Ngày 25/6, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của MTTQ Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo diễn ra cùng với thời gian xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Linh (cựu Viện phó VKS TP Đà Nẵng) về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Đây được coi là vụ án điển hình cho thực trạng xâm hại trẻ em báo động thời gian qua. Vụ án còn gây nhiều hiệu ứng bức xúc trong xã hội bởi người có hành vi dâm ô lại là cựu lãnh đạo của một cơ quan tư pháp.
Phải xử lý kịp thời các vụ xâm hại
Ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết với các vụ xâm hại trẻ em, khi nhận được tin, nhiều lãnh đạo xã cho công an xã, nhiều lực lượng xuống xác minh ngay. Nhưng thực tế, Tổng đài 111 về bảo vệ trẻ em dù được quy định trong luật, có vị thế pháp lý ở Nghị định 156 của Chính phủ lại không được nhiều người biết đến.
Ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ảnh: Kỳ Anh. |
Nhắc đến phiên tòa xét xử cựu cán bộ Viện kiểm sát Nguyễn Hữu Linh diễn ra sáng cùng ngày tại TAND quận 4, TP.HCM, Cục trưởng Đặng Hoa Nam chia sẻ đây là vụ án mà người dân rất quan tâm. Ngày hôm trước, ông có tiếp nhận thông tin từ báo chí về việc trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ sẽ cùng mặc áo in số tổng đài 111 đến đứng ngoài để theo dõi phiên tòa, dù đây là phiên xét xử kín.
“Điều này khiến tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì vấn đề được các bạn trẻ quan tâm, lo vì có thể thế lực lợi dụng đẩy quá lên”, ông Nam chia sẻ.
Cũng từ vụ ông Nguyễn Hữu Linh, bà Nguyễn Thị Thanh Hoà (Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng việc xử lý chưa kịp thời. Đến khi Ủy ban Tư pháp họp đề nghị giải trình vì sao 20 ngày rồi chưa xử được thì các bên liên quan mới có động thái tiếp theo.
Theo bà Hòa, trong tình huống chưa xử lý được cũng phải thông tin rõ. Vì chậm trễ nên Chi hội trưởng Bảo vệ trẻ em ở TP.HCM phải tiếp rất nhiều người, thậm chí bị xỉ vả, chửi mắng.
“Không xử kịp thời sẽ tạo ra mặt trái là ảnh hưởng chung đến trật tự an toàn xã hội”, bà Hòa nói và đề nghị MTTQ giám sát những vụ việc xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Đại tá Phạm Mạnh Thường (Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an). Ảnh: Kỳ Anh. |
Cung cấp thêm thông tin, đại tá Phạm Mạnh Thường (Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết phiên xét xử với ông Linh sáng cùng ngày là phiên xử kín. Ông Linh vi phạm là một chuyện nhưng vợ con ông này là người tốt, công dân tốt.
"Tuy nhiên, vì sự việc mà có cháu đang đi học phải tạm nghỉ ở nhà", đại tá Thường cho hay.
Trước đó, sau khi clip ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP.HCM được lan truyền, nhiều người quá bức xúc đã bày tỏ thái độ bằng cách tìm đến nhà “khủng bố” gia đình, trong đó có vợ con ông này bằng cách ném chất bẩn, xịt sơn và nhà và có những lời lẽ xúc phạm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Điều tra bổ sung vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em
Sáng cùng ngày, sau hơn 2 giờ xét xử kín bị cáo Nguyễn Hữu Linh (cựu Viện phó VKS TP Đà Nẵng) về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi, TAND quận 4 quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án.
Theo tòa, toàn bộ lời khai tại cơ quan điều tra, tại biên bản giao nhận kết luận điều tra, biên bản hỏi cung bị can và cáo trạng, Nguyễn Hữu Linh thừa nhận hành vi ôm, hôn bé gái ở thang máy chung cư Galaxy 9 ngày 1/4 tổng cộng 3 lần là sai phạm.
Bị cáo Nguyễn Hữu Linh rời tòa sáng nay trong vòng vây của báo chí. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tuy nhiên, ông Linh không nhận tội vì cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo Bộ luật Hình sự 2015.
Tòa cho rằng cáo trạng của VKS quận 4 không mô tả hành vi khách quan của Nguyễn Hữu Linh đã thực hiện là thiếu sót.
Bên cạnh đó, tòa cũng yêu cầu làm rõ kết luận giám định của vụ án về vị trí bàn tay trái của ông Linh di chuyển. Cụ thể, làm rõ kết luận giám định lúc 21 giờ 10 phút 11 giây, bàn tay trái của Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của bé gái hay không.
Tòa cũng nhận định việc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM giải thích “rất có thể bàn tay trái của ông Linh đã chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của bé gái” là chủ quan, chưa rõ ràng.