Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc tuyển quân. Trung tướng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhận xét đây là dự thảo có được sự đồng thuận khá cao giữa cơ quan soạn thảo (Bộ Quốc phòng) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội).
Theo ông Hoàng, việc đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự luôn là vấn đề khó. Hiện nay tỷ lệ thanh niên nhập ngũ chiếm khoảng 0,12% dân số và chỉ chiếm 5,87% so với tổng số công dân có đủ điều kiện gọi nhập ngũ.
Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình (phó tư lệnh Quân khu 7) đề nghị tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh đoạt giải thi quốc gia, quốc tế . |
"Nghiện hút không cho đi nghĩa vụ quân sự, không chấp nhận chạy chọt vào bộ đội để đi cai nghiện", đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội).
Đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự là rất phản cảm
Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cho rằng hằng năm chúng ta có rất nhiều thanh niên đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi chỉ tuyển một số lượng có hạn, chính vì vậy mới tồn tại sự bất công bằng trong nghĩa vụ quân sự.
“Tôi để ý hằng năm khi tuyển quân ở địa phương thì rất ít con em cán bộ, đảng viên phải nhập ngũ. Cần đặt ra vấn đề là những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì phải làm nghĩa vụ gì đó thay thế để đảm bảo công bằng”, ông Thịnh nói.
Bàn về nghĩa vụ thay thế, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu đưa vào dự thảo luật này hình thức đóng tiền hoặc lao động công ích để thay thế nghĩa vụ quân sự.
“Tôi nông dân nhà nghèo không có tiền thì tôi đi, còn ông nhà giàu có tiền thì ông cứ đóng góp, tôi cho như thế là đảm bảo công bằng”.
Tuy nhiên, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) phản đối việc đóng tiền, cho rằng ý kiến dùng tiền thay thế không chấp nhận được.
“Chuyện con em công nhân, nông dân phải đi nghĩa vụ quân sự, con em nhà giàu không phải đi nghĩa vụ quân sự đã là bức xúc xã hội rồi, bây giờ lại thêm chuyện có tiền đóng thì không phải đi sẽ rất phản cảm. Nó sẽ làm mất đi tính thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc” , ông Thi phân tích.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề xuất giải pháp dung hòa theo hướng “nếu anh không đi nghĩa vụ quân sự trực tiếp thì đóng tiền và một năm phải đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng ở mức cần thiết”.
Thu hút thanh niên xuất sắc vào quân đội
Theo đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên), với cách tuyển quân như hiện nay thì chỉ con em nông dân phải đi bộ đội, do vậy muốn xây dựng quân đội hiện đại, sử dụng vũ khí, khí tài hiện đại thì cần chính sách tốt hơn để thu hút các thanh niên xuất sắc, có trình độ cao vào quân đội.
Trong khi đó, thiếu tướng Ngô Ngọc Bình (Phó tư lệnh Quân khu 7) đề nghị tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Bởi đây là nguồn đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và cả quân đội, nếu để các học sinh này gián đoạn khi tài năng của các em đang phát triển thì rất đáng tiếc.
Tuy nhiên, ông Bình đề nghị luật phải quy định rõ hơn, có sự ràng buộc rõ ràng đối với những thanh niên đi học nước ngoài. Vì trong dự luật hiện không đề cập, như vậy đây có thể là một kẽ hở để trốn nghĩa vụ quân sự.
Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự, trung tướng Lê Văn Hoàng cho rằng dự luật quy định 24 tháng với tất cả các đối tượng là phù hợp.
“Tôi biết tâm tư chung của nhân dân là muốn con em mình tham gia nghĩa vụ quân sự thời gian ngắn bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, nhưng nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải đủ thời gian huấn luyện”, ông Hoàng giải thích.
Không gọi thanh niên nghèo đói đi nghĩa vụ quân sự?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng (chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM) cho rằng thanh niên đã có vợ con thì không nên gọi đi nghĩa vụ quân sự.
“Có lần đi tuyển quân tôi đã gặp cảnh dở khóc dở cười khi vợ một thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ẵm con để trước hàng quân rồi đi về vì chồng đi nghĩa vụ không có người phụ nuôi con”, tướng Hưng kể.
Tướng Hưng cho biết trong danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của TP.HCM rất ít người đã có gia đình. Do đó, quy định này sẽ mang tính nhân văn và không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển quân.
Tướng Hưng còn đưa ra đề nghị khá bất ngờ: “Gia đình thuộc diện nghèo đói mà lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự nữa thì nghèo càng thêm nghèo. Nên cân nhắc việc gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự”.