Trong hồ nước mặn Kakaban trên quần đảo Derawan (Indonesia) có bốn loài sứa vô cùng đặc biệt. Qua hàng nghìn năm bị cô lập ở đây, chúng đã tiến hóa và mất đi khả năng chích. Những con sứa này đã giúp hồ nước độc đáo trên quần đảo Derawan xa xôi này trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Tuy nhiên, hệ sinh thái ở hồ Kakaban rất mong manh. Những động vật này dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu và số lượng du khách xâm chiếm nơi ở của chúng ngày càng tăng cao.
Sứa Mastigias Papua, loài sứa phổ biến nhất trong bốn loài sứa không nọc độc ở hồ Kakaban. Ảnh: New York Times. |
Khác với những loài sứa thông thường, những con sứa dễ tổn thương này sẽ là loài vật gặp nguy hiểm nếu va chạm với con người. Một con sứa bị thương sẽ có nguy cơ bị những con cá sống cùng hồ rỉa đến chết cao hơn những con sứa khác. Do đó, du khách được khuyến khích cử động chậm, nhẹ nhàng và không được phép sử dụng chân chèo khi bơi ở đây.
Tuy nhiên, số lượng sứa trong hồ lên đến vài triệu, vì vậy rất khó để tránh chạm vào chúng. Và khi địa điểm này trở thành nơi thu hút nhiều khách du lịch hơn, mối nguy hiểm đối với những con sứa này cũng tăng cao. Không phải tất cả du khách đến đây đều có ý thức bảo vệ môi trường.
Một nhóm gồm hơn 80 nhân viên của văn phòng thu thuế Indonesia đã đến hồ Kakaban để dã ngoại. Họ đến từ thành phố Tarakan ở tỉnh Bắc Kalimantan, cách khu vực này khoảng ba giờ đi thuyền.
Những người này mặc áo phao, tạo thành một vòng tròn khổng lồ trong hồ, nô đùa trong nước và hoàn toàn lãng quên những sinh vật xung quanh họ.
Trưởng nhóm của họ dùng loa cầm tay hét lên để sắp xếp đội hình chụp ảnh. Bức ảnh được chụp bằng một máy bay điều khiển từ xa. Một hướng dẫn viên lặn chứng kiến cảnh này đã nói với New York Times rằng bức ảnh đó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm con sứa.
Hình mẫu dự đoán khí hậu tương lai
Trên thế giới có khoảng 200 hồ nước mặn. Những hồ này được cung cấp nước từ hai nguồn, một phần nước mặn và một phần nước ngọt. Một loài sứa đặc biệt đã phát triển trong nhiều hồ nước như vậy. Vì không có bất kỳ động vật biển săn mồi nào khác trong hồ, những con sứa này không còn cần hệ thống phòng vệ tự nhiên của chúng. Những vết chích của chúng yếu đến nỗi người ta không thể cảm nhận được nó.
Du khách bơi với loài sứa không nọc độc trong hồ Kakaban, Indonesia. Ảnh: New York Times. |
Đối với các nhà khoa học, những hồ nước này đóng vai trò là hình mẫu để dự đoán những gì có thể xảy ra khi nước biển nóng lên vì biến đổi khí hậu.
“Nước những hồ này ấm hơn, nhiều axit hơn và ít oxy hơn”, ông Intan Suci Nurhati, một nhà nghiên cứu về khí hậu và đại dương tại Viện Khoa học Indonesia nói với New York Times.
Nhiều nghìn năm trước, hồ Kakaban là một đầm nước nối liền với biển. Tuy nhiên, trong thời kỳ nâng cao địa chất, hòn đảo đã được nâng lên tạo ra một hồ nước rộng 385.000 m2 và được bao quanh bởi một sườn núi cao hơn 400 m.
Hồ Kakaban vẫn được kết nối với đại dương thông qua các khe nứt dưới lòng đất, nhưng các khe hở này chỉ đủ để các sinh vật sống nhỏ nhất chui qua.
Hồ Kakaban là điểm thu hút khách chính của đảo Kakaban, một trong 30 đảo không có người ở trong quần đảo Derawan. Quần đảo này nằm ở biển Sulawesi, nơi được xem là một trong những điểm lặn biển tốt nhất thế giới với làn nước trong vắt cùng các sinh vật biển như cá đuối, rùa biển và cá mập voi.
Hồ Kakaban, điểm thu hút khách chính của đảo Kakaban, một trong 30 đảo không có người ở trong quần đảo Derawan, Indonesia. Ảnh: New York Times. |
Mặc dù vậy, hồ Kakaban không phải là nơi duy nhất ở Indonesia có những con sứa không nọc độc này.
