Sáng 24/4, sự kiện ra mắt cuốn sách Con đường văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo độc giả, khán giả quan tâm đến văn chương, con người cố nhà văn.
Chương trình còn có sự tham dự của nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cũng là người biên soạn cuốn sách - cùng Tiến sĩ Văn học Đỗ Thanh Nga, Tiến sĩ Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ.
Con hiểu thêm về cha qua những tập nhật ký
Tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Thắng chia sẻ vì cha qua đời sớm (ở tuổi 48), khi ông Thắng mới 5 tuổi, nên ông không có nhiều ký ức, kỷ niệm rõ ràng với cha. Vì vậy, 30 tập nhật ký lớn nhỏ của cha đã giúp ông tìm lại được hình ảnh cha mình và bồi đắp nó được rõ nét hơn.
"Từ khi 9, 10 tuổi, biết chữ và tự nhận thức, tôi bắt đầu đọc từng trang nhật ký của cha. Nó như mở ra cả một thế giới của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ở đó có chân dung ông từ năm 18 tuổi đến năm 48 tuổi".
Với ông Thắng, nhật ký của cha bao hàm nhiều nội dung giá trị khác nhau. Điều thú vị là những trang nhật ký đó được viết bởi một nhà văn có tay nghề nhưng cũng chứa đựng một tâm hồn nhạy cảm, chân thành, giàu nhiệt huyết. Bởi vậy, người con trai cho rằng những trang nhật ký không chỉ có giá trị về mặt tư liệu mà còn có giá trị về mặt văn chương, cho thấy phẩm chất văn chương của Nguyễn Huy Tưởng.
Ông Nguyễn Huy Thắng (trái) chia sẻ về cha tại sự kiện. |
Cũng qua những trang nhật ký đầy chân thực, ông Nguyễn Huy Thắng không chỉ hiểu thêm về con người người cha quá cố mà còn cả bối cảnh cuộc sống, về những điều cố nhà văn hiếm khi giãi bày, nói ra như tình yêu, sự quan tâm dành cho vợ con.
"Cha tôi tận tâm với nghề, rất quý trọng thời gian, tôi nghĩ đối với ông dường như không có gì quan trọng bằng viết văn. Thế mà năm 1957, khi ông đang vật lộn viết Sống mãi với thủ đô, đúng lúc tôi ốm bị sốt, cha tôi đã viết trong nhật ký: 'Thương Thắng ốm, chẳng viết được' và tự trách đã cho tôi xuống đường chơi, không cẩn thận để tôi bị ốm", ông Thắng kể.
Những ngày cuối đời phải nằm bệnh viện vì bệnh nan y, Nguyễn Huy Tưởng cũng đau đáu nghĩ về gia đình. Nỗi xót xa lớn nhất của ông là ra đi mà để lại nhiều thứ dang dở, để lại "vợ và lũ con nheo nhóc".
"Những câu chữ của cha khiến mẹ con tôi xót xa. Tôi mừng cho mình vì có được sự yêu thương, quan tâm của cha như thế", ông Thắng bày tỏ.
Bản thân đã hiểu hơn về cha, ông Nguyễn Huy Thắng suy nghĩ tới việc chia sẻ những trang nhật ký đó với mọi người, để độc giả thấy thêm những khía cạnh khác về ông ngoài vai trò một nhà văn.
"Con đường văn sĩ" của Nguyễn Huy Tưởng
Những trang nhật ký trong Con đường văn sĩ được Nguyễn Huy Tưởng viết trong suốt những năm 1938 đến 1945 thời điểm trước Cách mạng tháng Tám bùng nổ.
Đây là những trang tư liệu chân thực để tìm hiểu về con đường lập thân lập nghiệp của người thanh niên - công chức sở thuế quan để trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng. Đồng thời đó là những nét phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và yêu nước trước Cách mạng tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị. Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1 là những trang nhật ký từ năm 1938 đến 1939 với các nội dung chính: Đời công chức, Mộng văn chương, Em bé Hàng Vôi, Truyền bá quốc ngữ và hôn nhân.
Phần 2 là nhật ký những năm 1940-1943 với các nội dung: Đổi xuống Hải Phòng, Hướng đạo, Tri tân, Đêm hội Long Trì và Mẹ mất.
Phần 3 là những trang nhật kí từ 1943 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ với các nội dung chính: Vũ Như Tô, An Tư, Văn hóa Cứu quốc, Tiên Phong.
Cuốn sách Con đường văn sĩ do con trai Nguyễn Huy Tưởng biên soạn. |
Bố cục cuốn sách bước đầu cho ta thấy “con đường văn sĩ” của Nguyễn Huy Tưởng với mộng văn chương ở phần 1, khi chàng trai Nguyễn Huy Tưởng luôn bị “con ma văn chương ám ảnh”, cho đến phần 2 là khi ông có tác phẩm đầu tay Đêm hội Long Trì được in thành sách và phần 3 khi ông cho ra đời tác phẩm lớn trong sự nghiệp của mình: Vũ Như Tô.
Bên cạnh “con đường văn sĩ”, với bố cục 3 phần này, độc giả cũng có thể biết được hành trình tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động yêu nước trước cách mạng của ông với phong trào Truyền bá quốc ngữ đến Hướng đạo rồi Văn hóa cứu quốc.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.