Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công bố nhiều mật dụ về sự kiện thành Hà Nội thất thủ

Cuốn sách công bố 1.200 châu bản của 10 triều vua Nguyễn về Hà Nội. Riêng triều Tự Đức có tới 796 châu bản và sự kiện bi tráng thành Hà Nội thất thủ lần 1 có trên 40 châu bản.

Trong thời gian vua Tự Đức trị vì, Nam triều phải hứng chịu nhiều biến cố đến từ người Pháp. Một vị hoàng đế yếu ớt về thể lực, thụ hưởng giáo dục bài bản nền cổ học nho giáo phải gánh chịu những điều chưa từng có trong tiền lệ, với những thách thức hoàn toàn mới với hầu hết vua tôi nước Nam.

Chau ban trieu Nguyen ve Ha Noi anh 1

Sách Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội

Sau khi buộc phải ký Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 với Pháp, Nam triều tiếp tục gặp khó khăn trong sự kiện thành Hà Nội thất thủ lần 1 (1873), mà tiêu điểm là thử thách chiến lược quân sự và ngoại giao của vua Tự Đức đối với quân Pháp. Điều này được phản trong các châu bản mới được công bố trong sách Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội (NXB Hà Nội, 2019) do Tiến sĩ Đào Thị Diến chủ biên.

Cuốn sách này công bố 1.200 châu bản của 10 triều vua Nguyễn về Hà Nội. Riêng triều Tự Đức có tới 796 châu bản và sự kiện bi tráng thành Hà Nội thất thủ lần 1 có trên 40 châu bản (tính từ báo cáo của Thống đốc Hoàng Kế Viêm về việc tàu của lái buôn Pháp là Jean Dupuis chở đầy vũ khí neo đậu ở Hà Nội, đến bản Tấu của Nội các về việc xét xử các viên để thất thủ thành Hà Nội).

Ngày 20 tháng 11 năm 1873 (tức ngày 1 tháng 10 năm Tự Đức 26), quân Pháp do Francis Garnier và Jean Dupuis phối hợp đã đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Chỉ với khoảng 300 quân tấn công, mà sau có một giờ, thành đã thất thủ. Chính sử Nam thực lục chính biên chép: “…ngày mồng 1 tháng 10 (âm lịch) đánh úp tỉnh thành, quan quân chia cửa chống giữ. Khâm mệnh Nguyễn Tri Phương cùng với con là Phò mã Lâm (nguyên xin đi dò thám) giữ cửa Đông Nam, quân nước Pháp phá ngay trước, Lâm bị bắn chết, Tri Phương bị thương; quân các cửa tan vỡ, thành mới bị mất”.

Sau khi Thành Hà Nội thất thủ, với trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước, vua Tự Đức đã cho quân tới chi viện và lệnh cho Nguyễn Tri Phương đánh chiếm lại thành Hà Nội. Bên cạnh đó, vua chỉ đạo các tỉnh căn cứ số quân của tỉnh hết sức rèn tập để phòng thủ.

Châu bản tập 156, tờ 34-35, ngày 6/10, năm Tự Đức 26 (bản Phụng thượng dụ của Cơ Mật viện) chép: Căn cứ vào trình bày của Tổng đốc Hà – Ninh là Bùi Thức Kiên, ngày mùng 1 tháng này thành Hà Nội bị tàu chiến và quân Pháp công phá, khẩn thiết xin phái ngay tướng sĩ đến tiêu diệt. Nay truyền dụ cho các quan chức các tỉnh Bắc Kỳ lập tức trưng tập quân đội phái tới chi viện.

Chau ban trieu Nguyen ve Ha Noi anh 2

Quân Pháp tấn công cửa Đông Nam thành Hà Nội ngày 20111873. Nguồn: EFEO.

Châu bản tập 156, tờ 36, ngày 5/10, năm Tự Đức 26 (bản Phụng thượng dụ của Cơ Mật viện) chép: “...Lệnh cho Nguyễn Trị Phương thu gom quân sĩ tìm cách đánh chiếm lại thành Hà Nội để chuộc tội”.

Châu bản tập 156, tờ 38 -39, ngày 6/10 năm Tự Đức 26 (bản Phụng thượng dụ của Cơ Mật viện) truyền dụ đến các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An phòng bị sau khi Hà Nội bị quân Pháp đánh thất thủ.

