Các quần thể động vật hoang dã đang giảm sút nghiêm trọng trên khắp thế giới, khi con người tiêu thụ quá nhiều năng lượng, tăng dân số, thâm canh nông nghiệp và đánh bắt quá mức, theo một đánh giá mới về đa dạng sinh học trên Trái Đất, Guardian đưa tin.
Trung bình, quần thể động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư và bò sát trên toàn cầu giảm 68% trong giai đoạn 1970 - 2016, theo báo cáo Sự sống trên hành tinh, được thực hiện 2 năm một lần của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL). Con số trong báo cáo 2 năm trước là 60%.
Đa dạng sinh học bị đe dọa
Nghiên cứu này là một trong những đánh giá toàn diện nhất về đa dạng sinh học toàn cầu, do 134 chuyên gia trên toàn thế giới thực hiện. Họ phát hiện từ các khu rừng nhiệt đới ở Trung Mỹ đến Thái Bình Dương, thiên nhiên đang bị con người tàn phá trên quy mô chưa từng được ghi nhận trước đây.
Những cánh rừng ở Indonesia bị tàn phá để lấy đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh:Ulet Ifansasti. |
Nghiên cứu đã theo dõi dữ liệu toàn cầu về 20.811 quần thể của 4.392 loài động vật có xương sống. Những đối tượng được giám sát bao gồm các loài động vật đang bị đe dọa như gấu trúc, gấu Bắc Cực, cũng như các loài lưỡng cư và cá.
Số liệu mới nhất cho thấy ở trên toàn thế giới, các quần thể động vật hoang dã có xương sống đang giảm hơn 2/3 kể từ năm 1970.
Robin Freeman, người đứng đầu nghiên cứu tại ZSL nói: “Chúng tôi đã dành 10-20 năm để nói về sự suy giảm đa dạng sinh học, nhưng không thể thay đổi được gì. Điều đó khiến tôi thất vọng và buồn phiền. Chúng tôi ngồi tại bàn làm việc, biên soạn và thống kê những con số, nhưng thật khó để cảnh báo mức độ nghiêm trọng của vấn đề”.
Khu vực Mỹ Latin và Caribe ghi nhận tình trạng đáng báo động nhất với mức giảm tới 94%, trong các quần thể động vật hoang dã có xương sống. Các loài bò sát, cá và động vật lưỡng cư trong khu vực bị ảnh hưởng tiêu cực do việc khai thác quá mức hệ sinh thái, sự phân tán môi trường sống và dịch bệnh.
Biểu đồ cho thấy tác động của việc mất dần môi trường sống do hoạt động khai thác thiên nhiên của con người gây ra với động vật hoang dã. Nguồn: BBC/Đồ họa: Zing. |
Châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương cũng trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng các loại động vật hoang dã với con số lần lượt là 65% và 45%. Châu Âu và Trung Á ghi nhận mức giảm 24%, Bắc Mỹ là 33%. Những con số trên hình thành chỉ số sự sống trên hành tinh (LPI), nó giống như chỉ số chứng khoán về động vật hoang dã.
Các chuyên gia cho biết chỉ số LPI là bằng chứng về sự tuyệt chủng lần thứ 6 của sự sống trên Trái Đất, với 1 triệu loài động vật đang gặp nguy hiểm do hoạt động của con người, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2019.
Nạn phá rừng và chuyển đổi thành đất nông nghiệp để sản xuất thực phẩm cho con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự phá hủy đa dạng sinh học trên Trái Đất.
90% diện tích đất ngập nước đã biến mất
Nghiên cứu cho biết thêm 75% diện tích đất không có băng trên Trái Đất đã bị thay đổi đáng kể do hoạt động của con người. Gần 90% diện tích đất ngập nước trên toàn cầu đã biến mất kể từ năm 1700.
“Chúng ta cần hành động khẩn cấp và ngay lập tức trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp. Chỉ số mất đa dạng sinh học đang đi sai hướng một cách nhanh chóng. Chúng ta cần có ngay quy định về việc loại bỏ phá rừng ra khỏi chuỗi cung ứng. Đó là điều rất quan trọng”, Mike Barrett, giám đốc điều hành về bảo tồn và khoa học tại WWF, nói.
Châu Phi là khu vực có mức sụt giảm số lượng động vật hoang dã nhiều nhất thế giới. Đồ họa: Zing. |
Theo báo cáo, các khu vực nước ngọt chịu thiệt hại nặng nhất, với 1/3 loài bị đe dọa tuyệt chủng. Số lượng động vật hoang dã trung bình giảm tới 84%. Các loài bị ảnh hưởng bao gồm cá tầm sông Trường Giang ở Trung Quốc. Số lượng cá thể đã giảm tới 97%.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh từ vệ tinh, cho thấy các khu vực hoang dã không có dấu chân con người chỉ chiếm 25% diện tích trên cạn của Trái Đất, phần lớn nằm ở Nga, Canada, Brazil và Australia.
“Chúng ta đang xóa sổ động vật hoang dã trên hành tinh, đốt rừng, ô nhiễm môi trường và đánh bắt quá mức các vùng biển. Chúng ta đang phá hủy thế giới của chính mình, mạo hiểm sức khỏe, an ninh và sự tồn tại của chúng ta trên Trái Đất”, Tanya Steele, giám đốc điều hành WWF nói.
David Attenborough, nhà sinh vật học người Anh, cho biết nhân loại đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên nhân tạo - nơi con người thống trị Trái Đất. Ông cho rằng đây là thời điểm để con người học cách quản lý hành tinh của mình.
“Để làm được điều này đòi hỏi những thay đổi có hệ thống trong cách chúng ta sản xuất thực phẩm, tạo ra năng lượng, quản lý đại dương và sử dụng vật liệu, nhưng trên hết, nó đòi hỏi một sự thay đổi trong cách suy nghĩ”, ông Attenborough viết trong bài tiểu luận đi kèm với báo cáo.
Trong bối cảnh ảm đạm về sự suy giảm đa dạng sinh học trên khắp thế giới, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện nhờ những nỗ lực bảo tồn. Quần thể cá mập đuôi đen ở Australia và hổ Nepal có dấu hiệu phục hồi.
Theo một nghiên cứu riêng do Đại học Newcastle và Đại học Quốc tế Birdlife của Anh công bố, ít nhất 28 loài động vật đã được ngăn chặn tuyệt chủng, nhờ những nỗ lực bảo tồn kể từ khi Công ước đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc có hiệu lực vào năm 1993.