Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cán cân thương mại thâm hụt 1,28 tỷ USD nửa đầu tháng 4

Nửa đầu tháng 4, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 8,26 tỷ USD, nhập khẩu đạt 9,54 tỷ USD. Thâm hụt thương mại là 1,28 tỷ USD, nhưng vẫn thặng dư 2,46 tỷ USD tính từ đầu năm.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4) đạt 17,8 tỷ USD, giảm 28,3% (tương ứng giảm 7,03 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 3.

Tính từ đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 140,75 tỷ USD, tăng 3,2%, tương ứng tăng 4,33 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 88,02 tỷ USD, tăng 1,2% (tương ứng tăng 1,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019; khối doanh nghiệp trong nước là 52,73 tỷ USD, tăng 6,6% (tương ứng tăng 3,25 tỷ USD).

Trong nửa đầu tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,28 tỷ USD, tuy nhiên, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn thặng dư 2,46 tỷ USD.

Xuat nhap khau tu dau nam van tang anh 1

Công nhân sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Ảnh: Việt Hùng.

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 đạt 8,26 tỷ USD, giảm 36,6% so với kỳ 2 tháng 3.

Cụ thể, trị giá xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện nửa đầu tháng 4 giảm 1,39 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ở kỳ 1 tháng 4 giảm 669 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 389 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 220 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 176 triệu USD.

Tính đến hết ngày 15/4, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,61 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 3,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 đạt 9,54 tỷ USD, giảm 19,5% (tương ứng giảm 2,31 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3.

Trong đó, trị giá nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nửa đầu tháng 4 giảm 827 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 167 triệu USD; vải các loại giảm 122 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 103 triệu USD.

Tính đến hết 15/4, tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam đạt 69,15 tỷ USD, tăng 1,8% (tương ứng tăng 2,31 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, Đại học Kinh tế Quốc dân có báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam. Nhóm nghiên cứu nhận định nếu dịch kéo dài đến hết tháng 4, thương mại hàng hóa giảm 20-30%, xuất nhập khẩu giảm 5-8%, thương mại nội địa giảm 15%, dịch vụ vận tải và logistics giảm 20%, dịch vụ giáo dục giảm 35%, lĩnh vực du lịch và khách sạn giảm 15-20%...

Trong khi đó, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, dự báo thương mại hàng hóa giảm 30-40%, xuất nhập khẩu giảm 25%, thương mại nội địa giảm 30%, dịch vụ vận tải và logistics giảm 20-30%, dịch vụ giáo dục giảm 35-65%, du lịch và khách sạn giảm 30-40%...

Phó thủ tướng kết luận về việc xuất khẩu gạo

Phó thủ tướng cho phép tạm ứng 100.000 tấn gạo hạn ngạch xuất khẩu tháng 5 để hỗ trợ doanh nghiệp có gạo tại cảng, đồng thời, đồng ý xuất khẩu gạo nếp trong tháng 4.

Đấu thầu lại 182.000 tấn gạo dự trữ vì doanh nghiệp ‘xù’ ký hợp đồng

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mới chỉ ký được 7.700 tấn gạo dự trữ. Do đó, sẽ tổ chức đấu thầu lại với số lượng 182.300 tấn gạo để đảm bảo đủ chỉ tiêu gạo Thủ tướng giao.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm