Theo Bloomberg, các nhà quản lý tiền tệ tại JPMorgan Asset Management và Fivestar Asset Management tin rằng đà tăng của đồng USD vẫn chưa kết thúc, ngay cả khi chỉ số USD - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã rơi xuống mức thấp nhất một tháng vào ngày 27/10.
Đồng USD yếu đi giúp đồng bảng Anh và euro hưởng lợi. Lần đầu tiên kể từ giữa tháng 9, đồng tiền chung châu Âu được giao dịch trên ngưỡng 1 USD đổi 1 euro. Trong khi đó, bảng Anh ở mức cao nhất so với USD trong vòng hơn một tháng.
Đồng euro và bảng Anh sụt giảm so với USD trong vòng những tháng qua. Ảnh: Trading Economics. |
Đà tăng đã chấm dứt?
Các dấu hiệu cho thấy việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất đang phát huy tác dụng. Điều này có thể tạo sức ép buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải giảm tốc độ thắt chặt chính sách.
Hôm 27/10, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thông báo tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng thứ 3 liên tiếp trong năm nay. Điều này thúc đẩy đồng euro mạnh lên so với USD.
Nhưng theo các nhà đầu tư, đồng bạc xanh vẫn được hỗ trợ bởi quan điểm thắt chặt của Fed, lo ngại về suy thoái toàn cầu và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng ở châu Âu.
Fed chưa kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Còn nền kinh tế Mỹ dường như vẫn chống chịu tốt hơn những nền kinh tế khác
Ông Iain Stealey, Giám đốc đầu tư quốc tế về thu nhập cố định tại JPMorgan
"Ở thời điểm hiện tại, rất khó để tìm ra nguyên nhân khiến đồng USD giảm kể từ giờ", ông Iain Stealey, Giám đốc đầu tư quốc tế về thu nhập cố định tại JPMorgan, nhận định.
"Fed chưa kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Còn nền kinh tế Mỹ dường như vẫn chống chịu tốt hơn những nền kinh tế khác", ông lập luận.
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao biến động của đồng USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất ít hơn dự kiến hôm 26/10. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng những ngân hàng trung ương khác sẽ không quyết liệt như Fed trong cuộc đua lãi suất.
USD đã mạnh lên trong 4 tháng qua, khiến giá trị của các tiền tệ khác rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với USD. Chi phí nhập khẩu ở những quốc gia đang phát triển cũng tăng vọt.
Sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên buộc giới chức phải vào cuộc. Các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản đến Chile phải can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ, dù hiệu quả không cao.
Sự chú ý dồn vào Fed
Chuỗi tăng kéo dài của đồng USD khiến một số chuyên gia kinh tế tin rằng đà tăng sắp chấm dứt, trong đó có bà Ayako Sera của Sumitomo Mitsui Trust Bank.
"Cần thời gian để biết liệu đồng USD đã đạt đỉnh hay chưa. Nhưng các điều kiện cho thấy đà tăng chuẩn bị chấm dứt", bà bình luận. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot hôm 27/10 tăng 0,1%, ghi nhận phiên tăng đầu tiên trong 3 ngày.
Ông Win Thin - Trưởng bộ phận Chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman & Co (có trụ sở ở New York) - tin rằng đồng USD có thể điều chỉnh giảm trước cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.
"Nhưng bối cảnh hiện tại vẫn có lợi cho đồng USD", vị chuyên gia nói thêm.
Các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản đến Chile phải can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ trước sức ép của đồng bạc xanh. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả các quan chức Fed cũng chia rẽ về kế hoạch tăng lãi suất. Ông Patrick Harker - Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia - cho rằng cơ quan hoạch định chính sách Fed có khả năng tăng lãi suất lên trên mức 4% trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Charles Evans - Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - cho rằng việc tăng lãi suất "có thể tốn kém". Ông thừa nhận các chính sách đến nay vẫn khá bấp bênh.
Còn ông Hideo Shimomura - Giám đốc danh mục cấp cao tại Fivestar Asset Management - cho rằng hiện tại vẫn chưa phải lúc đà tăng của đồng bạc xanh chấm dứt.
"Tôi không cho rằng một bước ngoặt với đồng USD sẽ xảy ra vào lúc này. Mọi thứ vẫn chưa rõ ràng cho đến khi chúng ta chắc chắn hơn về việc Fed mạnh tay đến đâu", ông nói thêm.