Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 500 người phạm tội tham nhũng

Đưa ra nhiều con số đáng lo ngại, Bộ Công an đồng thời cảnh báo nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia.

Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm năm 2020 của Chính phủ. Báo cáo được tính trong khoảng thời gian từ 1/10/2019 đến 31/7/2020.

Trình bày báo cáo, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết năm 2020, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.

Tuy nhiên, theo tướng Vương, an ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng.

Thủ đoạn của tội phạm tham nhũng, chức vụ

Về tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ hơn 33.000 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, khởi tố hơn 20.000 vụ. Lực lượng công an triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm “tín dụng đen”.

thu doan cua toi pham tham nhung anh 1

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết lực lượng công an đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại trong năm 2020. Ảnh: Anh Thư.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 38.506 vụ phạm pháp về trật tự xã hội.

Đáng lưu ý, tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng, nhất là giết người thân với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn.

Nhận định số vụ giết người, cướp tài sản giảm (28 vụ, giảm 15,15%), song theo lãnh đạo Bộ Công an, hành vi gây án manh động, liều lĩnh hơn, khiến người dân bất an, lo lắng. Điển hình như vụ Lê Quốc Tuấn (Tuấn “Khỉ”) sử dụng vũ khí quân dụng bắn chết 5 người; vụ Đỗ Văn Minh giết người, đốt xác để trục lợi bảo hiểm ở Đắk Lắk; vụ Phạm Thanh Tâm giết nhà sư, phật tử, cướp tài sản tại Bình Thuận.

Tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen” giảm 467 vụ nhưng Thứ trưởng Bộ Công an cho biết một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến các băng nhóm hoạt động thời gian dài không bị phát hiện.

Dẫn chứng cho tình trạng này, Bộ Công an nhắc đến băng nhóm vợ chồng Nguyễn Xuân Đường tại Thái Bình, vợ chồng Lý Thị Loan (Loan “Cá”) tại Đồng Nai...

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%); khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can; gồm 228 vụ/492 bị can phạm tội về tham nhũng, 23 vụ/158 bị can phạm tội về chức vụ.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm. Thủ đoạn tội phạm thường dùng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Bộ Công an dẫn chứng cho nhận định này qua vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đến nay đã khởi tố 19 bị can nguyên là giám đốc doanh nghiệp và lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Tương tự là vụ vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí 141 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần vận tải và thương mại Veam; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty tài chính cao su, Công ty Minh Hằng ở Bình Dương gây thiệt hại 67 tỷ đồng; vụ cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình “lạm quyền” trong việc giúp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường thay đổi kết quả các dự án đấu thầu đất đai để trục lợi…

Đặc biệt, Bộ Công an cảnh báo nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Hơn 5.700 người chết vì tai nạn giao thông

Về công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thứ trưởng Bộ Công an nhắc đến Nghị định 100 của Chính phủ và cho biết lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước hơn 2.600 tỷ đồng, góp phần làm giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (giảm 12,44% số vụ, giảm 12,35% số người chết, giảm 13,06% số người bị thương).

thu doan cua toi pham tham nhung anh 2

Hiện trường vụ tai nạn xe khách tại Quảng Bình ngày 26/7 làm 15 người chết. Ảnh: Văn Được.

Tuy nhiên, Bộ Công an đánh giá tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều với gần 13.000 vụ, làm chết hơn 5.700 người và bị thương hơn 9.800 người. Trong khi đó, tình trạng người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chống lại lực lượng thi hành công vụ, nhất là lực lượng CGST diễn ra nghiêm trọng.

Dù có nhiều nỗ lực trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số thiếu sót, còn sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động.

Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến nhưng xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, làm ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước trong một số lĩnh vực. Đặc biệt, hoạt động điều tra, xử lý tội phạm còn có vi phạm.

Dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021, Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

12 người bị xử hình sự vì để xảy ra tham nhũng

Trong kỳ báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2020, hơn 80 người đứng đầu bị kết luận "thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng", 12 trường hợp bị xử lý hình sự.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm