5 thành viên của "team human" trong cuộc đấu Dota 2 với trí tuệ nhân tạo. Ảnh: OpenAI |
Các nhà nghiên cứu tại OpenAI (California), một dự án được Elon Musk đồng sáng lập, đã kết hợp 5 thuật toán trí tuệ nhân tạo riêng biệt thành đội tuyển OpenAI Five và thách đấu với người chơi thật.
Mỗi thuật toán sử dụng một mạng lưới nơ-ron nhân tạo (neural network) để học cách chơi game cũng như phối hợp với những đồng đội AI khác. Theo OpenAI, đội tuyển ảo này vừa có những chiến thắng đầu tiên trước các game thủ Dota 2 nghiệp dư.
OpenAI Five đã tự học cách chơi, phối hợp và đánh bại game thủ nghiệp dư ở trò Dota 2. |
Đây là một hướng đi mới và quan trọng cho AI, vì các thuật toán trước đây thường chỉ vận hành độc lập. Phương pháp giúp cho các thuật toán phối hợp với nhau có thể chứng minh tầm quan trọng trong các ứng dụng thương mại của công nghệ này.
Ví dụ, thuật toán AI có thể phối hợp để vượt qua các đối thủ trong lĩnh vực thương mại điện tử hay đấu thầu quảng cáo. Những thuật toán được dạy kĩ năng làm việc nhóm cũng có thể phối hợp với chính con người.
Theo MIT Technology Review, OpenAI đã từng ra mắt một thuật toán có khả năng chơi Dota 2 ngang ngửa những game thủ giỏi nhất khi thi đấu đơn lẻ. Công trình mới nhất dựa trên thuật toán tương tự nhưng được điều chỉnh để tối ưu thành công của cả cá nhân và tập thể. Các thuật toán không giao tiếp trực tiếp, trừ lúc chơi game.
Greg Brockman, một thành viên sáng lập OpenAI cho rằng kết quả này sẽ giúp nảy sinh những sự kết hợp đầy tiềm năng trong tương lai, một cách hết sức tự nhiên.
Họ đã thử thay thế một thuật toán trong đội AI bằng một người chơi thật và ghi nhận kết quả rất tốt. "Người chơi ấy nói rằng anh ta thấy được hỗ trợ cực kì tốt", Brockman thuật lại.
Elon Musk đồng sáng lập và giữ chức chủ tịch của OpenAI từ năm 2015. Ảnh: TechWorm. |
Dota 2 là một trò chơi chiến thuật phức tạp, ở đó, hai đội gồm 5 thành viên thi đấu để phá huỷ "Ancient" - cứ địa trung tâm của đối thủ. Mỗi người chơi điều khiển một nhân vật, gọi là "hero". Mỗi "hero" có điểm mạnh, điểm yếu, vai trò khác nhau. Trong Dota 2, khả năng phối hợp là tối quan trọng để chiến thắng.
DeepMind, công ty con của Alphabet, đã phát triển một chương trình có khả năng học cách chơi trò chơi Go, board-game nổi tiếng phức tạp và tinh tế đòi hỏi những kĩ năng vượt trội. Sau đó, một thuật toán đã tự huấn luyện mình từ không biết gì thành lão luyện kĩ năng chơi Go và cả cờ vua, với phương pháp học là tự thi đấu với chính nó.
Các chiến thuật chơi Dota 2 thì rõ ràng hơn cờ vua hay Go, nhưng vẫn được xếp vào hàng khó. Độ khó lại càng tăng lên đối với máy học, bởi vì không phải lúc nào cũng biết được đối thủ định làm gì, hơn nữa, lại còn phải phối hợp với đồng đội.
Đội OpenAI Five cũng học bằng cách thi đấu với nhiều phiên bản khác nhau của chính mình. Qua thời gian, các phần mềm phát triển chiến lược tương tự với con người. Chúng tìm ra cách để lấy vàng bằng "farming", cũng như cách tiếp nhận một vị trí hoặc một "lane" chiến lược cụ thể trong quá trình chơi.
Chiến thắng của OpenAI Five được các chuyên gia trí tuệ nhân tạo đánh giá là rất ấn tượng, dù đối thủ mới chỉ là những tay chơi nghiệp dư. Noam Brown, một nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho rằng nếu "team AI" có thể tiếp tục thắng một cách ổn định thì đó sẽ là "một thành tựu quan trọng trong cả ngành trí tuệ nhân tạo".
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng nếu có đủ thời gian thì con người sẽ có thể tìm ra được những điểm yếu trong cách phối hợp của các thuật toán AI.
Sắp tới, OpenAI sẽ tiếp tục thách thức các game thủ hàng đầu trong giải đấu Dota 2 The International. Theo The Verge, đây là sự kiện hàng năm lớn nhất trong giới thi đấu e-sport. Các game thủ sẽ luyện tập rất chuyên chú với hy vọng giành được giải thưởng trị giá 40 triệu USD.