CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Hồng Quang. |
Chiều 14/12, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đã có trao đổi xung quanh việc CSGT dùng chung ống thổi để kiểm tra người vi phạm nồng độ cồn.
Cụ thể, ông Hà khẳng định CSGT không dùng chung ống đo nồng độ cồn. Người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới, có thể yêu cầu CSGT thay ống thổi khác.
Nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng quy định, các cá nhân có thể phản ánh cụ thể về Công an thành phố để đơn vị kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý.
Theo quy trình, CSGT TP.HCM tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều kiển phương tiện có nồng độ cồng trong hơi thở hay không).
Việc thổi một hơi thở tốn khoảng 3-5 giây, nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện được tiếp tục hành trình tham gia giao thông.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, lực lượng chức năng dùng máy đo định lượng nhằm xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.
Máy đo này dùng ống thổi, nên mỗi người một ống thổi riêng biệt. CSGT sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi nylon hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy để thổi.
Tại họp báo, ông Lê Mạnh Hà thông tin thêm hiện nay, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và thực hiện hành vi phạm tội.
Trong đó có các hội, nhóm kín trên mạng như: Telegram, Facebock… với mục đích tìm cách trốn nợ, vay nợ, bùng nợ,… hay bàn bạc thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cướp tài sản, tội phạm cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác…
Hiện Công an TP.HCM thực hiện một số giải pháp để ngăn chặn tội phạm phát sinh từ các hội, nhóm kín trên mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên mạng; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.