Thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) được xem như một trong những ngành trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với khả năng xử lý thông tin ở quy mô lớn hơn, khoa học hơn, nhanh và chính xác hơn con người, AI ngày càng được ứng dụng ở nhiều ngành nghề như công nghiệp, nông nghiệp, sinh học, y tế, giáo dục, giao thông hay thương mại điện tử.
Lĩnh vực nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nêu rõ quan điểm coi AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Là nhà nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm về tin sinh học, tác giả và đồng tác giả của hơn 50 bài báo trên các hội nghị, tạp chí chuyên ngành hàng đầu, TS Sơn Phạm - Giám đốc điều hành Công ty BioTuring - nhận định thế giới sẽ dần dịch chuyển theo hướng giảm đi việc dùng sức lao động của con người và tăng lên các ứng dụng dùng máy, cũng như tăng năng suất lao động trên diện rộng.
Theo TS Sơn Phạm, bên cạnh các yếu tố chính gồm sản phẩm, chất lượng sản phẩm và nhu cầu thị trường, bất cứ công ty nào muốn đứng vững cũng phải dựa vào giá thành sản xuất và năng suất lao động. Đặc biệt với những công ty ở vị thế cạnh tranh, giá thành càng phải thấp và năng suất phải cao. Số lượng thành phẩm được tạo ra trong một đơn vị thời gian phải cao.
Theo TS Sơn Phạm, nhu cầu sử dụng công nghệ hiện đại trong công nghiệp sẽ tăng lên trong thời gian tới. |
“Khi nằm trong thị trường cạnh tranh, bài toán tối ưu này lại càng khó hơn. Một công ty công nghệ hay có ứng dụng công nghệ, nếu muốn phát triển, sẽ phải liên tục đặt ra vấn đề và cải tiến với câu hỏi: Việc nào con người làm tốt hơn, việc nào máy làm tốt hơn?”, TS Sơn Phạm cho biết.
Mặt khác, xét trên khía cạnh toàn cầu hóa, lương của lao động ở những vùng khác nhau sẽ có khác biệt lớn, trong khi giá bán máy tính lại chênh lệch nhỏ hơn. Điều này dẫn đến sự áp dụng rộng rãi của máy tính, AI trong các ngành nghề kinh tế nhiều hơn.
Phủ sóng nhiều ngành nghề tại Việt Nam
Tính đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn, startup khởi nghiệp của Việt Nam đang tăng tốc đầu tư và có những bước tiến đáng kể về nghiên cứu AI, ứng dụng trong nhiều hình thức, lĩnh vực kinh doanh.
Tiêu biểu có thể kể đến ứng dụng AI trong số hóa tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và hỗ trợ điều trị Covid-19; trợ lý ảo tư vấn, tiếp nhận và giải quyết đơn thuốc của ngành dược phẩm; phân tích dữ liệu, xác thực thông tin, nhận diện khách hàng và hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng… Cùng với đó là các ứng dụng về ngôn ngữ, giáo dục hay y sinh.
Là chuyên gia AI trong lĩnh vực ngôn ngữ học, đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, PGS.TS Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM - nhận định trong lĩnh vực ngôn ngữ học và giáo dục, đặc biệt là tiếng Việt, AI có nhiều tiềm năng.
Bởi trong nghiên cứu ngôn ngữ, với sức mạnh tính toán ngày càng cao cùng các công nghệ tiên tiến về máy học được huấn luyện trên kho ngữ liệu lớn, AI có thể giúp phát hiện tự động quy luật của các ngôn ngữ nói chung và một ngôn ngữ cụ thể nói riêng.
Đồng thời, AI thực hiện so sánh, đối chiếu trên ngữ liệu của các ngôn ngữ, tự động phát hiện điểm tương đồng và dị biệt giữa các ngôn ngữ, từ đó có thể xây dựng các quy tắc chuyển tự, chuyển ngữ hiệu quả hơn, chính xác hơn.
“Với các kỹ thuật khai khoáng văn bản (text mining) của AI, máy sẽ giúp chúng ta khám phá nhiều tri thức quý giá từ 'biển thông tin' khổng lồ ở nhiều ngôn ngữ khác nhau dựa trên công nghệ máy đọc hiểu ngôn ngữ. AI sẽ giúp chúng ta giám sát tự động luồng thông tin trên mạng Internet, tìm kiếm nguồn thông tin phù hợp với chủ đề, tổng hợp tri thức hay tin tức cần thiết trong lĩnh vực mà chúng ta quan tâm”, PGS.TS Đinh Điền nói.
PGS.TS Đinh Điền nhận định AI có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục. |
Trong khi đó, với lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, AI bước đầu được ứng dụng và mang lại kết quả khả quan trong giảng dạy ngôn ngữ, ngoại ngữ, biên soạn sách giáo khoa, biên soạn đề thi, chấm điểm tự động, tìm kiếm tài liệu phù hợp với chủ đề quan tâm, dịch thuật tài liệu, phát hiện đạo văn, giảng dạy trực tuyến, lớp học ảo, trò chơi học tập, cá nhân hóa người học, học thích nghi (adaptive learning), gia sư ảo, kết nối cộng đồng…
Không riêng ngôn ngữ và giáo dục, AI còn góp phần mang tới bước nhảy vọt trong công nghệ sinh học và y sinh, đặc biệt trong khoảng 3 năm trở lại đây. Theo TS Sơn Phạm, ở lĩnh vực này, có những bài toán tưởng như không thể giải quyết với sự thực hiện của con người, nhưng đã được xử lý nhờ AI.
