Nếu chúng ta sống trong một vũ trụ dựa trên sự ngẫu nhiên và may mắn, một việc hiếm thấy xảy ra với ta không phải là điều gì kỳ lạ trên hành tinh có 7,5 tỷ người này, tác giả Maria Konnikova viết trong cuốn sách mới The Biggest Bluff (tạm dịch Cú lừa lớn nhất).
“Một người nào đó sẽ mất việc”, cô viết. “Một người nào đó sẽ mắc một căn bệnh bí ẩn. Ai đó sẽ trúng xổ số”.
Có người sẽ kiếm được 125 USD khi đặt cược chỉ 3 USD ngay trong lần đầu tiên hay tìm được bạn đời trong đám đông. Người nào đó có thể nhiễm Covid-19 qua một gói hàng từ Amazon trong khi những người khác vẫn khỏe mạnh dù uống nước chứa huỳnh quang từ một hồ bơi đông đúc đâu đó. Ngay cả chuyện hiếm cũng có thể xảy ra mỗi ngày.
“Những điều này thuần túy là số liệu thống kê, và nó là một phần của cuộc sống, dù tốt hay xấu”, Konnikova viết.
Maria Konnikova, tác giả của quyển sách The Biggest Bluff (tạm dịch Cú lừa lớn nhất). Ảnh: New York Times. |
Thách thức của chúng ta, những con người sống trên Trái Đất - một trong số 40 tỷ hành tinh giống Trái Đất khác trong thiên hà của chúng ta - là bộ não con người không biết phải làm gì với những con số.
“Xác xuất là vấn đề trong phương trình của may mắn và kỹ năng”, Konnikova viết. Nhưng con người nguyên thủy của chúng ta hành động dựa trên kinh nghiệm và cảm xúc. Điều này làm biến dạng và giới hạn quan điểm của chúng ta về mọi thứ, đôi khi phóng đại các mối đe dọa và cơ hội.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể vô tư hơn trong việc liên quan đến vận mệnh của chính mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhìn xuyên qua những thăng trầm, những vinh quang và bi kịch - những chuỗi chiến thắng và thất bại của chính chúng ta - để thấy mạng lưới cơ hội và quyền tự quyết định hướng mọi khía cạnh cuộc sống, bao gồm các vấn đề về tình yêu, sức khỏe và tiền bạc?
Hành trình thành nhà vô địch poker
Nhìn bên ngoài, Cú lừa lớn nhất là cuốn sách tìm cách trả lời câu hỏi này bằng cách tập trung vào nhiệm vụ đi tìm thành công trong thế giới của trò xì phé (poker) của chính tác giả, cụ thể là trò No Limit Texas Hold‘em.
Đây là trò chơi Konnikova xem là kết quả hoàn hảo của vũ trụ xác suất của chúng ta, trò chơi kết hợp giữa giữa những điều đã biết và những điều chưa biết: 2 lá bài được úp xuống trước mỗi người chơi, 5 lá bài để ngửa cho mọi người chơi nhìn thấy. Trò chơi gồm 4 vòng cược với nhiều chiêu trò đánh lừa người khác.
Kế hoạch của Konnikova rất đơn giản: Với sự giúp đỡ của huyền thoại poker Erik Seidel, người Konnikova chọn làm cố vấn, cô sẽ luyện tập và dùng chính bản thân mình làm trường hợp kiểm thử. “Làm thế nào bạn hy vọng có thể tách sự ngẫu nhiên ra khỏi các ý định?”, cô đặt ra câu hỏi.
Sự thú vị của cuốn sách nằm một phần ở hành trình của Konnikova từ “mới vào nghề” ở các quán cà phê poker trực tuyến ở Hoboken, New Jersey, Mỹ đến giải Vô địch Poker Thế giới ở Las Vegas với những điểm dừng chân hấp dẫn ở Monte Carlo và Macau. Lúc mới bắt đầu, Konnikova thậm chí không chắc có bao nhiêu lá bài trong một bộ bài.
Là một nhà văn có bằng tiến sĩ tâm lý học, Konnikova không thực sự là một con bạc. Cô không quan tâm đến các sòng bạc, nơi có những tấm thảm bẩn và đồ uống miễn phí. Cô cũng không giỏi toán. Nhưng cô có cách riêng của mình.
“Nếu bạn bắt đầu từ chỗ không có gì cả, hiểu biết sâu sắc về tâm trí con người có thể chiến thắng toán học và thống kê trên bàn poker không?”, cô đặt ra câu hỏi. “Theo một cách nào đó, đây giống như một thử nghiệm triết học sự sống. Chất lượng so với số lượng. Con người so với thuật toán”.
