Đánh giá về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện thu hút nhiều doanh nghiệp thành lập mới và đầu tư nước ngoài, số người có việc làm tăng. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của người lao động tăng lên.
Cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Về mật độ, bình quân có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân.
Tính đến 31/12/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 138.139 doanh nghiệp, tăng 5,2% so với năm 2018; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 39.421 doanh nghiệp, tăng 15,9%.
“Có thể thấy môi trường sản xuất kinh doanh năm 2019 rất thuận lợi, rất tốt. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Hiếu Công. |
Ngoài ra, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký là 28.731 doanh nghiệp; số doanh nghiệp chờ giải thể là 43.711 doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.840 doanh nghiệp.
Theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành thống kê tại thời điểm 31/12/2018, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 610.637 doanh nghiệp. Trong đó, có 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn và 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ.
Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại năm 2018 đạt 38,93 triệu tỷ đồng. Thu nhập bình quân tháng một lao động các doanh nghiệp này năm 2018 đạt 8,82 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2017.
Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng cần khai thác và phát triển thị trường nội địa: nâng cao sức tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường số hóa trong doanh nghiệp,… để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu và cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.