Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'18 tháng tại ngũ chưa đủ để rèn quân'

"Quân đội ngày càng được trang bị hiện đại, đòi hỏi phải tăng thời hạn nghĩa vụ lên 24 tháng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu", ông Nguyễn Kim Khoa nói.

Trai tráng Sài Gòn bịn rịn ngày nhập ngũ

Trong hơn 2.000 thanh niên Sài Gòn lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt 2 năm 2014 có 190 tân binh gia nhập Lữ đoàn Hải quân 957 bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bên hành lang Quốc hội, thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh) trao đổi về một số sửa đổi của dự án Luật Nghĩa vụ quân sự đang trình Quốc hội.

- Từ năm 1981, Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh giảm thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ. Tại sao dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) lại đề nghị tăng lên 24 tháng, thưa ông?

- Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng chưa đủ để nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong thời bình và sẵn sàng động viên trong thời chiến. 

Theo tôi, thời hạn tại ngũ 18 tháng chưa đủ để rèn quân, ảnh hưởng tới chất lượng binh sĩ. Việc thực hiện hai thời hạn 18 và 24 tháng và tuyển quân 2 đợt mỗi năm gây khó khăn cho việc chuẩn bị các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu. 

Bên cạnh đó, quân đội ta khác hẳn quân đội các nước với 3 chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Chính việc đó hàng năm quân đội thực hiện rất nhiều nhiệm vụ không chỉ huấn luyện để tác chiến, mà còn phải làm công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, lao động sản xuất… 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng.

Thực tế, việc thực hiện Luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu, quá trình đổi mới của đất nước. Trong đó có quy định mới nhất của Hiến pháp 2013 về quyền và nghĩa vụ công dân. Việc sửa đổi lần này chính là để phù hợp với điều kiện, tình hình mới và điều kiện đó để đảm bảo cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp. 

"Nếu muốn bảo vệ tổ quốc, giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế xã hội thì phải chuẩn bị để đánh thắng trong chiến tranh" - Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa.

Ngoài ra, quy định tạm hoãn và quy định miễn nghĩa vụ quân sự cũng cần sửa đổi theo xu hướng giảm và chặt chẽ hơn để đảm bảo mọi người có thể tham gia nghĩa vụ quân sự tại ngũ cũng như ngạch dự bị và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. 

Vấn đề thứ hai, quân đội Việt Nam đang ngày càng trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đặc biệt ở lực lượng không quân, hải quân, tác chiến điện tử… đòi hỏi phải tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Chủ tịch thành phố viết thư xin cho 2 con nhập ngũ

Năm 1965, khi đang là Chủ tịch Hà Nội, ông Trần Duy Hưng đã viết đơn gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh thủ đô xin cho 2 con trai 26 và 16 tuổi vào bộ đội.

- Quy định độ tuổi nhập mũ mở rộng từ 18 đến 27 (thay vì 25 như hiện hành đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ) nhằm mang đến thay đổi gì cho lực lượng quân đội?

- Với quy định này, chúng ta có thể đưa số lượng thanh niên đã qua đào tạo nhập ngũ và sử dụng ngay vào các vị trí chuyên môn mà quân đội đang cần để giảm bớt đào tạo trong quân đội. 

Theo tôi, bậc đào tạo đại học cần bảo đảm nguồn nhân lực xã hội là phải đảm bảo vừa “hồng vừa chuyên”, vừa qua môi trường đại học lại phục vụ cả trong quân đội, có như vậy mới phục vụ tốt hơn cho đất nước và gia đình.

Từ 1981 đến nay, Luật Nghĩa vụ quân sự đã 2 lần điều chỉnh thời hạn phục vụ tại ngũ (đều giảm thời gian) của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình và có phân biệt thời hạn với hai loại đối tượng. Nay Chính phủ đề nghị quy định thống nhất thực hiện thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ từ 18 tháng lên 24 tháng.

- Các sửa đổi đã được xem xét như thế nào khi so sánh với quy định của các nước trên thế giới?

- Quân đội Việt Nam rất đặc thù. Các nước hầu hết xây dựng quân đội nhà nghề, như Mỹ chẳng hạn, là hợp đồng, trả lương. Một số nước như Nga bây giờ cũng phấn đấu chuyên nghiệp.

Các nước đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì độ tuổi và thời gian đa số tại ngũ từ 18 tháng đến 2 hoặc 3 năm, còn giới hạn tuổi thường cao hơn ta. Nhiều nước bắt buộc 100% thanh niên phải qua nhập ngũ mới thực hiện công việc tiếp theo như Hàn Quốc, Israel - họ làm rất chặt chẽ, buộc công dân phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự mới thực hiện công việc tiếp theo.

Quân đội Việt Nam kết hợp nghĩa vụ với chuyên nghiệp. Chúng ta không chỉ xây dựng lực lượng quân đội thường trực mà còn tạo ra nguồn nhân lực cho một nền quốc phòng toàn dân, phục vụ theo đường lối quân sự chiến tranh nhân dân.

Tân binh Sài Gòn nhập ngũ đầu tháng 9 vừa qua. Ảnh: Lê Quân.
Tân binh Sài Gòn nhập ngũ đầu tháng 9 vừa qua. Ảnh: Lê Quân.

- Giữa thanh niên thành thị và nông thôn có suy nghĩ khác nhau đối với việc nhập ngũ, phục vụ bảo vệ tổ quốc. Chúng ta giải quyết thế nào bài toán tâm lý cho họ khi nhiều người nghĩ "sau 2 năm quân ngũ về sẽ lỡ cơ hội học tập, làm việc"?

- Theo tôi, mỗi người đều có lý tưởng, sự nghiệp riêng, không phải chỉ có học đại học mới là sự nghiệp của thanh niên. Học nghề cũng là một sự nghiệp để xây dựng đất nước để xây dựng kinh tế gia đình. Thực hiện chủ trương bảo đảm công bằng xã hội trong nghĩa vụ quân sự tại ngũ là hết sức quan trọng. Mọi người đều phải bình đẳng.

Theo dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) đang trình Quốc hội:

- Độ tuổi gọi nhập ngũ: Luật hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 đến hết 25 nên hàng năm, tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ thấp. Mặt khác, số người được ưu tiên tạm hoãn để học đại học, sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ. Vì vậy, dự Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

- Đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình: Luật hiện hành quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh, sinh viên là quá rộng, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ; việc gọi công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ không nhiều. Một số công dân đã lợi dụng chính sách tạm hoãn để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự... 

Dự án Luật quy định chỉ tạm hoãn đối với học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu”. Đồng thời, để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Nguyễn Hưng thực hiện

Bạn có thể quan tâm