Những hồ nước độc đáo
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 10 hồ nước mặn có sứa tiến hóa theo cách tương tự. Hai hồ đã được tìm thấy trong các đảo Raja Ampat của Indonesia, cách hồ Kakaban 970 km về phía đông nam.
Vào năm 2016, số lượng sứa trong hồ sứa nổi tiếng nhất thế giới ở Cộng hòa Palau đã bị sụt giảm nghiêm trọng do hạn hán và sự gia tăng độ mặn của môi trường sống. Điều này cho thấy chúng rất dễ bị tổn thương trước những biến động trong môi trường sống của chúng.
Trong khi loài sứa tiếp tục sinh sôi mạnh mẽ trên đảo Kakaban, hòn đảo này chỉ có hai cư dân: anh Suari, 28 tuổi và chú của anh, Jumadi, 48 tuổi. Gia đình họ sở hữu dải đất nơi du khách có thể đỗ thuyền và đi bộ trên lối đi bằng gỗ đến hồ sứa Kakaban.
Du khách tập trung trên một cầu cảng để chuẩn bị xuống hồ Kakaban. Ảnh: New York Times. |
Vào lúc cao điểm, mỗi ngày hòn đảo đón hàng trăm lượt khách du lịch. Và sau khi tất cả du khách rời đi, cuộc sống trên đảo trở lại với khung cảnh tĩnh lặng vốn có.
“Ở đây thật sự yên tĩnh”, ông Suari nói. “Chỉ có hai chúng tôi”.
"Tôi không quan tâm đến môi trường"
Trái lại, hòn đảo Maratua gần đó có khoảng 4.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo Bajau sinh sống. Những người Bajau có tổ tiên đến từ Philippines tám thế hệ trước là những thợ lặn biển sâu có danh tiếng trong vùng.
Ông Darmansyah, cựu trưởng làng Bohesilian ở Maratua, cho biết cư dân của đảo này chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá.
“Người Bajau không quan tâm đến nông nghiệp”, ông Darmansyah nói với New York Times. “Chúng tôi luôn hướng ra biển”.
“Tôi không đánh cá để kiếm sống nữa”, ông Darmansyah nói. Thay vào đó, giống như hầu hết cư dân khác trên đảo, ông rất hào hứng khi đầu tư vào du lịch trên đảo ngày càng tăng, bao gồm cả việc xây dựng một sân bay và một số khu nghỉ dưỡng mới.
Một công nhân đang xây dựng homestay ở đảo Maratua. Ảnh: New York Times. |
Cư dân đảo đang xây dựng hàng chục căn homestay để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Ông Darmansyah cũng đã xây dựng hai căn homestay như vậy.
Đảo Maratua có hai hồ nước mặn. Một trong số chúng là hồ Haji Buang, nơi từng có loài sứa đặc biệt như ở hồ Kakaban. Tuy nhiên, khoảng năm năm trước, chủ sở hữu của hồ Haji Buang, ông Hartono, đã nghĩ rằng mình có thể kiếm tiền nhanh chóng bằng cách nuôi hơn 30 con đồi mồi trong hồ.
Sau đó, ông Hartono mới phát hiện ra rằng việc bán mai của chúng là phạm pháp vì loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hơn thế nữa, những con sứa, thức ăn ưa thích của đồi mồi, đã gần như bị tiêu diệt ở hồ Haji Buang.
“Bây giờ tôi rất hối hận”, ông Hartono, 62 tuổi, nói với New York Times. “Hồ Haji Buang từng có nhiều sứa hơn cả hồ Kakaban, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nơi này có thể trở thành điểm du lịch”.
Ông cũng cho biết ông đang suy nghĩ làm thế nào để bắt những con đồi mồi thả ra biển với hy vọng rằng quần thể sứa trong hồ sẽ phục hồi.
Bến tàu đang được xây dựng dở dang trên đảo Maratua. Ảnh: New York Times |
Cơ quan du lịch tại Haji Buang đang chi hơn 40.000 USD để xây dựng các cơ sở vật chất như một cây cầu gỗ, bến tàu và chỗ ngồi có mái che.
Ông Hartono nói rằng ông không quan tâm đến việc bảo tồn thiên nhiên, nhưng ông đề cao việc của chính phủ đầu tư vào tài sản của ông. Ông sẽ không chặt cây hay xây nhà trên bờ hồ theo như mong muốn của các quan chức du lịch.
“Tôi thà xây dựng và phát triển nơi này”, ông nói và ném điếu thuốc xuống hồ. “Nếu cứ để nó như thế này, nó vẫn sẽ y nguyên như vậy”.