Tiếp đó, vua Tự Đức ban hành các mật dụ chỉ đạo quan chức Hà Nội đàm phán thương thuyết với phía Pháp để sớm chấm dứt chiến tranh giữa hai bên; các tỉnh thành chiêu rèn luyện tập binh sỹ để sẵn sàng chống Pháp; tổ chức phòng bị để ngăn chặn quân Pháp; nhân dân, hào kiệt chiêu mộ sức người sức của đồng tâm hiệp lực sớm lấy lại thành Hà Nội.

Châu bản tập 156, tờ 47 – 48, ngày 8/10, năm Tự Đức 26 (bản Phụng thượng dụ của Cơ Mật viện) truyền dụ gửi thư cho quân cho quân Pháp hỏi lý do gây chiến ở Hà Nội.

Châu bản tập 156, tờ 49, ngày 12/10, năm Tự Đức 26 (bản Phụng mật dụ của Cơ Mật viện) chép: Căn cứ vào việc phía Pháp là Garnier đưa thư đến xin đặt lại quan chức mới và họ không có ý định chiếm thành trì. Đã dụ chuẩn cho tân Tổng đốc Hà - Ninh là Trần Đình Túc, tân Tuần Phủ Hà Nội là Nguyễn Trọng Hợp cùng các quan chức: Bố chánh, Án sát, Đề lĩnh Hà Nội nhận chức, nhân đó thương thuyết với Garnier về việc thông thương, sớm chất dứt chiến tranh giữa 2 bên.

Chau ban trieu Nguyen ve Ha Noi anh 3

Điện thờ trong hoàng thành Hà Nội, nơi Francis Garnier từng nghỉ lại sau khi chiếm thành. Nguồn: EFEO.

Châu bản tập 156, tờ 51-52, ngày 12/10, năm Tự Đức thứ 26 (Phụng mật dụ của Cơ Mật viện) chép: Hiện nay Hà Nội thất thủ, bọn Pháp xảo quyệt, đã chuẩn bị cho các quan Thống đốc, Tham tán và các quan Đốc, Phủ ở các tỉnh chiêu tập, rèn binh dân, phòng bị nghiêm ngặt để có thể đối nội trừ gian, bên ngoài có thể ngăn được giặc mạnh. Nay truyền cho thân sĩ, hào mục ở các địa phương, ai nấy đều hăng hái, địch đến tất chống cự…

Châu bản tập 156, tờ 51-52, ngày 12/10, năm Tự Đức thứ 26 (Phụng mật dụ của Cơ Mật viện) chép: Vấn đề hiện tình Hà Nội, vừa mới mệnh cử quan chức đến xử trí. Nay cho Hoàng Kế Viêm giữ nguyên hàm Tiết chế các vệ quân ở Bắc Kỳ, cùng bàn tính với Tôn Thất Thuyết cố kết nhân tâm, thu phục các hào kiệt, chiêu mộ thủ hạ, kêu gọi các nhà giàu có, khiến cho ngươi người đồng tâm, nơi nơi kiên cố, để có thể sớm lấy lại thành Hà Nội.

Tuy nhiên, do sự lưỡng lự 2 mặt trong chiến lược quân sự và ngoại giao của vua Tự Đức đối với quân Pháp, cùng với đó là những chủ trương chưa hợp với ý nguyện của dân Bắc Kỳ, nên sau khi Hà Nội thất thủ, các tỉnh thành Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương tiếp tục rơi vào tay người Pháp.

Dù sau đó, người Pháp có trao trả lại 4 tỉnh thành này, nhưng Nam triều buộc phải nhượng bộ trước nhiều yêu sách của Pháp. Các châu bản cuối năm Tự Đức 26 như: Châu bản tập 156, tờ 101-102, ngày 3/11; Châu bản tập 156, tờ 110-111, ngày 2/12; Châu bản tập 156, tờ 113, ngày 14/12; Châu bản tập 156, tờ 118, ngày 18/12; Châu bản tập 156, tờ 127-128, ngày 7/12; Châu bản tập 156, tờ 129-131, ngày 10/12; Châu bản tập 254, tờ 18-25, ngày 26/11, … ít nhiều cho thấy điều này.

Sau khi Hòa ước Giáp Tuất (1874) ký kết ngày 25/3/1874, vụ án để thành Hà Nội thất thủ chính thức được đem ra nghĩ xử. Châu bản tập 257, tờ 244-348, ngày 16/4, năm Tự Đức 27 (1874) cho biết, Nội các tấu xin xét xử các viên để thất thủ thành Hà Nội.

Nhan cach 'oc muon hon

Nhân cách 'ốc mượn hồn" là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm