Trước thắc mắc TP.HCM có tính toán dùng flycam kiểm soát việc chấp hành quy định chống dịch tại các khu dân cư như tại một số địa phương, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết thành phố không triển khai hình thức này vì nhiều lý do.
Theo thượng tá Hà, TP.HCM với đặc thù mật độ dân cư cao, việc sử dụng flycam tuy có lợi trong quan sát từ xa nhưng để xử lý sẽ khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, lực lượng được bố trí giám sát, tuần tra tại các khu dân cư đã cơ bản kiểm soát, xử lý khá tốt tình hình.
"Chúng tôi cũng có một số thử nghiệm, quan sát thời gian bay, quan sát từ xa, nhưng với mật độ dân cư dày như TP.HCM thì việc bay flycam là rất khó", thượng tá Hà nói.
Hà Nội, Đà Nẵng đang sử dụng flycam hỗ trợ kiểm soát dịch. Ảnh: Hải Nam. |
Thượng tá Hà cho hay một lý do khác khiến đơn vị không triển khai flycam là vì Công an TP.HCM đã bố trí camera thông minh tại hầu hết khu dân cư.
"Các camera này có thể xem từng hẻm, từng khu vực, không như các tỉnh thành mật độ camera bố trí còn ít nên các địa phương muốn bay flycam để có sự quan sát tổng thể. TP.HCM thì có lợi thế là chúng ta đã đầu tư sớm và có rất nhiều camera được đặt tại khu dân cư, tòa nhà cao để kiểm soát", thượng tá Lê Mạnh Hà nói thêm.
"Vaccine tinh thần" cho người dân TP.HCM
Cũng tại họp báo, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết từ ngày 5/9, trường ra mắt chương trình “Vaccine tinh thần” với mục đích hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho nhóm dễ chịu tổn thương tinh thần gồm các bệnh nhân, nhân viên y tế, thân nhân, người lao động và học sinh, sinh viên. Chương trình được bắt đầu triển khai từ ngày 5/9 qua đường dây nóng 1022 của UBND TP và đường dây nóng riêng của trường là 0987.111.801.
"Vaccine tinh thần" có 3 liệu pháp chính, một là sự can thiệp phổ quát cho người có nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý. Hai là can thiệp chữa trị lâu dài đối với người có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do Covid-19. Ba là tái hòa nhập giúp người bị tổn thương tìm thấy nguồn lực để tăng trưởng thông qua cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân.