Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con trai Trump nói về cha: 'Ông ấy luôn kiên cường'

Trò chuyện với nhà báo O'Reilly, Trump Jr. (con trai và cố vấn riêng của Donald Trump) cho rằng cha mình luôn chiến đấu kiên cường và đáp trả với những cáo buộc vô căn cứ.

Thành phố New York. Ngày 22/8/2016. Buổi trưa.

“Donald Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc”. Đó lại là chủ đề trên các bản tin ngày hôm đó, sau khi ứng viên Trump nhắc lại rằng, nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ “gom” những người nhập cư bất hợp pháp “tồi tệ” lại và tống họ ra khỏi nước “nhanh đến chóng mặt”.

Những chỉ trích

Thực ra thì, khi đó tôi đang nghiên cứu tại văn phòng của tôi trên Đại lộ 6, và đầu óc cũng hơi quay cuồng một chút. Báo chí biết rằng chỉ 78 ngày nữa, Donald Trump có thể sẽ đắc cử Tổng thống, và điều đó không được phép xảy ra.

Do vậy, thông điệp của truyền thông cả nước là: Trump ghét người da đen, người gốc Latinh, người Hồi giáo. Ghét người da đen bởi câu chuyện giấy khai sinh của Obama. Ghét người gốc Latinh bởi ứng viên này cương quyết chống lại nhập cư trái phép từ Mexico. Và ghét người Hồi giáo bởi Donald Trump kêu gọi ngừng cho phép nhập cư và người tị nạn từ các “khu vực nguy cơ khủng bố”.

Qua những dịp trò chuyện chi tiết với Donald Trump về các chủ đề này, sau khi đã gạt sang một bên những lời phóng đại nhằm kích động cử tri của ông, thì dưới đây là những điều ông thực sự nghĩ.

Chuyện “giấy khai sinh” là chiến thuật nhằm tranh thủ ủng hộ của cử tri chống Obama. Trump không mảy may quan tâm đến sự thật xung quanh sự ra đời của ngài Tổng thống. Ông đơn thuần chỉ tranh thủ một thuyết âm mưu ngu ngốc để thu hút sự chú ý. Đó là chính trị gây chia rẽ, không phải vấn đề màu da.

Nhập cư trái phép gây quan ngại cho Tổng thống Trump ở nhiều mức độ. Ông là người ủng hộ “luật pháp và trật tự” và coi thất bại trong việc kiểm soát biên giới là điểm yếu của những chính trị gia bàng quan. Ông tin rằng nhập cư hỗn loạn sẽ gây hại cho đất nước.

Về vấn đề Hồi giáo, Donald Trump không đồng cảm với văn hóa của đạo Hồi. Ông bị xúc phạm sâu sắc vì thế giới đạo Hồi đã không đồng loạt đứng dậy chống lại tư tưởng thánh chiến. Là người New York, vụ 11/9 có tác động trực tiếp tới cá nhân ông và ông không cho rằng đất nước sẽ thu được lợi gì khi chấp nhận người nhập cư theo đạo Hồi.

Đây không phải vấn đề về dân tộc đối với Trump; mà là phản ứng yếu ớt của thế giới Hồi giáo trước chủ nghĩa khủng bố. Ít nhất một nửa đất nước này chia sẻ hệ tư tưởng của Donald Trump về nhập cư trái phép và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Và bởi hầu hết chính trị gia giữ im lặng về các vấn đề dân tộc vì sợ bị gọi là người phân biệt chủng tộc, Donald Trump nhanh chóng xây dựng được nền tảng ủng hộ nhờ cách nói năng thẳng thắn trong những vấn đề này.

Mặt khác, nhiều người Mỹ chống Trump không quan tâm lắm đến khía cạnh “vì sao” trong những phát biểu của ông. Họ căm ghét ông và cho rằng ông rất nguy hiểm.

Giới truyền thông tự do (thánh địa của dạy đời về đạo đức) là một phần trong nhóm trên và sẵn sàng nhảy vào công kích Trump mỗi khi ông có phát biểu tiêu cực về một nhóm thiểu số hay phụ nữ.

Cáo buộc Trump có động cơ phân biệt chủng tộc, khinh miệt phụ nữ là một chiến thuật rẻ tiền nhưng đã in đậm trong văn hóa truyền thông của Mỹ.

Nếu bạn chỉ trích người thiểu số hay phụ nữ, dù có lý do chính đáng, bạn vẫn sẽ bị quy chụp, tẩy chay, không đáng để được phân xử công bằng.

Sự thực về Donald Trump là như sau: Việc ông thiên vị ai hầu như luôn có tính đổi chác, không phải vấn đề cá nhân. Nếu ông đã chống lại một điều gì đó thì chủng tộc không phải là vấn đề.

Tương tự như vậy đối với những điều ông ủng hộ. Việc ông chấp nhận một tình huống nào đó luôn dựa trên cơ sở điều đó có đem lại lợi ích tích cực cho ông hay không, chứ không phải là dựa trên chủng tộc nào cả.

Vẫn chưa tin ư? Barack Obama và Hillary Clinton có màu da khác nhau. Ai bị Trump đả kích nhiều hơn? Nhân tiện, Franklin Roosevelt và Dwight Eisenhower đều là những người có tư duy đổi chác và đó là cách họ điều hành đất nước. Do vậy, Donald Trump không phải là cá biệt. Chỉ có cách thức của ông thì quả đúng là như vậy.

Donald Trump anh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tích cực vận động bầu cử. Ảnh: AP.

"Ông ấy sẵn sàng đấu khẩu với bất kỳ ai"

Trở lại với giới báo chí thiếu trung thực. Thay vì mổ xẻ các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới người Mỹ, các bản tin của truyền thông về chiến dịch tranh cử của Donald Trump giờ chỉ còn là những màn bôi nhọ và/hoặc công khai mọi cáo buộc chống lại ông.

Trong hầu hết kỳ bầu cử khác, sức ép liên tục như vậy đáng lẽ đã đập tan bất cứ một chiến dịch tranh cử nào. Nhưng năm nay thì không. Tôi gọi chiến thuật này là “mỗi ngày một bê bối”, và nó tiếp diễn cho đến ngày nay.

O'Reilly: Tôi đã gắt lên với ông ấy về vấn đề giấy khai sinh, tôi nghĩ đó là hành động có mục đích xấu và không cần thiết.

Trump Jr. (con trai và cố vấn riêng của Tổng thống): Đó là cách ông ấy chiến đấu. Ông ấy luôn chiến đấu một cách kiên cường và đáp trả.

O'Reilly: Nhưng tại sao ông ấy lại làm vậy? Ông ấy đâu có tranh cử với Obama. Tại sao ông ấy lại nêu vấn đề này và đối mặt với rủi ro bị gọi là một kẻ phân biệt chủng tộc?

Trump Jr.: Tôi không nghĩ những lời buộc tội vô căn cứ có ý nghĩa gì với ông ấy… Nhưng ông ấy có thể tung ra những lời công kích và sẵn sàng đấu khẩu với bất kỳ ai, và thực tế là ông ấy cũng có đôi chút ưa thích những màn đấu khẩu này. Tôi nghĩ ông ấy đã chứng kiến và nghiệm ra được rằng kể cả ông có thừa nhận điều gì thì đối thủ cũng sẽ không buông tha dù chỉ một chút. Ông thà cho qua và lờ nó đi còn hơn.

O'Reilly: Đã khi nào anh kéo ông ấy ra một góc và nói rằng: “Cha, chuyện giấy khai sinh của Obama không có lợi gì đâu” chưa?

Trump Jr.: Tôi nghĩ chúng tôi từng nói chuyện liên quan đến vấn đề này. Nhưng ông ấy sở hữu khả năng thiên bẩm nhìn nhận mọi thứ qua một lăng kính khác mà tôi không nghĩ bất kỳ ai có được. Vì thế, tôi có thể đặt dấu hỏi về một vài chuyện, nhưng tôi không hoài nghi bởi luôn có mục đích ẩn sau những hành động điên rồ của ông ấy.

Bill O'Reilly / NXB Trẻ

SÁCH HAY