“Bạn không học thì người khác sẽ kiếm tiền thay”, “Đi chậm thì tiến bộ cũng chậm”, “Cơ hội biến mất chỉ sau ba tháng”, là những lời giới thiệu khóa học AI, đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc. Chúng không chỉ được sử dụng 1-2 lần, mà còn là khẩu hiệu chung để quảng bá nhiều khóa học chuyên đào tạo sử dụng và kiến thức chuyên môn về AI tổng hợp.
Nhu cầu tham gia các khóa học này tăng mạnh kể từ khi hàng loạt công cụ AI như ChatGPT, Midjourney ra đời. Một số doanh nghiệp thậm chí còn hứa hẹn sẽ giúp học viên truy cập phiên bản tính phí của AI tạo video Sora.
Bán khóa học dựa trên sự sợ hãi, lo lắng của học viên
Ở Việt Nam, không khó để tìm thấy các khóa học về ChatGPT trên mạng với những lời quảng cáo hấp dẫn như “trở thành chuyên gia AI dù bạn là người mới”, “từ con số 0 trở lên thành thạo ChatGPT chỉ trong nửa ngày”...
Những khóa học này thường sẽ do các website giáo dục trực tuyến như EduMall, Udemy… tổ chức. Mức giá của những chương trình này trải dài từ vài trăm nghìn đến 2 triệu đồng với trung bình khoảng 40-50 buổi học dưới dạng video quay sẵn. Giá càng cao, tổng thời lượng các buổi học càng nhiều, giáo trình bài giảng chuyên sâu hơn.
Tuy nhiên, những khóa học này đa số hướng dẫn cách thao tác công cụ AI, làm quen với giao diện cùng một vài câu lệnh cơ bản, thay vì dạy người học về tư duy, quy trình hay kỹ năng để làm chủ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
"Khóa học chỉ dừng ở mức độ phổ cập kiến thức, cho những người chưa từng nghe hoặc muốn tìm hiểu rõ AI là gì”, học viên Thanh Thảo của khóa học AI trên EduMall chia sẻ.
Ở Trung Quốc, câu chuyện về các khóa học AI “nói nhiều hơn làm” cũng không khác Việt Nam là mấy.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “lớp học AI” trên Taobao, bạn sẽ thấy hơn 4.000 sản phẩm liên quan. Trong khi trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, các tài liệu dạy học liên quan đến AI được bán với giá từ 99-999 nhân dân tệ (14-139 USD).
Các khóa học AI nhan nhản trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Đa số khóa học sẽ có các video hướng dẫn về các ứng dụng AI tổng hợp, giảng dạy các kỹ năng như chỉnh sửa video, thiết kế sản phẩm và cách học tập hiệu quả bằng các công cụ AI, theo Sixth Tone.
Thị trường khóa học AI nở rộ là vậy, nhưng gần đây đã bị siết chặt, sau chiêu trò marketing gây tranh cãi của Lý Nhất Chu - người nổi tiếng trong lĩnh vực dạy AI trực tuyến.
Các chuyên gia cáo buộc Lý lợi dụng tâm lý FOMO của người dùng, mồi chài bằng những lời hứa hẹn không thực về lợi nhuận dễ dàng có được từ AI. Họ cũng đặt đặt câu hỏi về chất lượng và độ tin cậy của các khóa học này.
Câu chuyện bắt đầu khi một meme so sánh Lý Nhất Chu với CEO Sam Altman của OpenAI rầm rộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Họ gọi đây là “hai gã khổng lồ AI”, một ở Trung Quốc và một ở Mỹ.
Ngay sau đó, hashtag “cách chuyên gia AI Lý Nhất Chu kiếm bộn tiền bằng lưu lượng” đã thu hút hơn 3,3 triệu lượt xem trên Weibo. “Anh ta chỉ giỏi bán khóa học, tạo ồn ào và lợi dụng lo lắng của bạn, bằng những câu như 'Nếu bạn không học về AI hôm nay, AI sẽ giết bạn vào ngày mai”, một chuyên gia nói.
Cư dân mạng bắt đầu nghi ngờ và chỉ trích chất lượng các khóa học và độ uy tín của Lý Nhất Chu. Mặc dù Lý tự hào có bằng tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, chuyên môn của anh trên thực tế là thiết kế nghệ thuật chứ không phải AI.
Khi tranh cãi ngày một căng thẳng, các nền tảng WeChat và Douyin dần xóa các lớp học AI của anh do “vi phạm các quy tắc” khiến tài khoản của anh bị tạm khóa, Sixth Tone đưa tin.
Đổ xô chạy theo cơn sốt AI để kiếm bộn tiền
Một trong những khóa học bán chạy nhất của Lý là “AI dành cho mọi người”. Với 40 buổi, khóa học được bán với giá 199 nhân dân tệ (27 USD), mang về doanh thu gần 50 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD). Khóa học hướng đến người mới bắt đầu, chủ yếu là các bài hướng dẫn cách sử dụng các ứng dụng AI tổng quát trong tình huống hàng ngày, ít đề cập đến lý thuyết hay phân tích công nghệ.
Li cũng cung cấp một khóa học cao cấp với giá 1.980 nhân dân tệ cho “Yizhou Intelligence”, một nền tảng chỉ dành cho thành viên với nhiều công cụ AI tổng quát tính phí khác.
Chia sẻ với Sixth Tone, Liang Houliang - người đã mua khóa học AI của Lý vào năm ngoái - cho biết nó chỉ cung cấp kiến thức cơ bản. Mặc dù vậy, khóa học này vẫn có khá hữu ích cho những người muốn học các kỹ năng AI để vận dụng thực tế.
“Quả thực, anh ta đã kiếm tiền từ nỗi sợ hãi và lo lắng của nhiều người. Nhưng nếu không có ai đó làm việc này, nhiều người sẽ không chú ý đến những công cụ AI và không biết cách sử dụng chúng để nâng cấp bản thân và tạo ra những thay đổi thực chất”, Liang nói.
Ở Trung Quốc, Lý không phải là người nổi tiếng duy nhất tận dụng cơn sốt AI để kiếm lời. Sự bùng nổ của những nội dung do AI tạo ra đã khiến hàng loạt KOL đổ xô chia sẻ kiến thức. Mỗi người lại đưa ra một cách tiếp cận độc đáo của riêng mình để bán khóa học liên quan đến AI.
Tiêu biểu như Mr.He với hơn 7 triệu người theo dõi trên Douyin, Zhang Shitong với 2,5 triệu người theo dõi và Captain Wang với hơn 230.000 người theo dõi.
Để bán khóa học AI, nhiều người không ngại kích thích nỗi sợ, sự lo lắng từ người học để khiến họ bỏ tiền mua bài giảng. Ảnh: New York Times. |
Captain Wang bán khóa học AI với giá 999 nhân dân tệ trên Douyin, gồm 58 buổi học nói về tầm quan trọng của AI và cách sử dụng nó trong kinh doanh, công việc và giáo dục. Tháng trước, doanh thu khóa học của Wang đạt 2,5 triệu nhân dân tệ, theo Feigua Data.
Cũng là một người mở lớp học AI về Midjourney và Stable Diffusions, nhưng Li Shifeng sớm nhật ra một nghịch lý trong cơn sốt các khóa học AI hiện nay. Mặc dù lo lắng, nhiều người vẫn không biết mình cần loại khóa học AI như thế nào.
“Khi nền kinh tế chậm tốc trong những năm gần đây, mong muốn học hỏi các kỹ năng mới của người dân ngày càng tăng. Họ đang tìm mọi cách để giảm bớt lo lắng về tài chính bấp bênh và tương lai mờ mịt của mình”, anh nói.
Theo Li Shifeng, việc sử dụng các chiêu trò gây lo lắng và khoe khoang thành tích cá nhân là một chiến lược phổ biến trong ngành giáo dục, hòng thu hút sự chú ý của người dùng.
Hầu hết chuyên gia như Lý Nhất Chu đều tự hào về bằng cấp kinh doanh ấn tượng, liên kết với các trường đại học danh tiếng, các dự án kinh doanh thành công và xuất thân ưu tú. Điều này đã giúp thu hút hàng nghìn người theo dõi. Họ bị cuốn hút vào những câu chuyện vượt khó để thành công.
Nhưng khi khóa học của Lý Nhất Chu bị chỉ trích, những cái tên nổi bật khác cũng bị siết chặt quản lý để tránh gây tranh cãi.
Tài khoản video WeChat của Mr.He, trước đây vốn bán tài liệu dạy học, hiện đã bị khóa. He và Zhang đã xóa các khóa học liên quan đến AI của họ khỏi Douyin, mặc dù các tài liệu này vẫn còn bán trên nền tảng bán đồ cũ Xianyu.
Theo Li Shifeng, trải nghiệm trực tiếp là chìa khóa để hiểu được giá trị của AI. “Mục tiêu của việc sử dụng AI phải là thu hẹp khoảng cách thông tin chứ không phải để khai thác, kiếm lợi từ nó”, anh nói với Sixth Tone.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.