Ví dụ như năm ngoái, DeepMind (công ty con của Google) công bố hệ thống AI có khả năng giải quyết bài toán khó về tiên đoán cấu trúc protein. Hay trước kia, để chọn một loại tế bào sẽ phải chọn các phương pháp như Flow Cytometry; song gần đây có công ty Deep Cell sử dụng hình ảnh của những tế bào, dùng AI để xem xét hàng tỷ tế bào rồi sau đó đưa ra lựa chọn.
“Trước giờ, các nhà sinh học phân tích trực tiếp bằng sức người. Khi các kỹ thuật phát triển và dữ liệu trả về rất lớn, việc phân tích này thể hiện nhiều hạn chế. Sức mạnh của AI và thuật toán AI cho thấy trước một kỷ nguyên mới, khi dữ liệu từ những thành phần trong cơ thể từng được dùng để tìm hiểu và tạo ra thuật toán; thì nay thuật toán, AI và học máy (machine learning) bắt đầu quay lại để học, khám phá và tìm hiểu về cơ thể và các bệnh”, TS Sơn Phạm cho hay.
Có bề dày nghiên cứu và trải nghiệm trong lĩnh vực tin sinh học, TS Sơn Phạm và công ty BioTuring hiện hợp tác với hơn 60 công ty dược hàng đầu thế giới để thiết lập bản đồ tế bào với hơn 37 nghìn tỷ tế bào trên từng cá thể. Bản đồ có thể tìm hiểu vai trò của từng loại tế bào và cách điều trị chính xác trong những điều kiện bệnh khác nhau.
Kỳ vọng vào bước tiến mới tại Zalo AI Summit 2022
Song song sự phát triển nhanh chóng của AI, những sự kiện, cuộc thi về lĩnh vực này cũng dần trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Một trong số đó là Zalo AI Summit.
Là sự kiện thường niên uy tín được tổ chức lần đầu năm 2017, Zalo AI Summit mang đến chủ đề hữu ích, thiết thực và góc nhìn toàn cảnh về AI tại thị trường Việt Nam, cũng như hướng giải quyết các bài toán lớn của ngành, qua đó góp phần đưa AI vào cuộc sống.
Đơn cử, trợ lý giọng nói Kiki chính thức ra mắt tại sự kiện Zalo AI Summit vào tháng 12/2020. Đến nay, Kiki được tích hợp trên hơn 18 hãng màn hình ôtô thông minh như Gotech, Zestech, Bravigo, Oled, EononPro… với hơn 200.000 lượt cài đặt và sử dụng trên xe hơi.
Trợ lý giọng nói Kiki mang đến sự tiện lợi cho người cầm lái khi di chuyển trên đường. |
Tham dự Zalo AI Summit 2022 với vai trò diễn giả, chia sẻ đề tài “Ứng dụng AI trong ngôn ngữ và giáo dục”, PGS.TS Đinh Điền nhận định với loạt sản phẩm ra mắt trong các sự kiện trước, Zalo AI Summit 2022 và những năm sau được kỳ vọng khơi nguồn cảm hứng, thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm đến ngành AI của Việt Nam, hướng ưu tiên giải quyết các bài toán mang tính đặc thù ở Việt Nam như ngôn ngữ, văn hóa, môi trường hay hoàn cảnh xã hội.
Mang tới Zalo AI Summit 2022 bài thuyết trình “AI nghiên cứu con người, hướng tới sự hiểu biết sâu sắc hơn về bệnh tật và phương pháp điều trị”, TS Sơn Phạm cho rằng Zalo AI Summit giúp các bạn developer, sinh viên, nhà nghiên cứu khoa học có cái nhìn tổng quan và biết về ứng dụng của deep learning là gì hay những lợi thế của bản thân.
Đặc biệt, Zalo AI Summit cho các bạn thấy được cơ hội việc làm và vai trò của bản thân trong sự phát triển này, từ đó góp phần tạo động lực để học, ứng dụng, thấy mình có thể tạo ra giá trị mới.
Zalo AI Summit là sự kiện thường niên do Zalo tổ chức. |
Theo TS Sơn Phạm, tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là con người. Các bạn trẻ có nền tảng về giáo dục, đặc biệt về toán, tốt hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Đây là thế mạnh nằm trong con người Việt Nam. Sự siêng năng, đam mê, ham học của các bạn trẻ giúp đất nước có được nguồn nhân lực chất lượng và bền bỉ.
Một lợi thế nữa là sự phổ biến Internet, giúp thế hệ trẻ có thông tin tốt hơn, được tiếp cận nguồn kiến thức từ những nơi chất lượng trên thế giới. Mặt khác, dù chưa phải là điểm mạnh, trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên đang ngày càng tốt hơn.
Chính vì vậy, những sự kiện thường niên như Zalo AI Summit hay Zalo AI Challenge - cuộc thi tạo ra các sản phẩm, giải pháp AI - được trông đợi góp phần lớn trong việc tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển và mang tới bước tiến vững chắc cho ngành AI tại Việt Nam, cũng như tìm kiếm, ươm mầm các tài năng trong lĩnh vực này.