Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con nhà hoàng tộc theo kháng chiến

Nhìn Hảo Thư trằn trọc bỗng nghĩ đến lúc mình nằm trên giường nệm, khăn trải giường trắng tinh không một vết gợn, với chiếc gối bằng lông ngỗng.

[…]

Chúng tôi ngủ tại nhà dân, sáng sáng đến Quân Y vụ làm. Tôi được cấp một quyển sổ to tướng, trong đó ghi tên người bị thương, số hiệu, nơi bị thương, tình trạng bị thương, được đánh số từ 1 đến 8 tùy theo vết thương nặng nhẹ. Có trường hợp tử vong thì gạch tên bằng bút chì đỏ.

Do tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, sổ liệt kê của tôi chi chít những nét gạch đỏ. Nếu gia đình tử sĩ ở xa quá, xác phải chôn tại nghĩa địa của làng. Cũng có những gia đình lặn lội đến xin xác con về. Những buổi nhận xác là những cảnh đớn đau.

Những thương binh lành vết thương được giao về ở trong nhà dân. Nhiều mối tình giữa con gái chủ nhà và anh lính trẻ đã diễn ra. Tôi biết vài trường hợp tuyệt vời như thế.

Chỉ có thể nói với các bạn rằng, những đêm trăng sáng ở Bạch Ngọc với những bụi hoa nhài trắng muốt như sữa, hương thơm lan tỏa, muốn đi dạo chơi phải nhớ đằng hắng thật to hoặc giả vờ ho để tránh gặp những cảnh anh chị ôm ấp nhau trong đêm...

Có khi chúng tôi được phái đến những bệnh viện khác trong liên khu để kiểm kê. Lại có dịp gặp bạn bè đồng lứa, đồng tuổi cũng từ trường Khải Định, Đồng Khánh Huế ra đi. Một đêm, Hảo Thư và tôi phải đến một bệnh viện ở phía bên kia sông Bạch Ngọc. Đêm đã khuya, gặp một quán dọc đường, chúng tôi mở liếp che.

Quán trơ trọi, chỉ có những thanh tre ghép đôi làm ghế. Hai chúng tôi nằm chênh vênh trên hai thanh tre, phân công nhau đứa ngủ, đứa thức.

Nhìn Hảo Thư nằm trằn trọc bỗng nghĩ đến lúc mình nằm trên giường nệm, khăn trải giường trắng tinh không một vết gợn, với chiếc gối bằng lông ngỗng... Thư cũng con nhà hoàng tộc, cũng đã rời bỏ tất cả để đi kháng chiến.

Có nhiều lần, trở về quá khuya, dân Bạch Ngọc đã khóa hàng rào chống Pháp quanh làng, hai đứa phải ngủ ngồi ngoài bến sông. Nếu cả gan gọi cửa thì rất sợ hoặc sẽ bị du kích bắn tỉa trong đêm tối, hoặc sợ cho Bạch Ngọc rất dữ, lúc nào cũng sẵn sàng lao ra cắn.

Ganh ganh... gong gong... anh 1

Tác giả, đạo điễn Xuân Phượng. Ảnh: Q.M.

Một ngày nọ, chúng tôi phải theo bác sĩ H.V.B. đi làm việc ở một trạm quân y khá xa. Những nét gạch đỏ báo hiệu số lượng tử vong ngày càng nhiều tại trạm quân y này.

Khoảng bốn giờ chiều ngày làm việc thứ hai, bác sĩ H.V.B. quyết định trở về Bạch Ngọc. Thư nói: “Thưa bác sĩ, bây giờ trễ quá rồi. Tám giờ tối nay không đến kịp Bạch Ngọc trước giờ đóng cổng làng đâu”. Người chèo đò cũng đồng tình. Nhưng lệnh trên không được đi, chúng tôi phải xuống đò, rời bến.

Đò chật chội, gồm gia đình con cái người lái đò và ba chúng tôi. Khi đến Bạch Ngọc, trời đã tối đen. Đành phải ngủ đò. Bỗng tôi giật mình, một bàn tay đang sờ soạng trên ngực tôi.

Tiếng bác sĩ H.V.B thì thào: “Em ngoan, để cho anh!”. Hơi thở ông nồng nặc mùi rượu. Tôi đập mạnh vào tay ông ta và cố thoát vùng dậy. Thư cũng tỉnh giấc: “Mi đừng hét to, mất mặt lão ấy là tụi mình chết”.

Ông ta có vẻ chững lại, nhưng chỉ vài phút sau lại mon men đến gần. Tôi hét lên: “Thà chết còn hơn” và nhảy ùm xuống sông. Thư cũng nhảy theo.

Rất may là sông Bạch Ngọc nước cũng lặng, người lái đò giơ mái chèo để chúng tôi bám vào.

[…]

Tôi vừa được báo tin là sẽ có một cuộc họp lớn của Đoàn Thanh niên khu 4 tại làng Hậu Hiền, cách Bạch Ngọc khoảng hai chục cây số. Chúng tôi được mời dự họp.

Khi có giấy báo, Thư và tôi lên gặp bác sĩ B. để xin phép: "Cho phép cô Thư đi, còn cô Phượng ở nhà vì vô kỷ luật".

Tôi biết là sau vụ nhảy sông, ông ấy rất thù tôi.

Ganh ganh... gong gong... anh 2

Sách Gánh gánh.. gồng gồng... Ảnh: Q.M.

[…]

Khi đi Hậu Hiền, tôi như được tiếp thêm đôi cánh, lúc về hai chân nặng nề lê từng bước. Lại thêm canh cánh nỗi lo bị trừng phạt của tay bác sĩ đang trù dập mình.

Tôi đã đoán không sai. Vừa bước vào phòng, những tia mắt ái ngại của bạn bè dõi theo.

Thấy tôi, ông B. trợn mắt: "Vào xà lim!" rồi xốc mạnh tay tôi vào một cái chuồng trâu gần đấy. Chuồng hôi thối nồng nặc, tôi lùi lại. Tiếng hét: "Cho cô biết vô kỷ luật là bị trừng phạt như thế nào! Tôi đã cấm đi tại sao cô dám cãi lời?". Ông ta đẩy mạnh tôi vào giữa chuồng trâu và cài then lại. Có tiếng bóp mạnh ống khóa.

Nằm chỏng chơ trên nền đất đầy phân trâu, có một chiếc chiếu và một chén nước. Quá mệt, tôi thiếp đi. Có tiếng thì thào: "Cố lên Phượng! Tụi mình sẽ gắng thuyết phục lão ấy".

Phan Đình Lượng, bạn học cũ, đã lén đem đến cho tôi hai củ khoai nướng. "Không, Lượng không cần nói với lão. Tôi muốn chết ở đây".

Mấy ngày liền không được tắm rửa, phải đại tiểu tiện trong một góc chuồng trâu, tôi thấy mình đã trở thành một con thú. Nhưng khi ông B. đến hỏi tôi: "Cô đã hối hận chưa?" - "Tôi không có sai lầm gì mà hối hận" - "Tôi đã cấm cô đi rồi mà" - "Tại sao bác sĩ cho phép Thư đi mà tôi lại không? Không công bằng". Ông B. hạ giọng: "Cô xin lỗi tôi đi, rồi tôi tha". Tôi hét lên: "Thà cắt lưỡi tôi còn hơn".

[…]

Đến ngày thứ tư, Lượng đến rất sớm: "Bạn ngồi lên đi" - "Hãy để tôi yên!". Lượng tiếp tục: "Lão đã ra lệnh thả bạn rồi" và nhẹ nhàng nâng tôi lên. Người tôi hôi thối, mái tóc dài rũ rượi, nồng nặc mùi phân trâu.

Tôi tắm rất lâu ở sông Bạch Ngọc nhưng tóc vẫn có mùi nước tiểu. Mượn cây kéo của bác thợ may ở bến sông, chiều hôm ấy tôi bắt đầu cắt mớ tóc dài tôi yêu thương giữ gìn suốt những năm qua.

Thả những lọn tóc dài xuống sông, tóc để lại những vệt đen giữa làn nước trong vắt. Khi đi trả chiếc kéo, nhìn vào gương, một khuôn mặt lạ lẫm nào đó đang nhìn lại tôi, đầu tròn xoe, tóc ngắn củn cỡn, đôi mắt sáng trên khuôn mặt gầy guộc. Tôi bật cười.

Bây giờ chỉ còn cần tìm một việc làm mới, bỏ nơi này mà đi.

Một lần nữa số phận tôi lại chuyển đi một hướng khác.

Xuân Phượng / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY