Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Còn nhóm lợi ích, bảo kê cho vi phạm

Thẩm tra báo cáo về phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp khẳng định còn có biểu hiện nhóm lợi ích, móc ngoặc hoặc người có chức vụ bảo kê, bao che cho vi phạm…

Sáng 26/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 (PCTN).

“Với những nỗ lực không ngừng kể từ đầu nhiệm kỳ XII, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”, ông Khái nêu.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra.

82 người thiếu trách nhiệm

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đều được xem xét để xử lý theo quy định.

“Trong năm có 82 người đứng đầu, cấp phó bị kết luận thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng. Trong đó có 69 người đã bị kỷ luật - tăng 39 người so với năm 2019, và 12 người bị xử lý hình sự”, ông Khái thông tin.

bao ke cho toi pham anh 1

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Ảnh: Hải Quân.

Bình Thuận là địa phương có số lượng người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật nhiều nhất (23 người). Về phía bộ, ngành, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đứng đầu danh sách, mỗi bộ có 4 người bị xử lý kỷ luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan đã kịp thời tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Báo cáo dẫn chứng trường hợp cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến… Ngoài ra, còn có 8 trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do có xung đột lợi ích.

Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng”. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng…

Móc ngoặc tạo nhóm lợi ích

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được, song cho rằng công tác phòng ngừa PCTN vẫn còn những hạn chế nhất định.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện nhóm lợi ích, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn bảo kê, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu.

bao ke cho toi pham anh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Hải Quân.

Bên cạnh đó còn có tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng như vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)…

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở một số bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.

“Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy vừa qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm 'thần tốc'; bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch… gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Trong giải quyết các vụ án tham nhũng, Ủy ban Tư pháp phản ánh vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận”.

Điển hình như vụ bị can Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam...

Báo cáo thẩm tra cũng lưu ý còn tình trạng tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo cơ quan thẩm tra, đây là những vấn đề cần được Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.

12 người bị xử hình sự vì để xảy ra tham nhũng

Trong kỳ báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2020, hơn 80 người đứng đầu bị kết luận "thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng", 12 trường hợp bị xử lý hình sự.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm