Bản đồ vừa công bố là thành quả của nỗ lực phân tích hơn 4 triệu thiên hà và chuẩn tinh (quasar hay quasi-stellar, thiên thể giống sao, cách xa hàng tỷ năm ánh sáng và có độ sáng còn lớn hơn cả thiên hà thông thường).
Theo AFP, công trình là kết quả phối hợp nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học đến từ khoảng 30 trung tâm trên toàn thế giới. Will Percival, chuyên gia tại Đại học Waterloo, Canada, đánh giá dự án đã xây dựng được "câu chuyện hoàn chỉnh về sự giãn nở của vũ trụ".
Dự án được khởi động từ hơn hai thập niên trước. Các nhà nghiên cứu đến nay đã đạt được "những đo đạt chính xác nhất về lịch sử giãn nở trên phạm vi thời gian vũ trụ rộng nhất từ trước đến nay", theo Percival. Dữ liệu được thu thập từ một kính viễn vọng đặt tại New Mexico trong hơn 6 năm.
Hình ảnh máy tính mô phỏng quá trình giãn nở của vũ trụ trong 13,8 tỷ năm. Ảnh: AFP. |
Theo Kyle Dawson, chuyên gia tại Đại học Utah, nghiên cứu này đã giúp lấp đầy một "khoảng trống rắc rối" về lịch sử giãn nở của vũ trụ "nằm trong khoảng giữa dài 11 tỷ năm". Những thông tin mà dự án thu thập còn "cung cấp một số bước tiến đáng kể nhất trong khoa học vũ trụ thập kỷ qua".
Nhà vật lý vũ trụ Jean-Paul Kneb, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ (EPFL), nhấn mạnh mục tiêu của các nhà khoa học là tạo nên "bản đồ 3 chiều hoàn chỉnh nhất của vũ trụ xuyên suốt dòng đời vũ trụ".
Theo ông, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học vẽ lại "các thiên thể biểu thị sự phân bổ vật chất ở vùng xa xôi của vũ trụ, các thiên hà đã tạo nên sao và chuẩn tinh", từ đó thể hiện chính xác hơn về cấu trúc vũ trụ kể từ thuở ban sơ khi mới 380.000 năm tuổi.
Đối với phần bản đồ liên quan đến vũ trụ khoảng 6 tỷ năm trước, các nhà khoa học quan sát những thiên hà già và đỏ nhất (thiên hà gần như đã ngưng tạo ra sao mới, gồm phần lớn các ngôi sao già).
Đối với những giai đoạn xa xôi hơn, họ lại tập trung quan sát những thiên hà trẻ nhất có màu xanh (do vẫn còn khí lạnh để tạo sao mới).
Để truy vết xa hơn nữa, các nhà khoa học sử dụng các chuẩn tinh, những thiên hà mang hố đen siêu nặng với độ sáng cực lớn và ở rất xa chúng ta.
Bản đồ 3 chiều cho thấy quá trình giãn nở của vũ trụ đã bắt đầu tăng tốc vào một thời điểm nào đó trong lịch sử và quá trình đó chưa dừng lại. Theo các nhà nghiên cứu, đó là do sự hiện diện của "năng lượng tối", yếu tố vô hình phù hợp với thuyết tương đối của Albeirt Einstein nhưng khoa học chưa thể hiểu được nguồn gốc.