Ở Albuquerque, thành phố trung tâm tiểu bang New Mexico (Mỹ), Muhammad Imtiaz Hussain sợ hãi không dám bước ra ngoài ngôi nhà của mình để tưới cây, xuống xe lấy sách hay thậm chí đứng ngoài ban công.
“Các con tôi sẽ không để tôi đi ra khỏi căn hộ của mình”, ông Hussain, 41 tuổi, cho biết. Chỉ cách đây một tuần, em trai của ông, Muhammad Afzaal Hussain, 27 tuổi, đã bị bắn chết cách đó vài dãy nhà.
Afzaal Hussain là một trong 4 người đàn ông Hồi giáo ở Albuquerque bị giết gần đây, và các nhà chức trách tin rằng những cái chết có liên quan và nhằm vào cộng đồng Hồi giáo.
Nạn nhân mới nhất, một người đàn ông khoảng ngoài 20 tuổi đến từ Nam Á chưa được cảnh sát tiết lộ tên, đã bị giết vào ngày 5/8, ngay trước nửa đêm.
Một người đàn ông khác, Aftab Hussein, 41 tuổi, bị bắn chết vào ngày 26/7. Theo các nhà chức trách, 3 người bị giết hại trong hai tuần gần đây có thể liên quan đến cái chết của Mohammad Ahmadi, 62 tuổi, vào tháng 11/2021, bên ngoài doanh nghiệp ông đang điều hành.
Trong khi cảnh sát Albuquerque, FBI và cảnh sát liên bang đã kêu gọi công chúng giúp đỡ tìm ra hung thủ, các cuộc tấn công đã khiến người Hồi giáo khiếp sợ.
Lo sợ thành "mồi nhử"
Một thành viên theo học tại Trung tâm Hồi giáo New Mexico, cùng với cả 4 nạn nhân, nói rằng cõ lẽ anh sẽ không bao giờ quay trở lại đây, vì lo sợ trở thành “mồi nhử”.
Các thành viên khác trong trung tâm cũng tạm thời rời New Mexico, đến nhà người thân ở những vùng khác để chờ kết quả điều tra. Salem Ansari, một thành viên khác, nói rằng nhiều người người đến nhà thờ Hồi giáo và làm ca đêm đã bỏ việc.
“Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”, Ansari nói.
Altaf Hussain khóc trước mộ anh trai Aftab Hussein, hôm 5/8. Ảnh: New York Times. |
Theo chia sẻ của Ahmad Assed, người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo, suốt thời gian lớn lên ở Albuquerque và theo học tại Trung tâm Hồi giáo, ông chưa bao giờ cảm thấy bị cô lập. Nhưng giờ đây, cộng đồng đang trải qua một "cơn hoảng loạn".
Ông Imtiaz Hussain cũng đã sống an toàn trong khu phố của mình suốt 8 năm kể từ khi chuyển đến Mỹ cùng vợ và các con. Em trai của ông đến Mỹ vào năm 2017. Cả hai vẫn thường ra ngoài vào buổi tối khi còn theo học Đại học New Mexico với tư cách sinh viên quốc tế.
“Bây giờ, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và nghĩ ‘đây là nơi mà em trai tôi đã bị giết. Chúng tôi có nên chuyển đi không?’", ông chia sẻ.
Ông Imtiaz Hussain nói rằng ban đầu ông hy vọng có thể đưa thi thể em trai trở về an táng cùng gia đình ở Pakistan, nhưng những vết thương do đạn bắn khiến em trai ông không còn nguyên vẹn, và Hussain không muốn gia đình nhìn thấy hình ảnh đó. Nghi phạm “muốn kết liễu em tôi triệt để”, ông nói.
Sự thù hận trở lại
Nhìn chung, tội ác thù hận chống Hồi giáo ở Mỹ đang có xu hướng giảm. Theo giáo sư tư pháp hình sự Brian Levin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa hận thù và cực đoan thuộc Đại học bang California, vào năm 2020, số vụ tội phạm thù hận chống lại người Hồi giáo chạm mức thấp nhất kể từ vụ khủng bố 11/9/2001.
Tuy nhiên, ông cho rằng đây vẫn là một mối lo ngại. Theo báo cáo từ trung tâm, loại tội phạm này đã tăng hơn 20% vào năm 2021, và thêm 4,7% trong nửa đầu năm 2022.
Cảnh sát Albuquerque tập trung tại nơi một người đàn ông Hồi giáo bị giết vào đêm 5/8. Ảnh: New York Times. |
Cũng theo các nghiên cứu của giáo sư Levin, “thái độ chống Hồi giáo” có sức lan tỏa và xuất hiện trở lại trong thời kỳ đất nước khó khăn.
Vào năm 2021, Trung tâm Hồi giáo đã phải đối mặt với vụ đốt phá từ một phụ nữ được cho là đã gây ra 3 vụ hỏa hoạn trên sân chơi của nhà thờ Hồi giáo, và một vụ tại lối vào chính. Không ai bị thương và người phụ nữ bị bắt với cáo buộc đốt phá.
Trước tình hình đó, Trung tâm Hồi giáo đã khuyến cáo gần 2.500 thành viên ở nhà nhiều nhất có thể, đi cùng người khác khi cần ra ngoài và hạn chế kích động bất kỳ ai, ông Assed nói.
Ông cho biết thêm rằng dù vẫn nhận được sự hỗ trợ từ các cộng đồng khác, lần này ông đang cảm thấy “vô vọng”.
“Tôi quan sát phía sau khi lên xe và cẩn thận xem xét mọi thứ xung quanh mình”, ông nói. “Không thể biết liệu có ai đang theo dõi từ nhà thờ Hồi giáo hay không”.
Một số người thuộc cộng đồng Hồi giáo đã tỏ ra thất vọng vì cảnh sát không cung cấp thông tin chi tiết từ các cuộc điều tra. Các nhà chức trách không giải thích lý do họ tin rằng các vụ giết người có liên quan đến nhau, cũng như không cho biết liệu có bất kỳ nhân chứng nào hay không.
Tuy nhiên, ông Assed cho biết bản thân đã liên hệ với các nhà chức trách và hiểu lý do tại sao họ vẫn giữ kín diễn biến.
Trong khi đó, ông Hussain nói rằng ông muốn chính quyền liên bang và tiểu bang sử dụng càng nhiều nguồn lực càng tốt để truy bắt kẻ giết người. Tuy nhiên, cho đến khi ai đó bị bắt, không gì có thể làm giảm bớt nỗi sợ hãi hay nỗi đau mất người thân của ông.
“Đứa con 5 tuổi của tôi liên tục hỏi ‘chú của con đâu, tại sao bố lại khóc?’”, ông nói. “Nhưng chúng tôi chưa thể nói với con bé. Vẫn chưa".