Sáng 25/8, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Hội nghị được chủ trì bởi thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Hội nghị Rút kinh nghiệm công tác tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ảnh: Ngọc Tân. |
Từ điểm cầu thị trấn Abyei (châu Phi) đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng Đội công binh số 1, cho biết sau hơn 3 tháng công tác tại địa bàn, đội công binh "mũ nồi xanh" đầu tiên của Việt Nam đã thực hiện được các công trình có quy mô lớn, kết cấu phức tạp phục vụ cho hoạt động của phái bộ.
Bên cạnh đó, chúng ta nhiệt tình thực hiện những công việc có ích cho người dân địa phương, có lợi cho phái bộ. Chỉ cần nằm trong khả năng thực hiện của đơn vị thì không nề hà, không trốn tránh nhiệm vụ.
Đơn cử như việc đội công binh ở Abyei được giao nhiệm vụ chống ngập cho nhân dân địa phương. Nhiệm vụ thì chung chung nhưng khi khảo sát, lãnh đạo địa phương đề nghị ta làm thêm, ta cũng vui vẻ nhận lời và thực hiện chu đáo.
Đội Công binh gìn giữ hòa bình Việt Nam trong những tháng đầu ở Abyei. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. |
Đội Công binh Việt Nam đã đi xin đất để làm đường vào trường học cho trẻ em, đi xin xi măng để làm đường đi cho học sinh... Hình ảnh Bộ đội cụ Hồ được lan rộng khắp toàn bộ thị trấn Abyei, đến mức người dân gửi lời cám ơn đến cả phái bộ.
Ban đầu người dân địa phương không biết, tưởng đội công binh đến từ một nước châu Á nào đó. Nhưng chỉ một vài hôm, họ đã gọi tên Việt Nam, họ mang đồ ăn, nước uống cho chúng ta dù gia cảnh họ cũng khó khăn, họ còn mang ghế cho bộ đội ngồi...
"Những tình cảm đó xuất phát từ việc chúng ta giúp họ từ cái tâm, không vụ lợi, không ngại gian khó, không làm qua loa đại khái để về báo cáo", Đội trưởng Đội công binh chia sẻ.
Chia sẻ với báo chí, thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua Việt Nam cử lực lượng lớn đến vậy để tham gia hoạt động công binh ở phái bộ. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ về hoạt động của Đội công binh Việt Nam tại Nam Sudan. Ảnh: Ngọc Tân. |
Đội công binh của Việt Nam đã xây dựng một doanh trại mới ở gần đường cao tốc, đồng thời làm lại các lán trại, nơi đóng quân cho đơn vị mình và cho sở chỉ huy của phái bộ.
"Chúng ta cũng giúp người dân địa phương xây những con đường mà trước đây các cháu bé đến trường, người dân đi lại đều rất khổ sở vì lũ lụt. Đó là những hình ảnh rất mới của Quân đội nhân dân Việt Nam tại nước ngoài", thiếu tướng Phụng chia sẻ.
Ông cho biết việc làm đường, làm sân bay, doanh trại, trường học... là những công việc rất thường nhật mà công binh có thể đảm nhận. Tuy nhiên điều này không đơn giản với lực lượng của nhiều nước khác. Khi họ đến phái bộ để khảo sát thì thấy rằng đây là những nhiệm vụ khó khăn và không khả thi với lực lượng của họ.
Bên cạnh kỹ năng sinh tồn, quân y, công binh... lính mũ nồi xanh Việt Nam còn huấn luyện về kiến thức đối ngoại quốc phòng, văn hóa con người để làm các nhiệm vụ quân sự kết hợp dân sự.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo ở Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với mục tiêu xây dựng Cục thành Trung tâm huấn luyện mang tầm quốc tế và khu vực, phối hợp với các quốc gia khác để huấn luyện các khóa quân nhân quốc tế", Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình chia sẻ.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết Liên Hợp quốc ngưỡng mộ tính kỷ luật và cam kết mạnh mẽ của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hòa bình.
Liên Hợp Quốc đánh giá cao nỗ lực không biết mệt mỏi của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đã triển khai thành công đội Công binh đầu tiên của mình đến phái bộ UNMISS tại Nam Sudan trong năm nay. Là quốc gia mới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình nhưng Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc.
Từ năm 2014, 2 sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử sang Nam Sudan làm sĩ quan liên lạc tại phái bộ. Đến nay, Việt Nam đã triển khai tổng cộng 526 quân nhân, trong đó có 35 chuyên gia, 55 sĩ quan theo hình thức cá nhân và 5 đơn vị (4 bệnh viện dã chiến và 1 đơn vị công binh) tới các phái bộ UNMISS, UNISFA, MINUSCA.