ nói đây là ý của ông chủ, để ở đó mọi người không ngại nếu không muốn quyên góp. Có thể 1.000-2.000 đồng hay nhiều hơn, nhưng không có cũng không sao”, chị Ngần cho hay.
Làm đẹp cuộc đời từ tình thương
Chia sẻ về ý tưởng mở quán cơm chay miễn phí, chủ quán cơm Trần Văn Thái cho hay, là do xuất phát từ cái tâm. Ông muốn góp phần làm đẹp cho cuộc đời từ tình thương, muốn mọi người được thưởng thức những món ăn từ rau sạch. Ngoài ra, ông nói rằng không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được nhìn thấy những người bên cạnh mình hưng phấn, vui vẻ, đó chính là động lực giúp ý tưởng mở quán cơm này thành hiện thực.
Bạn bè rủ nhau đến quán ăn chay. |
Ông Thái tâm sự, trước đây, ông là chủ một doanh nghiệp gỗ trên Tuyên Quang, do chểnh mảng chuyện làm ăn dẫn đến thua lỗ, phá sản, vướng vào nợ lần rồi phải trốn nợ. “Hồi đó, tôi vào chùa trú ẩn. Tôi được sư trụ trì hướng cho cách làm ăn này. Thế là sau đó, tôi lên Ba Vì thuê đất nuôi lợn, trồng rau sạch bán rồi về đây mở quán cơm”, ông Thái chia sẻ.
Theo lời ông Thái, khi mở quán cơm này cũng có lời đồn ra đồn vào, rằng chắc là để ông “rửa tiền”. Nhưng, sau khi đến ăn, nói chuyện với ông thì họ không còn nghĩ như vậy nữa. Nhiều người biết ông mở quán cơm bán không lấy tiền cũng tình nguyện đến làm miễn phí.
Ăn xong, quán còn có cam, nước chè phục vụ khách. |
“Nếu tôi làm vì tiền thì giá rau sạch tôi bán phải 100.000 đồng/kg, chứ không có giá rẻ như rau ở chợ thế này”, ông Thái cho hay. Tiền để làm cơm miễn phí ông lấy từ nguồn lãi do nuôi cả nghìn con lợn rừng, mỗi năm thu về từ 30-40 tỷ đồng.
Nói chuyện chưa đầy 10 phút, ông Thái cáo lỗi để còn phải đi chào khách, nói chuyện, giới thiệu về những món ăn được làm từ rau sạch, các món chay và cách ăn uống có lợi cho sức khỏe.
Hết lượt này đến lượt khác, khách lúc nào cũng ngồi kín chỗ. |
Khoảng 13h chiều, cửa hàng đã vãn khách. Nhiều người ra về nấn ná lại để chào và xin bắt tay ông chủ quán, đồng thời ngỏ ý muốn rủ bạn bè đến đây thưởng thức cơm chay. Ông Thái luôn đáp lại bằng những cái gật đầu hay câu nói: “Các cậu cứ đến ăn thoải mái, bao nhiêu tùy thích, tôi rất vui. Có thể rủ bạn bè đến đây mở tiệc tôi cũng không lấy tiền”.