Với bà Mạnh Vãn Châu, hi vọng thoát tội cũng mong manh như ông Carlos Ghosn vào tháng trước. Cả hai chỉ có khoảng 1% cơ hội chiến thắng trong phiên tòa xét xử của họ, theo Bloomberg.
Vào cuối tháng 12, ông Ghosn xác nhận đã trốn khỏi Nhật Bản trong một chiếc thùng để tới Lebanon. Bà Mạnh sẽ phải thắng trong phiên tòa diễn ra từ ngày 20/1 tới tại Vancouver, được mở 13 tháng sau khi bà bị giữ tại sân bay ở Vancouver theo yêu cầu từ phía Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Châu ra khỏi căn nhà của mình ở Vancouver. Ảnh: Bloomberg. |
Tại phiên tòa này, thẩm phán sẽ cân nhắc liệu tội phía Mỹ cáo buộc có phải là một tội theo luật pháp Canada. Nếu đó không phải tội ở cả hai quốc gia, hay theo thuật ngữ chuyên môn là "tội phạm kép", bà Mạnh Vãn Châu sẽ được thả tự do.
"Lúc đó bà ấy sẽ không phải chịu một sự ràng buộc nào", luật sư Michael Klein, từng tham gia tranh tụng nhiều vụ án dẫn độ cho biết.
Bà Mạnh Vãn Châu là con gái lớn của ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei. Theo Bloomberg, bà Mạnh là mục tiêu nổi tiếng nhất trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc.
Mỹ coi Huawei, công ty công nghệ lớn mạnh nhất Trung Quốc, là một mối nguy hại an ninh. Phía Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa đảo ngân hàng HSBC để thực hiện các giao dịch vi phạm lệnh cấm vận Iran. Nếu bị kết tội ở Mỹ, bà có thể chịu tối đa 20 năm tù.
Vụ án khó
"Trong phần lớn vụ dẫn độ, tội phạm kép rất dễ phân tích", ông Brock Martland, luật sư hình sự tại Vancouver nhận xét.
Vụ xét xử của bà Mạnh sẽ khó hơn hẳn. Phía bào chữa cho rằng Mỹ đã tìm cách biến khiếu kiện về vi phạm lệnh cấm vận trở thành một vụ án lừa đảo để dễ dẫn độ bà hơn.
Theo luật sư của bà Mạnh, nếu hành vi của bà diễn ra tại Canada thì nó sẽ không vi phạm lệnh cấm vận nào của Canada. Tuy nhiên, phía công tố cho rằng bà đã nói dối HSBC, khiến cho họ không đánh giá chính xác về các rủi ro khi làm việc với Huawei. Do vậy, đây có thể coi là tội lừa đảo.
Một số người cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu bên ngoài tòa án tối cao tại tỉnh British Colombia, Canada trước khi bà được tại ngoại. Ảnh: AP. |
Mọi chuyện càng phức tạp hơn khi hành vi bị cáo buộc lại diễn ra ở một quán trà tại Hong Kong giữa bà Mạnh và một nhân viên của HSBC. Như vậy, hành vi này không diễn ra ở đất Mỹ hay Canada.
"Luật lừa đảo Canada không áp dụng cho các lãnh thổ ngoài quốc gia. Nếu anh lừa đảo ở Hong Kong, tôi không thể kết tội anh ở Canada", Ravi Hira, cựu công tố viên nhận xét.
Những phiên điều trần sẽ diễn ra trong 4 ngày, tuy nhiên kết luận có thể mất tới vài tháng. Trong thời gian này, bà vẫn có thể sống ở căn hộ xa hoa của mình và dành thời gian cho sở thích vẽ tranh hoặc học thêm. Từ chỗ chỉ gọi vài lần mỗi năm, giờ đây bà Mạnh nói chuyện với cha của mình vài lần một tuần qua điện thoại.
"Nếu như trước kia cuộc sống bận rộn chiếm hết thời gian của tôi, thì thời điểm gian khó này lại trả lại cho tôi nhiều thời gian. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kẹt ở đây lâu đến vậy", Giám đốc tài chính của Huawei viết vào tháng trước, tròn 1 năm sau ngày bị bắt.
Không có cuộc đào thoát thần kỳ
Bà Mạnh sẽ rất khó tạo nên một cuộc đào thoát bí ẩn như ông Carlos Ghosn. Hai vệ sĩ canh gác bà suốt 24 giờ, và bà còn phải đeo một chiếc vòng theo dõi có định vị trên cổ chân trái.
Dù khu vực được phép đi lại tự do của bà khá rộng, chỉ cần động vào thiết bị hay đến gần sân bay, lực lượng cảnh sát sẽ lập tức biết được. Những người bảo hộ của bà Mạnh đã phải thế chấp nhà để góp tiền vào con số gần 8 triệu USD bảo lãnh, và nếu bà Mạnh trốn thoát họ sẽ mất tất cả.
Thiết bị giám sát ở chân cùng 2 vệ sĩ hoạt động 24 giờ khiến cho bà Mạnh không có cơ hội trốn thoát như ông Carlos Ghosn. Ảnh: Reuters. |
Sau khi bà Mạnh bị bắt giữ, Trung Quốc cũng bắt Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân Canada. Gia đình của hai tù nhân không lên tiếng về tình trạng của hai người, tuy nhiên nhiều thông tin cho thấy cả hai đang bị giam giữ trong điều kiện rất tệ. Nhà chức trách Trung Quốc chỉ cho phép Kovrig và Spavor được tiếp xúc với đại diện cơ quan lãnh sự Canada 30 phút mỗi tháng.
Phía Trung Quốc cho rằng bà Mạnh đã bị bắt dưới những áp lực chính trị. Đối với vụ bắt giữ hai công dân Canada, phía Trung Quốc cho rằng đây không phải là hành động trả đũa mà hoàn toàn đúng luật.
Nếu thắng trong vụ án này, bà Mạnh sẽ nằm trong 1% ít ỏi bị đơn chiến thắng trong những vụ xét xử dẫn độ từ Canada sang Mỹ. Từ năm 2008, trong gần 800 vụ xét xử dẫn độ tới Mỹ, Canada chỉ từ chối hoặc trả tự do cho 8 người. Tỷ lệ chấp nhận dẫn độ lên tới 99%.