Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công an theo dõi Facebook giả mạo chính khách

Trong trường hợp có kẻ dùng Facebook giả danh lãnh đạo để trục lợi mà gây thiệt hại đến vật chất thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện, các tài khoản Facebook hoặc Fanpage trùng tên Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, các Phó thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng có thể dễ dàng tìm thấy trên Facebook. Tuy nhiên ngoại trừ Fanpage của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được xác nhận là thật, tất cả đều là những trang giả mạo.

Fanpage giả mạo Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởnng Bộ Quốc phòng.

Việc tràn lan Facebook giả mạo chính khách Việt Nam đã khiến dư luận không khỏi lo ngại bởi các tài khoản đó có thể sử dụng uy tín của những người mà họ mạo danh để truyền bá thông tin sai lệch, hoặc để lừa đảo với những mục đích khác nhau.

Theo luật sư Dương Thanh Biểu (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc giả mạo Facebook là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP).

"Tuy nhiên, trong trường hợp có kẻ dùng Facebook giả danh lãnh đạo để trục lợi mà gây thiệt hại đến vật chất thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo", Luật sư Biểu phân tích.

Còn theo luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc mạo danh một người nào đó ở trên Facebook cũng có thể xem là hành vi mạo danh người khác.

"Với trường hợp này, cần phải xem xét từng hành vi để áp dụng pháp luật. Trong trường hợp mạo danh Facebook mà cung cấp thông tin trái sự thật, nhất là làm ảnh hưởng đến cơ quan Nhà nước, có thể xác định theo tội danh giả mạo chức vụ, cấp bậc theo Điều 265 của bộ Luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm", Luật sư Hưng cho biết thêm.

Cũng theo Luật sư Hưng, nếu đơn thuần chỉ là việc lạm dụng tên tuổi người khác để câu view hay kinh doanh, buôn bán thì chưa thật sự đáng lo. Nhưng nếu kẻ xấu dùng Facebook đó để tuyên truyền, chống phá chính quyền thì rất nguy hiểm.

Cơ quan công an theo dõi 

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Cục An ninh, thông tin và truyền thông, Bộ Công an: "Về mức độ an ninh, chúng tôi phải theo dõi. Nếu phát hiện những trường hợp giả mạo sẽ có kế hoạch điều tra, xác minh, làm rõ những hiện tượng giả mạo đó...

Trong trường hợp người dân, các cơ quan báo chí cung cấp danh sách những Facebook giả mạo, chúng tôi có thể phối hợp với nhiều đơn vị để điều tra, xác minh làm rõ đối tượng giả mạo. Trên cơ sở làm rõ đến đâu thì xử lý đến đấy. Nếu thấy các đối tượng giả mạo Facebook, Fanpage vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ đề xuất xử lý hình sự, còn chưa đến mức xử lý hình sự, chỉ dại dột, thích nổi tiếng sẽ có những biện pháp xử lý hành chính.

Như những vụ việc tung tin đồn dịch bệnh Ebola vừa rồi trên Facebook chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị để điều tra phát hiện đối tượng. Sau đó bàn giao cho công an Hà Nội để bắt đối tượng và xử lý hành chính."

Một điều cần lưu ý là trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng điều tra xử lý các trường hợp giả mạo Facebook, bản thân những người dùng mạng xã hội cũng nên tỉnh táo trước những Facebook giả mạo.

Nếu phát hiện ra được Facebook cá nhân hoặc Fanpage giả, người dùng nên sử dụng công cụ là “report” gửi cho Facebook. Nếu facebook giả mạo nào có số lượng report vượt quá giới hạn thì sẽ bị khóa hoặc không được hoạt động nữa.

Tràn lan Facebook giả mạo chính khách Việt Nam

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, doanh nhân nổi tiếng… là những người bị giả mạo trên Facebook nhiều nhất.

http://www.baogiaothong.vn/cong-an-theo-doi-facebook-gia-mao-chinh-khach-d97636.html

Theo Ngọc Lê/Giao thông vận tải

Bạn có thể quan tâm