iPad giá rẻ của Apple lần đầu được trang bị USB-C. Ảnh: Xuân Sang. |
Một trong những nâng cấp quan trọng của iPad gen 10 là thiết bị được chuyển đổi sang sử dụng chuẩn kết nối USB-C, tương thích với nhiều phụ kiện và hệ sinh thái sản phẩm. Tuy nhiên, Apple đã cắt giảm nhiều tính năng trên cổng cắm này, khiến khách hàng bận tâm.
Ngoài ra, USB-C là một kết nối khá phức tạp với nhiều chức năng bên trong và phiên bản cập nhật. Do đó, khách hàng có thể lạc lối trong ma trận các tiêu chuẩn có và phụ kiện tương thích với lỗ cắm.
Bộ tiêu chuẩn phức tạp về cổng USB-C
Được ra đời từ 2014 và chính thức áp dụng trên sản phẩm đầu tiên vào tháng 4/2015, USB-C dần trở thành chuẩn kết nối phổ biến và được áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, trong suốt giai đoạn đó USB-IF (Diễn đàn Triển khai USB) và các đối tác của họ cũng liên tục nâng cấp cổng cắm trên cơ sở tiêu chuẩn hình dạng có sẵn.
Phiên bản vật lý mới nhất của cổng USB-C là 2.2. Dù có cách đánh số tương tự, nhưng mã hiệu phiên bản của cổng USB-C không liên quan đến tốc độ truyền tải dữ liệu USB sẽ được đề cập sau. Tiêu chuẩn vật lý của USB-C, trên cổng và cáp được USB-IF quy định để hỗ trợ các chức năng khác nhau của cổng cắm như tốc độ dữ liệu, khả năng xuất hình, sạc và cấp nguồn.
Bộ tiêu chuẩn hình dạng vật lý của cổng và cáp USB-C 2.2 vừa được USB-EF cập nhật. Ảnh: USBEF. |
Tiêu chuẩn tốc độ truyền tải dữ liệu là một phần quan trọng với cổng cắm. Tuy nhiên, bảng phân cấp này áp dụng cho nhiều chuẩn cắm chứ không riêng USB-C. Điều này đồng nghĩa các mã có thể được áp dụng để đọc tốc độ cổng USB-A, USB-B, MicroUSB…
Theo bộ tiêu chuẩn mới của USB-IF, có 5 chuẩn tốc độ của USB phổ thông gồm USB 2.0, USB 3.0, USB 3.2 gen 1, USB 3.2 gen 2 và USB 4. Mức tốc độ của các chuẩn này từ 480 Mb/s đến 40 Gb/s.
Cổng USB-C cũng được tương thích với khả năng sạc hoặc cấp điện thông qua tiêu chuẩn Power Delivery (PD). Riêng PD cũng có bộ tiêu chuẩn riêng về các mức điện áp và khung vật lý của cổng cắm có hỗ trợ. Ví dụ, USB-C 2.0 chỉ hỗ trợ tới USB PD 3.0, tối đa 100 W. Trong khi đó, chuẩn USB-C 2.1, 2.2 mới ra mắt, đáp ứng được PD 3.1 Extended Power Range, công suất tối đa 240 W.
USB-C 2.1 hỗ trợ sạc bằng chuẩn PD đến 240 W, cao hơn mức 100 W trước đó. Ảnh: USBEF. |
Đồng thời, PD trên USB-C không phải mặc định. Nhà sản xuất quyết định có trang bị chip quản lý để hỗ trợ chức năng hay không. Do đó, có những cổng USB-C không được dùng để sạc.
USB-C có khả năng tương thích với khả năng xuất hình ảnh và âm thanh qua chuẩn Displayport. Từ đời USB-C 2.1, cổng cắm đã hỗ trợ khả năng xuất hình ảnh độ phân giải 8K, tốc độ khung hình 60 Hz. Cổng C cũng được dùng để truyền âm thanh. Nhiều mẫu điện thoại Android loại bỏ cổng 3,5 mm và tích hợp vào USB-C trên máy.
Một tiêu chuẩn khác gắn liền với sự phát triển của USB-C là Thunderbolt, hiện có phiên bản thứ 4. Không tách lẻ từng hạng mục như trên, Thunderbolt được Apple và Intel tạo ra để tích hợp toàn bộ khả năng truyền dữ liệu tốc độ cao, xuất hình. Tuy nhiên, công nghệ này đòi hỏi chip riêng trên cáp và thiết bị phát để tương thích.
USB-C của iPad gen 10 không lỗi thời
Thực tế, cổng USB-C của iPad gen 10 vừa ra mắt là chuẩn vật lý 2.0, thông dụng trên đa số thiết bị điện tử. Phiên bản USB-C 2.1 và 2.2 mới ra mắt, chưa xuất hiện nhiều trên các sản phẩm mới.
Điểm trừ lớn nhất của cổng cắm trên iPad 2022 là nó vẫn dùng chuẩn USB 2.0 (khác USB-C 2.0). Do vậy, tốc độ truyền tải dữ liệu của thiết bị ở mức thấp, tối đa 480 Mb/s. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 40 Gb/s mà chuẩn USB 4, Thunderbolt 4 mới nhất đang hỗ trợ.
iPad gen 10 chỉ hỗ trợ USB 2.0, cho tốc độ truyền tải dữ liệu chậm. Ảnh: Satechi. |
Tuy nhiên, đây là sản phẩm giá rẻ, có bộ nhớ không lớn và ít hỗ trợ các tính năng quay chụp, làm đồ họa. Do đó, điểm trừ này không ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều mẫu điện thoại Android cao cấp cũng chỉ hỗ trợ USB 2.0 trên cổng cắm của mình. Nhà sản xuất tập trung quảng bá cho tốc độ sạc và sự tiện lợi của USB-C thay vì khả năng truyền dữ liệu.
Cổng USB-C của iPad gen 10 hỗ trợ xuất hình qua giao thức Displayport với độ phân giải tối đa 4K, tốc độ 30 Hz hoặc 1080p/60 Hz. Mức này thấp hơn iPad Air, iPad Pro. Người dùng có thể dùng các cáp, bộ chuyển đổi USB-C tương thích với Displayport để truyền dữ liệu hình ảnh tới màn hình. Tương tự với âm thanh, Apple bán một cổng chuyển USB-C to 3,5 mm để người dùng sử dụng với các tai nghe truyền thống.
Apple tặng kèm bộ sạc 20 W bên trong hộp iPad gen 10. Riêng cáp theo máy chỉ hỗ trợ tới mức 65 W và không truyền hình ảnh. Ngoài ra, Táo khuyết cho biết có thể sạc iPad nhanh hơn bằng các bộ sạc MacBook. Tuy nhiên, mức công suất tối đa không được công bố. Mẫu iPad Air ra mắt hồi đầu năm có thể sạc nhanh ở mức 30 W bằng sạc PD chất lượng tốt.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.