Câu chuyện ẩn giấu
Điều khiến tác phẩm của Konnikova vượt qua những gì thường thấy trong tác phẩm của George Plimpton là cô liên tục trích dẫn những nghiên cứu hấp dẫn và các câu nói nổi tiếng trong Cú lừa lớn nhất.
Độc giả sẽ thường xuyên thấy các ngôi sao sáng như Immanuel Kant, W. H. Auden và John von Neumann, cha đẻ của lý thuyết trò chơi và tác giả câu nói “cuộc sống chứa đầy những chiến thuật lừa dối”, trong Cú lừa lớn nhất.
Chúng ta cũng sẽ được tìm hiểu nghiên cứu “điểm kiểm soát tâm lý” của Julian Rotter và thuyết những lát cắt mỏng. Seidel cũng xuất hiện nhiều lần để nói với tác giả rằng poker giống như nhạc jazz.
Sách The Biggest Bluff - How I Learned to Pay Attention, Master Myself, and Win (tạm dịch Cú lừa lớn nhất - Tôi đã học cách chú ý, làm chủ bản thân và giành chiến thắng như thế nào) của Konnikova đã được xuất bản vào ngày 23/6. Ảnh: New York Times. |
Konnikova giống như một người bạn thông minh của chúng ta, người sẽ ngay lập tức bối cảnh hóa mọi thứ bằng cách đưa ra dữ liệu mới nhất và cái nhìn sâu sắc nhất.
Trong khi đó, ở bàn chơi poker, Konnikova bắt đầu lấy lại bình tĩnh và lần lượt kiểm tra sự chú ý, nhịp độ, đặt sự khách quan lên trên cảm xúc, “đọc vị” đối thủ trong khi chỉnh sửa những lời nói hay cử chỉ có thể làm lộ bài của chính cô.
Konnikova gặp bất cứ ai giỏi chơi poker. Cô cũng tham gia những buổi tư vấn tâm lý và các buổi huấn luyện, trong đó có một buổi với chuyên gia giao tiếp phi ngôn ngữ Blake Eastman. Ông Eastman đã cho Konnikova xem những video trong nhiều giờ liền ghi lại cảnh cô chơi poker. Việc này khiến Konnikova nhận ra những thói quen khi chơi bài của cô như kiểm tra lại các lá bài.
Tuy nhiên, phát hiện phi lý nhất của Konnikova là trong khi poker có thể là trò chơi bình đẳng nhất - không ai quan tâm bạn học trường đại học nào hoặc bạn mặc đồ nhãn hiệu nào khi chơi - có đến 97% người chơi poker là đàn ông. Trong giải Vô địch Poker Thế giới, những người chơi nữ chỉ thu được 1,5% số vòng tay của người chiến thắng.
Vì vậy, Konnikova phải chịu đựng sự quấy rối, cười nhạo, tự cao và sự ngu ngốc để lật ngược tình thế bằng kiến thức của mình. Cô đã dùng thông tin từ một nghiên cứu cho thấy đàn ông có xu hướng sẵn sàng lừa gạt phụ nữ cao hơn đến 6%.
Điều này khiến Konnikova nhận ra đàn ông cũng sẽ bỏ bài thường xuyên hơn nếu cô chơi bài theo cách thất thường hơn: tăng tiền cược, kiểm tra bài và đặt cược lần ba. Giờ đây, Konnikova đeo tai nghe khi cô cần lờ đi những lời nói đùa phân biệt giới tính trong khi quan sát tay của người chơi để giành được lợi thế trên bàn poker.
Cú lừa lớn nhất là một câu chuyện nữ quyền nhưng không hề nghị luận về nữ quyền. Đó là một câu chuyện ẩn giấu, trong đó sự trỗi dậy của kẻ yếu mang đến cảm giác đương nhiên và là sự trả thù ngọt ngào.
Konnikova viết rất gọn gàng, đồng đều và ổn định đến mức cô có thể trở thành Charlie Watts (tay trống huyền thoại của ban nhạc The Rolling Stones) của văn xuôi. Tiếng nhạc nền không ngừng vang lên trong khi cốt truyện phát triển và sự tò mò của Konnikova cũng ngày một lớn hơn.
Trên thực tế, một trong những cú lừa lớn nhất của quyển sách này có thể là Konnikova đã không viết một cuốn sách về thành công của cô trong việc chơi bài.
Thay vào đó, cô đặt cược tất cả vào sức mạnh của tâm trí để tổng hợp những hiểu biết về tư tưởng triết học và tâm lý tại một thời điểm mà chúng ta cũng đang đặt câu hỏi về vận may của mình với hy vọng làm chủ số phận và cược với tỷ lệ lớn hơn nhiều so với trước đây.