Chris Ship, biên tập viên chuyên về hoàng gia Anh của ITV News, chia sẻ hình ảnh Công chúa Anne với đôi mắt đỏ hoe ngồi trong xe, khi tháp tùng linh cữu nữ hoàng đi qua cánh cổng lâu đài Balmoral.
"(Công chúa) Anne là một người rất can trường, nhưng hành trình 6 giờ đi sau linh cữu mẹ là một thách thức rất lớn với cảm xúc của bất cứ ai", Ship bình luận.
Với việc người anh cả, Vua Charles III, quay trở lại London, trọng trách tháp tùng linh cữu nữ hoàng quá cố xuyên Scotland từ Balmoral, vào ngày 11/9 được giao cho người con gái thứ hai.
Đoàn xe đã đi qua một số thành phố và các khu vực nông thôn tại xứ Scotland, giữa lúc hàng nghìn người địa phương tập trung ven đường để tỏ lòng tôn kính với nữ hoàng.
Khi đội danh dự khiêng linh cữu vào bên trong Cung điện Holyroodhouse tại Edinburgh, trong trang phục màu đen, Công chúa Anne đứng ở cửa và nhún gối chào. Ở bên cạnh, Sophie, nữ bá tước xứ Wessex, người đã kết hôn với Hoàng tử Edward, được nhìn thấy đang đặt tay an ủi sau lưng bà.
Công chúa Anne ngồi trên ôtô đi sau xe chở linh cữu Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngày 11/9. Ảnh: Chris Ship. |
Hôm 12/9, Công chúa Anne mặc lễ phục của đô đốc Hải quân Hoàng gia, đi bên cạnh Vua Charles III, Hoàng tử Edward và Hoàng tử Andrew khi linh cữu nữ hoàng được đưa từ Holyroodhouse đến nhà thờ St Giles.
Bà dự kiến cũng tháp tùng linh cữu của nữ hoàng Anh trên chuyến bay từ Edinburgh đến London hôm 13/9.
Công chúa Anne đặc biệt gần gũi với mẹ mình và đã lặng lẽ dành thời gian với bà ở Scotland trong kỳ nghỉ hè cuối cùng của nữ hoàng.
Công chúa Anne mặc lễ phục của đô đốc Hải quân Hoàng gia, bên cạnh Vua Charles III, Hoàng tử Edward và Hoàng tử Andrew, đi sau linh cữu nữ hoàng tới nhà thờ St Giles hôm 12/9. Ảnh: Reuters. |
Sau sự ra đi của nữ hoàng Anh, vai trò của bà có thể thay đổi tùy thuộc vào việc Vua Charles sẽ theo đuổi chế độ quân chủ thu hẹp như thế nào. Tuy nhiên, theo AFP, ông có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ người em thân thiết của mình trong quá trình thích nghi dần với vai trò mới.
Phong cách mạnh mẽ
Công chúa Anne được biết đến là thành viên hoàng gia làm việc chăm chỉ nhất, người luôn nỗ lực trong sự nghiệp với tư cách một vận động viên cưỡi ngựa Olympic, bên cạnh việc dành thời gian để hoàn thành các nghĩa vụ hoàng gia.
Được cho là giống người cha quá cố, Hoàng thân Philip, trong cách nói chuyện thẳng thắn, Công chúa Anne đã từng mô tả mình là "không phải là mẫu hình lý tưởng khi mọi người nghĩ về một nàng công chúa trong truyện cổ tích".
"Bạn sẽ rút ra được những bài học như vậy sau khi nếm trải những trải nghiệm không mấy không tốt đẹp", bà nói. “Không có một ngôi trường nào dạy trở thành người hoàng gia".
Công chúa Anne không bao giờ tìm cách lấy lòng báo chí, nói rằng bà không "đóng thế" và thậm chí từng gọi với các nhiếp ảnh gia là "phiền phức".
Công chúa Anne được biết đến là thành viên hoàng gia làm việc chăm chỉ nhất. Ảnh: Reuters. |
Thông qua việc hỗ trợ hàng trăm tổ chức và từ thiện, bà đã giành được sự tôn trọng từ công chúng. Cho đến nay, Công chúa Anne đã hỗ trợ hơn 300 tổ chức từ thiện và quân đội, bao gồm cả tổ chức Save the Children có lịch sử hơn 50 năm.
Năm 1974, bà từng là mục tiêu của một vụ bắt cóc khi chiếc xe của bà bị phục kích. Hai nhân viên cảnh sát, tài xế của công chúa cùng một người qua đường đã bị bắn và bị thương.
Thông tin được tiết lộ từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cho biết kẻ tấn công Ian Ball đã chĩa súng vào Công chúa Anne và nói: “Tôi muốn bà đi cùng tôi trong một hoặc hai ngày, vì tôi muốn có 2 triệu bảng Anh. Bà sẽ ra khỏi xe chứ?".
Thế nhưng, công chúa Anh đã đáp lại với câu trả lời ngắn gọn: “Không có chuyện đó, và tôi cũng chẳng có 2 triệu bảng".
Công chúa Anne thường xuất hiện với phong cách pha trộn giữa sang trọng cổ điển và giản dị, cùng kiểu tóc bồng bềnh, chỉn chu trong suốt quãng thời gian trưởng thành.
Bà có phong thái giống như một doanh nhân, điều mà đôi khi khiến bà trông có vẻ lạnh lùng, và kết quả là sự hài hước có phần khô khan của bà thường bị nhầm lẫn.
Năng khiếu cưỡi ngựa
Sinh ngày 15/8/1950, Công chúa Anne được dạy tại Cung điện Buckingham trước khi bắt đầu học nội trú vào năm 1963.
Bà thừa hưởng niềm đam mê với ngựa từ mẹ và công chúa nhỏ sau đó đã trở thành một người cưỡi ngựa điêu luyện.
Bà Anne đã giành chiến thắng tại giải European Eventing Championships vào năm 1971 và công chúng Anh đã bầu chọn bà là Nhân vật thể thao của năm trên đài BBC cùng thời điểm đó.
“Tôi xem đó là một cách để chứng minh rằng tôi có thứ gì đó mà không phải phụ thuộc vào gia đình. Thành công hay thất bại là tùy thuộc vào chính tôi”, bà nói về sự nghiệp cưỡi ngựa của mình.
Công chúa Anne tham dự lễ cầu nguyện và tưởng nhớ về cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth II tại nhà thờ St Giles. Ảnh: Reuters. |
Bà kết hôn với vận động viên cưỡi ngựa Mark Phillips vào năm 1972. Vào thời điểm đó, đám cưới là một sự kiện quốc tế với ước tính khoảng 500 triệu người theo dõi.
Công chúa Anne cũng đại diện cho Anh tại Thế vận hội Montreal 1976, mặc dù về nước mà không có huy chương sau một cú ngã khó chịu - điều đáng nhớ đối với khán giả truyền hình, nhưng rõ ràng không phải với bà.
Sau vụ việc, não bà dường bị chấn động, và bà đã quay lại ngựa của mình nhưng không có bất cứ hồi ức nào về việc thi đấu.
Bà trở thành thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế vào năm 1988 và nằm trong ban tổ chức Thế vận hội London 2012.
Công chúa Anne và người chồng đầu tiên là sĩ quan quân đội có hai con. Một người là giám đốc điều hành các sự kiện thể thao Peter, người còn lại là vận động viên cưỡi ngựa Zara.
Tuy nhiên, phá vỡ truyền thống, hai vợ chồng đã quyết định từ chối trao cho con mình, Peter và Zara Phillips, tước hiệu chính thức của hoàng gia, để họ tự do quyết định cuộc sống của mình.
"Tôi nghĩ rằng cuộc sống có lẽ sẽ dễ dàng hơn cho bọn trẻ, bởi mọi người đều tranh luận về những mặt trái của việc có danh hiệu hoàng gia. Vì vậy, tôi nghĩ đó có lẽ là điều đúng đắn nên làm", bà giải thích trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với Vanity Fair.
Zara, người đã kết hôn với cựu đội trưởng bóng bầu dục Anh Mike Tindall, từng theo cha đến Thế vận hội, và giành huy chương bạc trong sự kiện đồng đội tại London 2012.
Gần gũi với nữ hoàng
Bà Anne được phong tước hiệu Công chúa Hoàng gia, theo truyền thống được trao cho con gái lớn của quốc vương, vào năm 1987.
Tuy nhiên, hai năm sau, tình cảm của bà với người chồng Phillips rạn nứt và cặp đôi ly hôn vào năm 1992.
9 tháng sau, Công chúa Anne kết hôn với Phó đô đốc hải quân Timothy Laurence. Họ kết hôn ở Scotland vì Giáo hội Anh không cho phép những người ly hôn tái hôn.
Sáng 11/9, bà và chồng Timothy Laurence đã có mặt trong đoàn xe đi ngay phía sau xe tang chở linh cữu nữ hoàng quá cố.
Công chúa Anne nhún gối chào khi đội danh dự khiêng linh cữu nữ hoàng vào bên trong Điện Holyroodhouse tại Edinburgh. Ảnh: AFP. |
Louise Tait, thư ký truyền thông của Nữ hoàng Elizabeth ở Scotland, cho biết bà rất vui mừng khi thấy Công chúa Anne tháp tùng nữ hoàng quá cố trong chặng đầu tiên trên hành trình cuối cùng của nữ hoàng.
"Nhìn thấy (Nữ hoàng Elizabeth II) một mình, tôi cảm thấy rất đau lòng", bà nói với Sky News và cho biết Công chúa Anne đã dành nhiều thời gian ở Scotland.
"Bà ấy (Công chúa Anne) là khách thường xuyên nhất đến Cung điện Holyroodhouse”, bà Tait nói.
Trong chương trình A Tribute to Her Majesty The Queen (Tưởng nhớ Nữ hoàng) của BBC điểm lại cuộc sống từ thời thơ ấu cho đến những ngày cuối đời của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, bà đã kể lại một số khoảng thời gian "tuyệt vời nhất từng trải qua" trong những kỳ nghỉ ở Balmoral, Scotland.
Công chúa Anne nhớ lại rằng cha mẹ "gần như luôn ở bên cạnh" họ trong thời gian đó.
"Kỳ nghỉ bao gồm tất cả điều làm tôi hài lòng, vùng thôn quê, đàn chó, đàn ngựa, có thể ra ngoài và tránh ánh nhìn của công chúng một chút", bà cho biết.