Trước ngày bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump giảm sút, những cử tri trẻ tràn đầy năng lượng để đi bỏ phiếu, và đảng Cộng hòa có vẻ gần như chắc chắn sẽ mất thế đa số tại Hạ viện.
Chừng đó đã đủ khiến các thành viên đảng Dân chủ lo lắng, khổ sở.
Bị ám ảnh bởi ký ức về mùa bầu cử năm 2016 (khi bà Hillary cũng tưởng chừng chắc thắng trước ông Trump), những người theo đường lối tự do trên khắp nước Mỹ đang đứng ngồi không yên trong chặng nước rút của chiến dịch tranh cử sẽ ngã ngũ vào ngày 6/11.
Họ nghi ngờ những kết quả thăm dò nghiêng về phía họ và chuẩn bị những kế hoạch khác cho đêm bầu cử sắp tới trong trường hợp nỗi sợ lớn nhất của họ trở thành sự thật. Một số nói đã gặp ác mộng thực sự về sự thất bại của đảng Dân chủ.
Trong mơ vẫn ám ảnh
"Chúng tôi giờ kiểu như đang ở trong giai đoạn đái dầm ban đêm", ông John Anzalone, một người tổ chức thăm dò bầu cử thuộc đảng Dân chủ, từng làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton năm 2016, chia sẻ. Ông có mặt tại phòng tác chiến của bà Clinton ở Manhattan, New York, trong đêm bầu cử 8/11 hai năm trước.
Hai năm sau, ngay cả việc nghĩ về viễn cảnh nỗi thất vọng ê chề trong đêm đó lặp lại đã là quá sức chịu đựng với nhiều người Dân chủ.
Vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt những người tham gia sự kiện đêm bầu cử của bà Hillary Clinton tại Trung tâm Hội nghị Jacob K. Javits ở New York vào ngày 8/11/2016. Ảnh: Getty. |
"Hãy ngăn chặn điều đó!", ông Nadeam Elshami, cựu chánh văn phòng của lãnh đạo thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi, trả lời khi được hỏi về khả năng đó. Thực tế, khả năng đó đã ám ảnh ông cả trong những giấc mơ theo đúng nghĩa đen.
Ông Elshami, hiện là một nhà vận động hành lang ở Washington, nói rằng sau khi thức khuya để đọc tin tức về chiến dịch tranh cử và kết quả thăm dò vào một đêm nọ gần đây, ông đã nằm mơ thấy mình đang xem kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện căng thẳng. Trong giấc mơ, đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Hạ viện, nhưng ông không xem đó là lời tiên tri, và ông nói sự lo lắng trước bầu cử của ông năm nay nhiều hơn bao giờ hết.
Ông Anzalone nói cú sốc trước chiến thắng đầy tranh cãi của ông Donald Trump, điều mà hầu hết dự báo trước bầu cử không chỉ ra được, vẫn là đám mây đen lơ lửng trên đầu nhiều thành viên đảng Dân chủ. "Có vài người mắc phải chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)", ông nói.
Đó không phải là nói quá. Một nghiên cứu được công bố tháng trước trên tạp chí Journal of American College Health (Sức khỏe Sinh viên Mỹ) cho thấy một phần tư sinh viên đại học tại Mỹ có những triệu chứng sang chấn tâm lý "nghiêm trọng về mặt lâm sàng" vì kết quả bầu cử năm 2016.
Tại Đại học Vassar ở bang New York, những sinh viên theo đảng Dân chủ sẽ dời buổi tiệc theo dõi kết quả bầu cử của họ đến nơi mới vì lo lắng rằng việc ghé lại địa điểm nơi họ từng chứng kiến kết quả gây thất vọng vào năm 2016 sẽ khiến một số sinh viên cảm thấy quá sức chịu đựng. Tại Đại học Brown ở bang Rhode Island, sinh viên cũng làm tương tự sau khi chứng kiến cảnh "hồi tưởng tập thể" về chiến thắng của ông Trump trong một buổi họp bàn chuẩn bị cho đêm bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra.
Chim sợ cành cong
Một cuộc thăm dò của AP/MTV hồi tháng 9 cho thấy 61% thành viên đảng Dân chủ tuổi từ 15 đến 34 cho biết họ cảm thấy lo lắng về bầu cử giữa kỳ, tăng 22 điểm phần trăm so với tháng 7.
Song hội chứng căng thẳng trước bầu cử giữa kỳ không chỉ ảnh hưởng đến giới trẻ. Một cuộc khảo sát của YouGov công bố hôm 2/11 cho thấy khả năng đảng viên Dân chủ cho biết họ đang "ăn để đỡ buồn" trước bầu cử giữa kỳ cao hơn 50% so với đảng viên Cộng hòa. Các cuộc thăm dò khác gần đây cũng cho thấy mức độ căng thẳng cao trong đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 6/11.
Ông Beto O’Rourke, ứng viên Dân chủ cho ghế thượng nghị sĩ đại diện bang Texas, vận động bầu cử ở Dallas. Ảnh: New York Times. |
Đối với nhiều người Dân chủ bị tổn thương, việc tiến đến ngày 6/11 giống như bay trở lại sau khi sống sót trong một vụ tai nạn máy bay. Một số người nói rằng nguy cơ thậm chí còn cao hơn năm 2016: Ông Trump giành chiến thắng về phiếu đại cử tri, dù thua hơn 3,5 triệu phiếu phổ thông, khi ông vẫn là một người mới của chính trường. Họ nói sẽ hết sức đáng sợ nếu người Mỹ không thể kìm hãm ông ấy sau hai năm ông lãnh đạo theo kiểu hoang tưởng tự đại.
"Tôi đủ lớn tuổi để nhớ lúc tờ New York Times nói bà Hillary Clinton có 85% cơ hội chiến thắng trong đêm bầu cử và bị sang chấn bởi 'cây kim bầu cử' của New York Times", ông Ezra Levin, đồng tổ chức chống Trump mang tên Indivisible (Không thể chia cắt), cho biết. Anh đã cùng vợ, chị Leah, lập ra tổ chức này nhằm cung cấp chỉ dẫn cho việc phản kháng chương trình nghị sự của tổng thống Mỹ thứ 45, sau cuộc tụ tập theo dõi bầu cử trở thành bữa tiệc tại gia tệ hại nhất trong đời họ.
Nhiều người xem việc nói về chiến thắng của đảng Dân chủ vào ngày 6/11 là điềm gở, hay tệ hơn là họ dùng điều này làm cái cớ cho sự thờ ơ.
Trong chương trình "Late Show" tuần trước, khi lãnh đạo thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi dự đoán rằng đảng Dân chủ "sẽ giành quyền kiểm soát" Hạ viện, người dẫn chương trình - diễn viên hài Stephen Colbert lo rằng bà có thể mang lại điều xui rủi cho kết cuộc, "nói trước bước không qua".
"Xin đừng nói thế", ông Colbert đáp lời. "Bà có muốn nói điều đó trên chiếc xà lan chở pháo hoa mà bà Hillary cuối cùng phải bỏ đi không?" (Đội ngũ của bà Clinton đã chuẩn bị một màn bắn pháo hoa để chúc mừng chiến thắng được trông đợi của bà).
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện Mỹ, tham gia chương trình của Stephen Colbert. Ảnh: CBS. |
Có lẽ phản ánh tâm lý "chim sợ cành cong", các lãnh đạo quốc gia đảng Dân chủ vẫn chưa công bố kế hoạch cho đêm bầu cử. Năm 2006, lần cuối cùng họ tổ chức chiến dịch tranh cử giữa kỳ khi tổng thống đương nhiệm không được ủng hộ, họ ăn mừng chiến thắng vang dội bằng bữa tiệc xuyên đêm với quầy bar ngoài trời, nơi hơn 1.000 người chiếm lĩnh hai phòng tiệc lớn của khách sạn Hyatt Regency ở Đồi Capitol tại Washington D.C.
Những tình huống xấu nhất
Đảng Dân chủ vẫn còn nhiều kịch bản tình huống xấu nhất để băn khoăn. Mặc dù bản đồ bầu cử Hạ viện đang có lợi cho đảng Dân chủ, việc kiểm soát cơ quan này chung quy phụ thuộc vào khoảng 30 cuộc đua ngang sức mà cơ hội cho mỗi bên là 50/50. Giả sử các cuộc thăm dò không mắc lỗi hệ thống, đảng Cộng hòa sẽ phải giành được gấp đôi số chiến thắng so với đảng Dân chủ trong các cuộc đua 50/50 để duy trì quyền kiểm soát Hạ viện, một thành tích khó đạt được nhưng không phải không thể đạt được.
Cử tri trẻ và cử tri thuộc các nhóm thiểu số - những nhóm có lượng người đi bỏ phiếu giảm đáng kể trong các năm bầu cử giữa kỳ - đang tỏ ra hăng hái hơn bình thường trong mùa bầu cử năm nay, nhưng nếu lượng người đi bầu chỉ dừng ở mức phổ thông, đảng Dân chủ có thể thua cuộc.
Trong khi đó, thăm dò cho thấy khả năng đảng Dân chủ giành lại Thượng viện từ đảng Cộng hòa khá ảm đạm, nghĩa là chỉ cần hai chục đến ba chục cuộc đua ở Hạ viện là đủ để quyết định liệu đảng Dân chủ có quyền lực lập pháp và giám sát thực sự trong hai năm tới hay không.
Một nhân tố khó lường quan trọng khác là nhóm cử tri mới và bất thường, những người đã bầu cho ông Trump vào năm 2016 - một nhóm mà những nhà thăm dò hành vi thấy khó dự đoán. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người sẽ đi bầu khi tên ông Trump không có trên lá phiếu năm nay, nhưng tổng thống đã bỏ nhiều công sức chiêu dụ nhóm này, và nếu lượng người đi bỏ phiếu cao, đảng Cộng hòa có thể có được kết quả tốt hơn mong đợi.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử sớm. Ảnh: New York Times. |
Đảng Dân chủ cũng đang khổ sở trước những mối đe dọa kỳ lạ mà họ chưa bao giờ phải lo lắng trước đây - bao gồm cả viễn cảnh về sự can thiệp không bị phát hiện từ nước ngoài. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew gần đây cho thấy đảng viên Dân chủ căng thẳng hơn nhiều so với đảng viên Cộng hòa vì nguy cơ hệ thống bỏ phiếu có thể bị tấn công.
Tất cả những lo lắng đó thực sự mang lại ánh sáng cuối đường hầm cho phe cánh tả: động lực.
"Có cảm giác rằng chúng tôi đang thua cho đến khi chúng tôi giành chiến thắng", ông Levin, người đã đến thăm các nhà hoạt động đang vận động tranh cử trên khắp nước Mỹ, nói. "Không ai trong số người tôi đã nói chuyện tỏ ra tự tin và dự kiến giành thắng lợi. Người nào cũng không tin kết quả các cuộc thăm dò, không tin rằng phần thắng đã nằm chắc trong túi họ".
Đối với các đảng viên Dân chủ bị ám ảnh bởi "những bóng ma của năm 2016" như vậy, ông Anzalone dự đoán rằng "Thứ Ba sẽ là một câu thần chú để trừ tà".